Lễ Đức Mẹ Dâng Mình còn được gọi là ngày “Pro Orantibus” (Ngày Cầu Nguyện), Giáo Hội mời gọi cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi tu trì, ơn gọi sống thánh hiến cho Chúa.
Giáo hội cảm tạ Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Trinh Nữ Maria trong hàng con cái loài người. Đồng thời, Giáo hội tôn vinh ngợi khen Đức Trinh Nữ đã sẵn lòng tuyệt đối tận hiến mình cho Thiên Chúa và Giáo hội cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ dâng mình cho Chúa, để sống với Chúa và cho nhiệm cuộc cứu rỗi của Người.
Ngày lễ hôm nay nhắc nhớ chúng ta ý thức hơn việc hiến mình phụng sự Thiên Chúa trong niềm vui, mau mắn và nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, theo gương mẫu của Đức Maria.
Ngày lễ mà chúng ta mừng Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Thiên Chúa như mừng sự kiện Mẹ Maria xin vâng để rồi Mẹ hoàn toàn thuộc về Người suốt đời, ngõ hầu không chỉ xa lánh sự đồi trụy của thế gian, Trinh Nữ còn loại bỏ khỏi tâm trí người mọi lo toan với những tư tưởng vô ích của thế gian, và loại khỏi lòng người cảm tình đối với tạo vật, vì lòng người được dựng nên chỉ để yêu Chúa và dâng trọn cho Chúa mà thôi.
Đức Maria dâng mình trong Đền thánh theo thói quen đạo đức thời ấy để có thể thuộc trọn vẹn về Chúa ngay từ những tháng ngày thơ ấu của mình. Dâng mình cho Chúa là đặt đời mình trong tay Chúa, dưới sự hướng dẫn, điều động của Ngài. Vì lẽ đó không lạ gì sau này Đức Ma-ri-a mau mắn nói tiếng “Xin vâng,” vui lòng chấp nhận làm Mẹ Con Thiên Chúa, rồi “vội vã” lên đường giới thiệu Chúa cho người chị họ Êlisabét. Nếu không được chuẩn bị tâm hồn từ trước, Mẹ sẽ rất đắn đo, thậm chí khó lòng thuận theo ý muốn viễn tưởng đó dù từ Thiên Chúa trên trời. Sự vâng theo thánh ý Chúa ấy là mẫu gương cho các tín hữu, đồng thời cũng liên kết Mẹ với các phần tử khác trong đại gia đình Thiên Chúa.
Đức Trinh Nữ rất thánh đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa một cách dứt khoát trong ngày thánh nầy. Cha mẹ người tháp tùng người trong hành động thánh thiện nầy, đã để người ở lại trong Đền thờ hầu được dưỡng dục tại đó với các trinh nữ khác, và chú tâm thực hành mọi nhân đức. Vì Thiên Chúa muốn một ngày kia Đức Maria sẽ trở thành đền thờ cho Thiên tính của Người, nên Người đã thực hiện nơi Trinh Nữ một điều cao trọng, ngay từ tuổi thơ ấu, bằng sự tuyệt đỉnh của ân sủng để tôn vinh Trinh Nữ. Điều Thiên Chúa làm thật là chính đáng. Vì thế, theo lời một tác giả đạo đức, trong Đền thờ Trinh Nữ luôn tận tụy phục vụ Thiên Chúa, tập luyện chay tịnh và cầu nguyện ngày đêm. Chính bằng cách nầy mà Trinh Nữ vẹn toàn thanh khiết nầy đã sống cách thánh thiện trong suốt thời gian người đã trải qua trong Đền thờ.
Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Ðức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Ðức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của mẹ là đền thờ cho Ðức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Ðức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Ðó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô đến cư ngụ.
Kết quả của việc Đức Trinh Nữ rất thánh ở trong Đền thờ là sự biến đổi lòng Trinh Nữ thành một đền thánh. Đó là lời mà Hội Thánh đã dùng để ca ngợi Trinh Nữ trong ngày thánh nầy, rằng Trinh Nữ là đền thờ của Chúa và là thánh điện của Chúa Thánh Thần. Vì lẽ ấy, Trinh Nữ là thọ tạo duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa một cách tuyệt hảo và cao quý đến nỗi sẽ không có một thọ tạo nào khác giống như Trinh Nữ. Vì Trinh Nữ chính là thiếu nữ mà Đức Chúa, theo lời sách Sáng Thế (3:15), đã chuẩn bị cho con của Người, và vì theo lời một ngôn sứ, “ngày của Đức Chúa đến gần” (x. Ed 12:23) nên Người đã chuẩn bị Trinh Nữ trước, biến Trinh Nữ thành một lễ phẩm thánh thiện được thánh hiến cho Người. Vì vậy mà, theo sách Khải Huyền, Trinh Nữ “trốn vào sa mạc” (Kh 12:6), nghĩa là vào trong Đền thờ, là nơi cách ly khỏi những liên hệ với con người, nơi mà Trinh Nữ tìm được sự tĩnh mịch mà Thiên Chúa đã định cho Trinh Nữ. Vì Con Thiên Chúa phải chọn Trinh Nữ làm nơi lưu ngụ cho mình, thì việc Trinh Nữ không chuyện vãn với người phàm ngoài đời là điều rất hợp lý ; mọi cuộc chuyện vãn đều ở trong Đền thờ của Đức Chúa ; thậm chí Trinh Nữ thường chuyện vãn với các Thiên Thần hơn là với các bạn đồng môn của mình, để trở nên xứng đáng được một thiên sứ của Thiên Chúa bái chào.
Ta thấy ý nghĩa quan trọng nhất của biến cố Đức Mẹ dâng mình đó là chúng ta tìm gặp Thiên Chúa, tìm theo thánh ý Người và tìm hun đúc cho sứ mệnh tương lai. Với tất cả tâm tình đó, mỗi chúng ta hãy nỗ lực sống đẹp cuộc đời hiện tại như lễ dâng tạ ơn và cũng như lễ dâng tạ tội. Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho lễ dâng đời ta được thanh tẩy và thánh hóa, mong đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hơn.
Nếu Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xếp dáng dấp trinh nữ hiến dâng sau khi nêu lên ba dáng dấp lắng nghe, cầu nguyện và hạ sinh của Đức Maria, thì chỉ muốn khắc họa cho thấy việc dâng mình là nền tảng giúp Đức Mẹ có được động thái tương hợp trong nhịp sống thánh hiến.
Chúng ta xin cho mỗi chúng ta và cách riêng cho những người sống đời thánh hiến gặp được nơi Đức Mẹ mẫu gương tích cực và xin Đức Mẹ cũng giúp ơn cần thiết để mọi người gặp được bình an với lễ dâng cuộc sống còn lắm khó khăn.
Lm. Anmai, CSsR