Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 3, 1-12)
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".
Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan. Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt".
Suy niệm
Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ hai mùa vọng, đặc biệt bài Tin mừng, giới thiệu cho chúng ta một nhân vật khá nổi tiếng, khá quan trọng, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Trải qua một chiều dài lịch sử của dân tộc Do thái, dân riêng của Thiên Chúa, biết bao nhiêu vị tiên tri, biết bao nhiêu thẩm phán, bao nhiêu vị vua được Thiên Chúa gởi đến, để nhắc nhở, cảnh báo và dẫn dắt cộng đoàn trở lại con đường Thiên Chúa muốn họ tiến bước, con đường đây không đơn thuần về không gian hay thời gian, nhưng con đường Thiên Chúa đợi chờ, đó là thái độ sống, đó là sự ý thức về chính mình, sự nhận thức về tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân như thế nào, để có thể cùng nhau tiến về một mái ấm gia đình, đó là Nước Trời.
Trước những thái độ sống bất tuân đối với Thiên Chúa, các tiên tri nói chung, đặc biệt tiên tri Isaia đã lên tiếng nhắc nhở cách nghiêm túc, yêu cầu họ phải đổi thay thái độ tôn giáo của mình. Song hành với những lời cảnh báo đó, là những bức tranh tinh thần vẽ lên một tương lai đầy hy vọng và mừng vui cho bất cứ ai can đảm và mạnh dạn thay đổi cuộc đời: “Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa. Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng”. Thiên Chúa không phải là một vị thần ưa trừng phạt hay quá nghiêm khắc với con người, đặc biệt với dân riêng do Ngài tuyển chọn, Ngài chỉ mong nơi họ luôn có một sự năng động trong niềm tin, sống tích cực hơn với những giá trị của tôn giáo, có một nhận thức đúng hơn về sự hiện diện cúi xuống của Thiên Chúa, đó là những cố gắng của con người như là tâm tình sám hối đức tin, để được gia nhập vào cộng đoàn Nước Trời.
Thánh Phaolo đã đem đến cho cộng đoàn thành Roma niềm vui của mùa vọng khi ngài nhắc cho họ rằng, Đức Giesu đem ơn cứu độ, đem niềm vui và hy vọng tới cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, vì thế, mỗi người, mỗi cộng đoàn, hãy đón tiếp anh em mình như là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa: “anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: "Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại". Thánh Phaolo còn nhắc cho các tín hữu Kito rằng, chính họ sẽ là nhịp cầu để cho Thiên Chúa đến với anh chị em dân ngoại, đến với những ai chưa được nghe, chưa được biết Thiên Chúa, từ đó, ngài còn mời họ hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa và cố gắng đổi thay cuộc đời, để xứng đáng với những gì Thiên Chúa trao ban.
Bước vào tuần thứ hai của mùa vọng, Mẹ Giáo hội giới thiệu một khuôn mặt mới rất đặc biệt, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Ngài xuất hiện như một luồng sáng mới, dù không có tài năng như các vĩ nhân, dù không có điều kiện học hành như các học giả đó đây, nhưng ngài có một sứ mạng khởi đi từ tình yêu, đó là kêu gọi mọi người hãy sám hối, hay thay đổi cuộc đời, để được vinh dự trở thành công dân Nước Trời: “Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng". Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan”. Là một tiên tri, thánh nhân không để cuộc đời mình nhiễm bụi trần hay nô lệ cho những nhu cầu cuộc sống, thánh nhân sống siêu thoát với những gì thuộc về thế gian, vì thế, lời kêu gọi của ông được mọi người đón nhận, được mọi người lắng nghe, từ đó, bao nhiêu người đã đổi thay cuộc đời, đã nhận lãnh nghi thức thanh tẩy. Chứng từ cuộc sống cùng với lời rao giảng của thánh nhân, đã góp phần lớn dọn đường cho Đấng Cứu Thế đi vào ngôi nhà của Ngài là thế giới này, là mỗi gia đình, mỗi trái tim con người.
Mùa vọng là thời gian thánh giúp mọi người tín hữu Kito phản tỉnh lại cuộc đời của mình. Thiên Chúa đã cúi xuống, đã làm người, sinh vào trong thế giới này với mục đích đem ơn cứu độ cho mọi người, phần con người, một khi đón nhận Ngài làm chủ cuộc đời, ắt phải có trách nhiệm đổi thay cuộc đời. Sự đổi thay Thiên Chúa đợi chờ không phải là một sự đổi thay về luân lý, về tính cách con người, nhưng là một sự đổi thay mang tính toàn diện. Hình ảnh Thiên Chúa bấy lâu nay trong suy nghĩ, trong nhận thức của tôi như thế nào, có phải là một kẻ thù hay là một vị cứu tinh của tôi, con đường Đức Giesu giới thiệu có phải là con đường dẫn đến sự chết hay sự sống, thay suy nghĩ của tôi. Sự sống và sự thật Ngài giới thiệu cho nhân loại, có phải là nền tảng của mọi sinh hoạt con người, hay chỉ là một mớ lý thuyết suông và dại dột khi lấy nó là tôn chỉ cho cuộc đời mình. Nhìn nhận sự thật về khả năng nhận thức của bản thân như thế, là khởi đầu của tiến trình sám hối, là khởi đầu cho việc uốn nắn lại những con đường quanh co trong tâm hồn chính mình đó. Thiên Chúa đợi chờ sự cố gắng đó từ nơi tôi.
Mùa vọng còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn đó là thời gian đón chờ Chúa đến, Ngài đến đem theo món quà từ trời đó là sự hòa bình cho thế giới, cho các gia đình, đặc biệt tái tạo lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với con người cũng như giữa con người với môi trường vạn vật và thiên nhiên. Thế nhưng, hòa bình đâu chưa thấy, chỉ toàn là chiến tranh, từ những cuộc nội chiến đang diễn ra đâu đó, gây ra bao tang thương cho đất nước, cho con người và cho thế giới, ngay cả quê hươn của Đấng Cứu Thế cũng không ngớt tiếng súng của chiến tranh, toàn là hận thù và tang thương. Gần gũi nhất đối với mỗi người là gia đình. Đó là nơi bình yên để đi về, đó là nơi ấm áp tình người, đó là nơi tình huynh đệ luôn được đề cao, thế nhưng, có biết bao người con đã từ bỏ tổ ấm đó, ra đi trong tức tưởi, ra đi trong nước mắt chỉ vì không tìm được hơi ấm tình người, mà chỉ toàn là đau khổ và nước mắt. Với những nỗi niềm đó, làm sao lời kêu gọi sám hối của thánh Gioan có thể trở thành hiện thực, nếu mỗi người không cố gắng đổi thay nhận thức và thái độ sống của bản thân từng ngày.
Thiên Chúa đợi chờ nơi con người một chút cố gắng. Ngài không đóng hết mọi lối nẻo của con người, Ngài mời mỗi người hãy cố gắng nhận ra trong chính bản thân, có những tội lỗi nào như là nguyên nhân của mọi tội lỗi, để cố gắng sửa đổi và hoàn thiện, những mối tội đầu như thường quen gọi, luôn là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt trong gia đình, giữa anh chị em với nhau và giữa con cái với Cha Mẹ. Sự cố gắng của con người luôn đóng vai trò quan trọng trong mùa vọng này cũng như cả hành trình đức tin. Đổi thay và xa lánh những mối tội đầu, sẽ giúp cho người tín hữu ý thức được tinh thần sám hối Thiên Chúa mong muốn qua lời kêu gọi của Gioan, từ đây, con đường đi vào vương quốc của Thiên Chúa luôn rộng rãi và bằng phẳng, Thiên Chúa dễ dàng đến với con người, và con người cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện và gắn bó với Ngài.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã đến trần gian làm người, để chia sẻ phận người với chúng con, từ đó, Con Thiên Chúa có những phương cách giúp con người sám hối và thay đổi tâm hồn, xứng đáng đón nhận ơn cứu độ, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô qua Mẹ Giáo hội, để đổi thay suy nghĩ và thái độ sống trong đức tin. Chúa cho chúng con một khả năng để nhận biết và có những chọn lựa đúng đắn trong hành trình đức tin của mình, xin ban thêm Thánh Thần tình yêu cho mỗi người, để nhờ hồng ân đó, chúng con biết đâu là nẻo chính đường ngay, đâu là sự thiện cần thiết cho con người, để chúng con luôn tỉnh thức, đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Amen.
Lm Trần Bảo Ninh