Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm A
Posted by Ban Biên TậpTin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 11, 2-11)
Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".
Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: "Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con". Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".
Suy niệm
Màu hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, của niềm hy vọng và niềm vui. Chúa nhật thứ ba Mùa vọng được gọi là chúa nhật màu hồng, Chúa nhật của niềm vui và hy vọng, niềm vui bởi Đấng Cứu Thế đang đến gần, Ngài đem đến cho dân Ngài một luồng gió mới, một sức sống mới và một tinh thần mới ; hy vọng bởi sự hiện diện của Ngài là sự hiện diện của một Thiên Chúa đã giữ lời hứa cứu độ và lời hứa ấy đang dần hiện thực giữa một thế giới bị bao phủ bởi sự u ám của tội lỗi và sự chết. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ ba này mời cộng đoàn hướng về một niềm vui đặc biệt, là hãy chuẩn bị đón Con Thiên Chúa làm người và sẽ ở lại với con người. Ngài ở đó để tái thiết lại dân riêng của Ngài, Ngài hiện diện ở đó để cùng với con người tiến về quê hương đích thực của mình là Nước Trời.
Sống giữa một thế giới dân ngoại, người Do thái luôn bị tác động với những trào lưu vô thần và thực dụng, vì thế, đời sống tôn giáo của họ đã khoác lên một màu áo mới của thế tục và u ám, vì thế, Thiên Chúa đã sai tiên tri Isaia đi trước, loan báo về một triều đại của Thiên Chúa, một triều đại không còn lệ thuộc vào những yếu tố trần thế, đó là một triều đại đua nở hoa công chính và ngập tràn niềm vui: “Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Ðã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Car-mel và Sa-ron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta. Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm cho tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi”. Không chỉ cứu độ, nhưng Thiên Chúa còn đem đến cho dân Ngài một niềm vinh dự khi có sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đoàn. Thiên Chúa đã cúi xuống và đồng hành với con người, vậy con người có đủ can đảm, thu dọn một ngôi nhà ấm áp và đủ rộng cho Thiên Chúa ở lại và chia sẻ với con người mỗi ngày trong từng biến cố và ơn gọi của mỗi người không ?
Với trọng trách là người chủ chăn, thánh Giacobe đã khuyên bảo con cái mình hãy kiên nhẫn đợi chờ Thiên Chúa đến, đừng vì một lý do nào mà xao nhãng, bởi hàng ngày, con người phải đối diện với muôn vàn lời mời gọi đường mật và hấp dẫn, tất cả làm cho con người quên đi bổn phận của mình: “Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu. Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến”. Người nông dân dù chỉ đợi chờ công khó của mình từ hoa lợi ruộng vườn, nhưng họ luôn kiên nhẫn chờ cơn mưa đầu mùa cho tới cơn mưa cuối mùa. Họ đã được đón nhận hoa trái từ ruộng vườn, người tín hữu Kito hãy bắt chước họ, kiên nhẫn đợi chờ Thiên Chúa đem ơn cứu độ, đem niềm vui và hy vọng tới, dẫu chưa thể biết rõ ngày nào giờ nào Ngài sẽ đến. Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang và quyền năng của Ngài.
Dù được sai đến trong vai trò ngôn sứ và là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, nhưng thánh Gioan Tẩy giả hơi nghi hoặc về sự xuất hiện của một con người được gọi là Đấng Cứu Thế. Hình ảnh của Đấng Cứu Thế trong suy nghĩ của thánh Gioan sẽ là một Đấng đầy quyền năng, hiện đến trong uy nghi sáng láng, Ngài sẽ thay đổi bộ mặt thế giới, đặc biệt là giải phóng dân Do thái, cho họ một thời kỳ tự do, thế nhưng, thánh nhân lại bắt gặp một chàng thanh niên vô danh tiểu tốt, sống trong một gia đình tầm thường. Chẳng lẽ đó là Đấng Cứu Thế sao ? một thoáng hoài nghi về hình ảnh Đấng Cứu Độ con người: “Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta". Ông có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng khác ? dù trước khi vào tù, thánh Gioan đã loan báo về một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng, thế nhưng, trong tù ông chờ đợi sự xuất hiện của Đấng sẽ giải thoát ông, nhưng không thấy. Sự hoài nghi về Đấng Cứu Thế đã làm cho niềm tin của ông bị lung lay.
Được sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thánh Gioan đã nói lên tiếng nói của sự thật, đã làm chứng cho chân lý và chấp nhận tù tội vì những giá trị tin mừng, trong tù, ông đợi một người đến giải thoát đó là Đấng Cứu Thế, người mà ông biết rằng đã xuất hiện. Đợi mãi đợi hoài không thấy, ông nảy sinh sự nghi ngờ về Đấng Cứu Thế, Ngài là ai ? lúc bình thường, yên lành, con người cảm thấy được Thiên Chúa ôm ấp trong vòng tay, nhưng khi đau ốm, bệnh tật, nghèo đói, bị xã hội loại trừ, bị hiểu lầm vì lòng tốt, bị kết án vì tôn giáo, bị tù tội vì nói lên tiếng nói của sự thật, của chân lý, liệu rằng lúc đó niềm tin của con người có thực sự bình lặng hay sẽ bị lung lay dao động, bởi lúc đó, Thiên Chúa sao nín lặng trước những bất công, những đau khổ và những oan sai vì tin mừng, vì sự thật. Tại sao Ngài không xuất hiện để giải phóng con người, để đẩy xa những bất công trong cuộc sống. Là con người, ai cũng có những phút giây như thế, ai cũng giống như thánh Gioan Tẩy giả vậy, để có thể vượt qua được những khoảng lặng đó, cần có một thái độ sám hối tích cực, để đón nhận sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.
Sau khi nghe các môn đệ của mình trình bày những gì họ nghe Đấng Cứu Thế nói, thánh Gioan đã chấp nhận sự thật cho cuộc đời mình, chấp nhận cả cái chết vì những giá trị của tin mừng. Để có được phần phúc đó, thánh nhân đã làm một cuộc sám hối thực sự, đó là thay đổi nhận thức và hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Đấng Cứu Thế trong suy nghĩ của mình. Chính thái độ tích cực trong tinh thần sám hối đó, thánh nhân đã trở nên sứ giả không chỉ cho mầu nhiệm nhập thể, nhưng còn là sứ giả của mầu nhiệm thập giá sau này của Đức Giesu Kito. Thái độ sám hối của thánh nhân sẽ là một bài học cho các tín hữu Kito hôm nay. Trước một xã hội đầy những đổi thay, không thiếu những quan niệm đối nghịch với tôn giáo hay những giá trị thuần phong mỹ tục, người tín hữu rất cần thiết phải thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong nhận thức và trong thái độ sống của mình. Có mạnh dạn thay đổi như thế, người tín hữu mới có thể chấp nhận một Thiên Chúa đem đến cho con người sự bình an trong tâm hồn, sự bình an của tình thương, chứ không phải là một vị Thiên Chúa chỉ đến để giải phóng khỏi tù tội, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong cuộc đời.
Thánh Gioan Tẩy giả đã trải qua những đêm tối đức tin trong cuộc đời, chỉ đến khi nghe Đức Giesu nói về sứ điệp của Ngài, thánh nhân mới chấp nhận một Thiên Chúa đến trần gian, không phải để giải thoát khỏi án oan tù tội, hay để chữa bệnh tật, nhưng Ngài đến để thiết lập một vương quốc của tình thương trong tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa sẽ hiện diện trong vương quốc đó, kiến tạo một sự bình an dựa trên những giá trị tin mừng, để người tín hữu đó trở nên nhịp cầu cho Đấng Cứu Thế vào đời, đem mọi người trở về với Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương con người bằng một tình yêu muôn thuở. Mỗi ngày, Đấng Cứu Thế vẫn đợi chờ con người hoán đổi tâm hồn, để Ngài đi vào ngôi nhà tâm hồn và ở lại với con người.
Lạy Chúa Giesu, sự hiện diện của Ngài không làm thay đổi thể chế chính trị hay kinh tế của thế giới, nhưng là thay đổi thái độ sống và khuôn mặt của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người, xin giúp chúng con luôn cố gắng làm mới khuôn mặt của Đấng Cứu Thế, để mỗi người và mọi người luôn được gặp Ngài, luôn được ngụp lặn trong tình yêu thương của Thiên Chúa Cha qua mầu nhiệm nhập thể của người Con yêu dấu. Xin giúp chúng con cố gắng loại bỏ bớt những hoài nghi về Thiên Chúa trong hành trình đức tin, để chúng con can đảm tuyên xưng một Thiên Chúa tình yêu đang hiện diện với con cái của Ngài giữa cuộc đời. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh