Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 16 Tháng 2 2023 07:09

Yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù để được nên hoàn thiện

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  YÊU THƯƠNG VÀ CẦU NGUYỆN CHO KẺ THÙ ĐỂ ĐƯỢC NÊN HOÀN THIỆN | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường Niên, Năm A



TMĐP- Là người Kitô hữu, môn đệ Đức Giêsu, chúng ta được gọi để “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48) bằng cách sống hết mình tình yêu tha nhân.

Trên đường đưa dân về Đất Hứa, Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ítraen và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,1-2).

Như thế, ơn gọi của dân Chúa là ơn gọi nên thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ơn gọi ấy cũng được Đức Giêsu khẳng định trong Tân Ước, nhưng mức độ đòi hỏi có phần quyết liệt hơn.

Quyết liệt hơn khi đòi hỏi nên thánh của Tân Ước không dừng lại ở “yêu đồng loại và ghét kẻ thù”, nhưng đòi phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bạc đãi anh em” (Mt 5,43-44); quyết liệt hơn khi điều kiện để nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” của Tân Ước không còn là “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng “hãy giơ cả má bên trái ra nữa”, nếu bị ai vả má bên phải; cởi cả áo ngoài cho kẻ muốn lấy áo trong; đi hẳn hai dặm, nếu có người bắt đi với họ một dặm (x. Mt 5,18-41), và “ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 42).

Quả thực, điều kiện để nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện của Đức Giêsu rất quyết liệt nên vô cùng khó khăn. Quyết liệt và khó khăn nên làm hoảng sợ nhiều người, và nản lòng không ít những môn đệ đã đi theo Ngài, bởi yêu kẻ thù là điều nghịch lý và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình càng phi lý, ngược đời hơn.

Cũng vì khó thực hiện, mà Luật Môsê chỉ chạm được đến lằn ranh: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi” (Lv 19,18), mà không thể vượt qua biên giới “dân mình” để yêu thương, tha thứ, đối xử tử tế, nhân hậu với kẻ thù, là những người ở ngoài dân mình, không thuộc dân mình, có khi chống lại dân mình, tiêu diệt dân mình.

Sở dĩ Luật Môsê cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng” và “ghét kẻ thù” (Mt 5, 38.43), vì một cách tự nhiên, người ta chỉ “yêu thương kẻ yêu thương mình, chỉ chào hỏi anh em mình thôi”, mà không thể yêu kẻ ghét mình, thương kẻ làm khổ, hãm hại mình (x. Mt 5,46.47), nhưng Luật mới của Đức Giêsu thì phải yêu thương mọi người, tức yêu thương đồng loại như chính mình.

Ở đây, chúng ta thấy “đồng loại” ở Cựu Ước đã không được hiểu như “đồng loại” ở Tân Ước, bởi “đồng loại” trong giới luật mới của Đức Giêsu bao gồm cả “kẻ thù, và những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Đây là khác biệt giữa Luật Môsê và Giới Luât mới của Đức Giêsu, bởi Thiên Chúa cần thời gian để đào tạo Dân Ngài; cần chiều dài lịch sử để huấn luyện con người khả năng vượt qua tự nhiên để đạt đến siêu nhiên, như Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” tuy nặng phần luân lý tự nhiên nhưng cần thiết cho bước vượt qua để đi vào luân lý siêu nhiên, ở đó, người môn đệ Đức Giêsu có thể yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Nói cách khác, Thiên Chúa là nhà sư phạm tuyệt vời: Ngài dẫn dắt Dân Ngài từng bước, huấn luyện Dân Ngài từng giai đọan, hướng dẫn Dân Ngài tiến lên từng bậc thang thánh tiện dọc theo lịch sử cứu rỗi, cho đến khi tất cả được hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô.

Thưc vậy, “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” thuộc tầm luân lý siêu nhiên, nghĩa là không còn là luân lý tự nhiên dành cho con người tự nhiên, nhưng chỉ những người được gọi là con cái Thiên Chúa, với ơn siêu nhiên của Thiên Chúa mới có thể thực hiện tình yêu quyết liệt và khó khăn ấy, như Đức Giêsu đã khẳng định khi kết luận: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,45) là “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 102, 8-10), nhưng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45), bởi Người là Đấng hoàn thiện, vì rông lượng xót thương.

Vâng, là người Kitô hữu, môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không được gọi để nên thánh “nửa vời”, nhưng “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48) bằng sống hết mình tình yêu tha nhân.

Ơn gọi này vô cùng cao cả, và cam go, nhưng với ơn Chúa, với cố gắng “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” bằng tình yêu siêu nhiên như Đức Giêsu đòi hỏi ở những ai muốn đi theo Ngài, chúng ta sẽ “yêu được” kẻ thù và sẽ được Thiên Chúa yêu thương, an ủi; cũng như sẽ biết cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình như Chúa muốn, và được “Chúa ban phần thưởng lớn lao trên trời” (Mt 5, 11-12).

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/yeu-thuong-va-cau-nguyen-cho-ke-thu-de-duoc-nen-hoan-thien-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-vii-thuong-nien-nam-a/

Read 296 times Last modified on Thứ sáu, 17 Tháng 2 2023 08:50