7.12 Thánh Ambrose, Gmtsht
Is 40:25-31; Tv 103:1-2,3-4,8,10; Mt 11:28-30
Học với Chúa
Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Probus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía Bắc nước Ý.
Sau khi Ðức Giám Mục thành Milan qua đời, hàng giáo phẩm và giáo dân họp lại để chọn một vị Giám Mục kế vị, nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu không khí hỗn độn ấy, Ambrôsiô với tư cách là chính quyền địa phương đã đến để hòa giải. Bỗng nhiên có một em bé la to lên: "Ambrôsiô Giám Mục" và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu Ambrôsiô làm Giám Mục năm 374. Nên sau đó, ngài được Rửa Tội (vì còn là dự tòng), và lần lượt lãnh các chức thánh để rồi cuối cùng lên làm Giám Mục Milan.
Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn đứng lên bệnh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội, chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó ta phải kể đến thánh Augustinô.
Thiên Chúa đã gọi ngài về hưởng triều thiên công phúc ngày 04/4/397, hưởng thọ 58 tuổi.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mở lớp dạy môn “Hiền lành và khiêm nhường” khi Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Khởi đi từ ý tưởng nền tảng này, chúng ta cùng tìm hiểu hai điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa; thứ hai, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người.
Trước hết, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa. Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian… cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế, dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Tiếp theo, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v…
Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình. Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Nhiều kẻ xưng mình là “đệ tử” của Chúa Giêsu. Tuy nhiên chỉ những ai “hiền lành và khiêm tốn”, chỉ những ai khi người khác đến gần họ mà cảm thấy “tâm hồn được nghỉ ngơi, bồi dưỡng”, có cảm giác “êm ái nhẹ nhàng” mới là đệ tử thật, đệ tử đã lãnh hội đúng chân truyền của sư phụ.
Trong Tân Ước có lẽ đây là lần duy nhất Chúa Giêsu tự mô tả, “tự khoe” mình. Dĩ nhiên Ngài nói rất ít và rất súc tích. Hai đức tính được Ngài chọn làm tiêu biểu cho Ngài là gì ? Là Hiền Lành và Khiêm tốn.
Một trong những ý của bài đọc Cựu Ước: “Ngài ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi”. Ý này được Chúa Giêsu làm ứng nghiệm trong bài Tin mừng hôm nay.
“Ách êm ái, gánh nhẹ nhàng”: Có một người cha đi dạo với cậu con trai cưng. Sau khi vui đùa thoả thích giữa cánh đồng cỏ đầy hoa, hai cha con tung tăng rảo bước ra về. Dọc đường bỗng cậu con trai cưng 6 tuổi này nói với bố “Ba ơi con buồn ngủ”, rồi chẳng mấy chốc chân tay bủn rủn, cha cậu phải bồng lên. Cậu quay ra ngủ thoải mái bình an. Người cha bồng đứa con về và ông đã ghi lại trong nhật ký rằng “thế là tôi đã cõng cái ách êm ái đó suốt quãng đường dài trở về nhà”. Khi chúng ta yêu, những khó khăn do người yêu mang lại, ta dễ cảm nhận nó nhẹ nhàng êm ái.
“Chúa Giêsu cất tiếng nói: Hãy học gương tôi, ví tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29)
Một buổi chiều nọ, ngồi trong tiệm sửa xe đạp, tôi có dịp quan sát khung cảnh náo nhiệt của một đoạn đường trong thành phố. Bỗng một chiếc Honda của một thanh niên từ trong hẻm lao thẳng ra và tông vào xe của một thiếu nữ. Rất may, cả hai người đều không bị thương tích ; nhưng chiếc quai giỏ bên tay xe của chị bị đứt. Trước mặt họ, những trái hồng văng tung toé. Hối hận vì hành động của mình, anh thanh niên vội bước đến xin lỗi và nhặt những trái hồng lên cho chị. Với thái độ điềm tĩnh, chị mỉm cười nói: “Xin lỗi anh, tôi thắng không kịp”.
Quả là điều thật dễ thương trong cuộc sống, khi con người biết biểu lộ tình thương, sự hiền lành và khiêm nhường của chính Chúa Giêsu, vị Thầy của chúng ta. Thật dễ thương nhưng chẳng dễ thực hiện, bởi dư luận vẫn cho rằng hiền lành là ngu xuẩn và khiêm nhường là nhu nhược.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người. Xin Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta biết sống mến Chúa và yêu người mỗi ngày một hơn.
Huệ Minh