Ở đời người ta chỉ chấp nhận để con cái đi làm mướn khi qúa cơ cực, không lối thoát. Bởi vì, đời làm mướn có sướng gì đâu như bài hát “Kiếp nghèo” đã diễn tả:
“Có sướng gì đâu đời đi làm mướn
Có sướng gì đâu kiếp đời làm thuê
Cơm đã chưa no lấy đâu lo mặc ấm
Cơm đã chưa no lấy đâu lo cái đẹp
Nhiều đêm trở trời nằm co ro buồn tủi”
Nhưng nghe đâu trong Đại hội Đoàn thanh niên Việt Nam cuối năm 2022 người ta lại đặt chỉ tiêu đưa nửa triệu thanh niên đi xuất khẩu lao động. Nửa triệu năm nay tiếp nối nửa triệu năm sau nối đuôi nhau sống tha hương cầu thực là một bức tranh thật đáng buồn cho người Việt và cho người Mẹ Việt Nam!
Bởi vì đã có biết bao thảm cảnh xảy ra cho những nam thanh nữ tú đi làm mướn ở xứ người. Có những bạn trẻ bị chết ngạt trong tủ đông trên đường sang Anh trồng cỏ. Có hàng vạn cô gái lấy chồng Hàn, chồng Đài như một nô lệ tình dục vì bất đồng ngôn ngữ. Và hàng triệu, hàng triệu người nối đuôi nhau sang nước người làm những công việc nặng nhọc và bị hành hạ đến mức không ra con người. Họ chỉ còn sự an ủi khi có người cùng cảnh ngộ với mình:
Tôi với anh hai người xa lạ
Gặp gỡ nhau chung cảnh làm thuê
Anh gắn bó đã bao mùa lá
Còn tôi…chập chững bước vào nghề.
Có lẽ đời làm mướn cơ cực nhưng còn có lối thoát nghèo nên họ mới rời bỏ quê hương để ra đi. Nếu ở lại thì cái nghèo cứ bám lấy kiếp người biết bao giờ mới sống ấm no. Nhất là sau đại dịch thì công ăn việc làm để kiếm tiền càng khó khăn thêm?
Hôm nay ngày đầu năm Dương Lịch chúng ta cùng dâng thánh lễ cầu bình an cho một năm mới. Bình an chỉ có thực sự khi cuộc sống ổn định. Ổn định về công ăn việc làm. Ôn định về những khoản chi tiêu đủ cho cuộc sống. Ổn định về an ninh, về sức khỏe, . . .,
Nhưng những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tất cả đều bấp bênh, đều đi vào những khúc quanh đầy khó khăn.
Giữa những thăng trầm cuộc đời đầy khó khăn ấy, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn một chàng trai Giêsu khỏe mạnh,
Một chàng trai con bác thợ mộc. Lớn lên lại mồ côi cha nên ngày ngày xách đồ nghề đi làm mướn. Nghề mộc thì cứ làm nhà này qua nhà kia, hết làng mình rồi qua làng bên.
Đời làm mướn dầu cơ cực, nhưng chàng trai Giê-su dưới cái nhìn người đời là người luôn sống trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.
Thật hạnh phúc cho kiếp người khổ đau của chúng ta, vì Thiên Chúa đã làm người và ở cùng chúng ta. Ngài đang có mặt nơi đây. Ngài đang mời gọi “tất cả những ai mệt nhọc gồng gánh nặng nề hãy đến, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Ngài đã sống nêu gương cho chúng ta qua đời sống luôn lạc quan tin tưởng vào Chúa Cha. Ngài luôn cầu nguyện và phó thác theo ý Chúa Cha. Bởi Ngài biết, Chúa Cha sẽ luôn có những con đường tốt nhất cho từng người chúng ta.
Chúa Cha cũng ban cho Chúa Giê-su một người Mẹ. Một người mẹ đi hết cuộc đời với con. Một người Mẹ luôn hiện diện, chia sẻ cùng con trong mọi vui buồn, nhất là trên chặng đường thương khó.
Thế nên, hôm nay Giáo hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của nhân loại chúng ta. Giáo hội phó thác con cái mình cho Mẹ Maria. Xin Mẹ xưa đã hiểu được những cơ cực của con Mẹ khi phải làm mướn ở làng Nagiaret, hãy đoái thương đến con cái Mẹ hôm nay cũng đang tha phương cầu thực. Xin Mẹ Maria xưa đã đồng hành với Chúa Giê-su trên đường khổ giá, thì hôm nay cũng hiện diện chia sẻ trong những thăng trầm của từng cuộc đời con cái Mẹ nơi dương thế. Xin Mẹ khẩn cầu cùng Thiên Chúa Cha chúc lành cho mọi công việc, mọi dự định của chúng ta được thành toàn.
Xin trao vào tay Chúa và Mẹ Maria những cơ cực lầm than của kiếp người để nhờ đó mỗi người chúng con tìm được sự nâng đỡ phù hộ và bình an trong cuộc sống hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền