23.2 Thứ Năm Thứ Năm sau Thứ Tư Lễ Tro
St 30:15-20; Tv 1:1-2,3,4,6; Lc 9:22-25
Từ bỏ chính mình
Thích sướng ngại khổ, tham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người. Ai lại chẳng muốn đời mình xuôi chèo mát mái, khỏi phải đương đầu với gian nan trắc trở. Là Kitô hữu, chúng ta cũng không ra ngoài tâm trạng đó. Lắm lúc chúng ta muốn sống đạo một cách khoẻ khoắn, không phải nhọc công gắng sức, không phải hy sinh khổ chế. Chúng ta mong ước quê trời, và cũng mong ước đường về quê trời thật êm ả. Nhưng, Lời Chúa ngày hôm nay đánh thức chúng ta khỏi tâm trạng cầu an đó. Lời đầu tiên mà Chúa Giêsu muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta trong mùa Chay năm nay là: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, rồi vác thập giá mà theo”.
Như vậy, hành trình theo Chúa là một hành trình leo ngược lên con dốc sa ngã mà ngày xưa tổ tông chúng ta đã lao xuống. Đòi chúng ta phải trải qua bao gian lao vất vả, phải nỗ lực không ngừng. Có khi phải chấp nhận tủi nhục, phải gánh chịu thiệt thòi. Thoạt nhìn từ bên ngoài, thập giá mà mỗi người chúng ta đang vác đôi khi nặng nề quá sức mình, và đôi lúc có vẻ phi lý. Thế nhưng, những gian khổ ấy chính là những phương tiện thích hợp giúp chúng ta nên thánh. Chúa không trao cho chúng ta những thập giá vượt quá sức của chúng ta.
Để bước theo Đức Kitô, phải vác thập giá mình, người ta biết ít về sứ điệp này và coi đó không đơn giản. Nếu người ta chịu vác thập giá của người khác thì sẽ thấy không quá khó. Còn thập giá của mình có vẻ nặng hơn nhiều của người khác. Nhưng không phải thế, chúng ta ai cũng phải vác thập giá mình. Thập giá mình là thập giá chúng ta không được chọn, không hề muốn, không có chút hấp dẫn nào, thật kinh khủng cho chúng ta.
Thập giá chúng ta phải vác quả thực mang lại khổ cực cho chúng ta vì nó đả thương chúng ta dù không muốn bị thương. Chúng ta hãy dừng ít phút để nghĩ tới cái đả thương chúng ta nhất trên đời mà chúng ta không thể chống lại được, đó là thập giá của chúng ta. Chúng ta phải vác lấy mỗi ngày. Thập giá đó chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta chấp nhận vác thập giá, đời chúng ta sẽ không bị uổng công đâu vì tin rằng chúng ta có thể sống sung mãn khi biết vác thập giá. Thập giá bảo đảm không tiêu diệt chúng ta nhưng lại là nguồn sống của chúng ta.
Chúa Giêsu đã quả quyết như vậy bằng gương mẫu của chính Người. Người đã vác thập giá mình. Thập giá đã đưa Người đến cái chết. Và qua cái chết Người đã tới sự sống vinh quang. Con đường thánh giá của Người đã là con đường sống. Nếu chúng ta tin điều đó chúng ta có thể đón nhận thập giá của chúng ta. Nếu không tin thì không thể còn cách nào khác để được sống đời đời.
Không ai trên trái đất này thoát khỏi thập giá, vì thập giá là thành phần xây dựng sự sống. Ai không biết rằng phải vác thập giá mới tới sự sống thì thật thảm hại.
Chúa Giêsu nói với mọi người : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo". Chúng ta thường hiểu, lời mời gọi này của Chúa Giêsu chỉ dành cho những người đi tu. Nhưng, như chúng vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su ngỏ lời mời gọi này với mọi người. Và hôm nay, chúng ta đang ở những ngày đầu của Mùa Chay, Ngài mời gọi một lần nữa với từng người trong chúng ta “một cách đặc biệt”. Đặc biệt là bởi vì, khác với những người nghe trực tiếp Chúa Giê-su xưa kia, chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là những người thuộc về Đức Ki-tô, những người đi theo Đức Ki-tô, trong đời sống gia đình hay trong đời sống dâng hiến. Vì thế, con đường của Chúa Giê-su đã đi, cũng sẽ là con đường của chúng ta.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cảm thấy lời mời gọi này của Chúa Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa. Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ, thời nay, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và để đi theo Đức Ki-tô.
