26.11 Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mươi-Tư Mùa Quanh Năm
Kh 22:1-7; Tv 95:1-2,3-5,6-7; Lc 21:34-36
Hãy tỉnh thức
Trong tuần XXXIV này, Hội Thánh chọn những bản văn Tin mừng có liên quan đến ngày cánh chung, một biến cố mà con người không thể tránh né trong cuộc sống dương thế, ngày mà Thiên Chúa đến trong Vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi nhìn về biến cố cánh chung – phán xét, con người thường hoang mang, sợ hãi… Hoặc họ sẽ lo lắng thái quá và dễ dàng chạy theo những mê hoặc phù phiếm; hoặc họ sẽ thờ ơ bất cần và trượt dài trên những sa đọa của bản thân, của xã hội, của tội lỗi; hoặc là họ sẽ phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa..v.v… Để đón thời khắc “giao thừa” ấy, Tin mừng hôm nay truyền dạy hai thái độ tích cực:
Sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta suy niệm hôm nay. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta không ai có thể biết trước được ngày tận cùng của cuộc đời mình. Vì thế người kitô hữu chúng ta phải cần tỉnh thức cầu nguyện, và luôn sẵn sàng đón nhận giây phút quan trọng này. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21, 34).
Qua câu Lời Chúa này, Chúa Giêsu dạy chúng ta sẵn sàng đón nhận ngày cánh chung hay là ngày tận cùng của cuộc đời mỗi người sẽ đến vào lúc chẳng ai ngờ, và để chuẩn bị biến cố bất ngờ này, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là luôn sẵn sàng, luôn thức tỉnh và cầu nguyện. Sẵn sàng thức tỉnh như người trinh nữ chuẩn bị dầu đèn đi đón chàng rể là chính Đức Kitô.
Phải đề phòng. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời...” Thời khắc “giao thừa” của kiếp lữ hành này không phải là sự cùng tận của con người, càng không phải là dấu chấm hếtt cho những người tin vào Thiên Chúa; nhưng đúng hơn là “thời khắc” của niềm hy vọng, của sự chuyển di từ cái chết thể lý sang sự sống vĩnh cửu toàn vẹn, con người được chuyển từ cái bất toàn, hư nát sang cái toàn hảo, siêu việt.
Do vậy, người tín hữu cần tin tưởng vào sự toàn thắng của Đức Kitô Phục Sinh mà chọn lựa một lối sống lành thánh, không để lòng mình ra nặng nề vì tội lỗi, không để mình chiều theo lối sống buông thả chè chén say sưa, cũng không để tâm trí mình mất niềm hy vọng bởi quá lo lắng sự đời.
Phải tỉnh thức và cầu nguyện, đó là thái độ thứ hai ta cần phải có của người ki-tô hữu. “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Con người là một thụ tạo yếu hèn, không thể tự sức để chống chọi trước các mưu ma quỷ quyệt của Satan.
Như Phao-lô từng nói, cái tốt tôi muốn làm thì tôi lại không làm, còn cái xấu tôi không muốn làm thì thôi lại làm. Điều đó cho thấy sự bất toàn của con người, cần phải có thái độ khiêm tốn và cậy dựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa, của ân sủng Ngài qua lời cầu nguyện liên lỉ của mình. Để rồi ta cũng dám nói như Phao-lô, tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi.
Vì quả thực “Không có Thầy thì anh em chẳng làm gì được”, không có Chúa trợ lực chúng ta cũng không thể làm nên trò trống gì. Chỉ còn thái độ tỉnh thức để không rơi vào sự thỏa hiệp hay chọn lựa sự dữ và thái độ tín thác vào ân sủng Chúa qua lời cầu nguyện, chỉ như vậy ta mới can đảm và hãnh diện khi đón mừng thời thắc “giao thừa” của kiếp người trong ngày chung thẩm.
Cuộc sống hôm nay khiến con người chúng ta dễ sa đà mê muội, bởi những tiến bộ khoa học kỹ thuật và những sản phẩm của nó, đã tạo ra lối sống có nhiều cạnh tranh, mải mê chạy theo hưởng thụ đầy tiện nghi. Người ta lo toan sao cho có được những lạc thú, dù có phải trả giá bằng những mệt nhọc vất vả, bằng những bận rộn kéo dài.
Giữa lúc cảnh đời người người đua nhau sắm sửa, làm lụng, mấy ai có đủ tỉnh thức để suy nghĩ đến ngày tận thế, hay nghĩ tới ngày kết thúc cuộc đời của mình với nấm mồ là ba tấc đất mới thật là nhà của mình cách vĩnh viễn, đang khi ta còn cứ mải mê lo cho phần xác này được đầy đủ, được sung sướng, mà không lo nghĩ tới phần riêng là linh hồn của ta, thử hỏi những lúc chúng ta bôn ba như vậy, mấy ai đã lo sắm sửa hành trang cho linh hồn mình. Vâng, những lúc chúng ta mê muội ấy là chính lúc chúng ta thiếu cầu nguyện, ít vào nơi thanh vắng với Chúa ngay trong nội tâm ta. Vì thế chúng ta là những môn đệ của Chúa chúng ta phải có những thái độ sau.
Thái độ thứ nhất: thái độ quan trọng là đón Chúa đến, không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chưa lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện sắm sửa thế gian, và bất cứ lúc nào cũng phải nghĩ đến chuyện Chúa đến, dù cho có thình lình, đột ngột, chúng ta cũng không ngỡ ngàng.
Thái độ thừ hai: Là kiên trì và cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện để xin Chúa mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.
Cái chết đến với mỗi người chúng ta cách bất ngờ. Trong sứ điệp Lời Chúa hôm nay Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều ấy: “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Vì thế chúng ta đừng giả điếc làm ngơ trước tình thương của Thiên Chúa ban cho mỗi người, để luôn sẵn sàng và đứng vững trước ngày giờ Chúa đến với mỗi người chúng ta.
Huệ Minh