Nhưng kinh nghiệm sống của các thánh, của những vị đi trước chúng ta trong Giáo Hội, trong ơn gọi của Hội Dòng, của cha mẹ chúng ta, và của chính chúng ta nữa, cho thấy rằng lời gọi này của Chúa Giê-su chỉ có thể hiểu được và sống được trong tương quan giao ước mà thôi, giao ước của chúng ta với Chúa và giao ước của chúng ta với nhau. Giao Ước hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là hôn phối, lời khấn, cam kết, tuyên hứa, hay đơn giản là bổn phận hay tình bạn. Trong khi đó, con người thời nay, lại không thích sống theo giao ước, nhưng chuộng sống theo cảm xúc, vui thì ở, còn buồn thì đi, thì đoạn tuyệt. Nhưng chúng ta nên biết điều này, sống theo giao ước là sống theo nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, là Đấng « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương » (x. Tv 136).
Thật vậy, để sống với nhau và sống cho nhau, trong gia đình hay trong cộng đoàn tu trì theo giao ước, chúng ta luôn phải ra khỏi mình để hướng về người khác, phải quên đi chính mình để lo cho người khác, phải mang vào mình những khó khăn và khổ đau, phải trung thành với nhau và với ơn gọi khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn, khi thấy nhau dễ thương cũng như lúc thấy nhau khó thương.
Từ bỏ mình mà Chúa Giêsu nói đến ở đây trước hết là bỏ đi những tính hư nết xấu của mình để sống công chính thánh thiện hơn. Từ bỏ mình cũng có nghĩa là bỏ những dự tính của mình để tiếp nhận chương trình và kế hoạch của Chúa thể hiện qua hoàn cảnh, biến cố trong cuộc sống. Từ bỏ mình cũng là từ bỏ khuynh hướng “qui thân”, tự cho mình là trung tâm các lợi ích và xem mình như là thước đo cho tất cả; từ từ bỏ mình còn là quên mình đi để tha thứ, nhịn nhục, cảm thông và phục vụ như chính Đức Ki tô.
Từ bỏ mình chính là từ bỏ cái tôi tự ái, kiêu căng và ích kỷ của mình để sống cho Chúa và tha nhân. Đây quả là công việc hết sức khó khăn, nhưng chúng ta có thể thực hiện được một cách dễ dàng nếu chúng ta thực tâm trở về với Chúa trong cầu nguyện, chay tịnh và bác ái.
Sự bố thí giải thoát chúng ta khỏi lòng tham và nhìn nhận những người hàng xóm là anh chị em của mình… Và ăn chay khiến xu hướng bạo lực của chúng ta yếu dần; nó giải phóng chúng ta và đó là cơ hội quan trọng để chúng ta thăng tiến. Một mặt ăn chay cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo đói phải chịu đựng. Mặt khác nó thể hiện chính sự đói khát thiêng liêng của chúng ta, vì cuộc sống trong Thiên Chúa. Ăn chay thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú tâm hơn đến Thiên Chúa và người lân cận. Ăn chay làm sống lại
Khi trao thập giá, Ngài luôn ban cho chúng ta các ơn cần thiết giúp chúng ta vác được nó mà đi theo Ngài. Nếu chúng ta thấy thập giá của mình quá nặng nề, ấy là vì chúng ta chỉ vác nó với sức riêng của mình. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, mỗi người hãy theo lời dạy của Chúa, phải từ bỏ chính mình trước đã rồi mới vác thập giá. Để khi từ bỏ chính mình, chúng ta sẽ cậy dựa vào Chúa, sẽ bước đi dưới sự nâng đỡ của Chúa. chúng ta sẽ vác được thập giá của mình mà theo Chúa.
Huệ Minh