1.3 Thứ Tư Thứ Tư trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
St 3:1-10; Tv 51:3-4,12-13,18-19; Lc 11:29-32
Sám hối
Trong bối cảnh Giáo hội mới bắt đầu bước vào mùa Chay thánh, chúng ta được các bài đọc giúp hướng lòng đến tâm điểm của sứ điệp mùa Chay. Khởi đầu, bài đọc một trích sách ngôn sứ Giô-na dẫn chứng cho chúng ta sự trở lại của dân thành Ni-ni-vê. Lời đáp ca trích dẫn từ thánh vịnh 50 diễn đạt một tâm tình của tội nhân đang hối lỗi và xin Chúa thanh tẩy cõi lòng. Và trong bài tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đưa ra lời răn đe trong việc nhắc lại dấu lạ của ông Giô-na và sự sám hối của thành Ni-ni-vê. Như vậy trong cả ba bài đọc, Lời Chúa xoáy sâu vào sứ điệp canh tân đời sống đức tin của chúng ta.
Mùa chay là thời gian Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình hữu bước vào hành trình nên thánh, để khởi đầu cho hành trình này, kinh nghiệm của lịch sử Cứu Độ luôn bắt đầu bằng việc kêu gọi Sám Hối, nhằm giúp con người nhận ra những điều phải sửa, phải biến đổi, phải thăng tiến, nhờ đó việc nên thánh trở nên hiện thực, và Mùa chạy không phải là nỗi sợ mà là an bình tâm hồn. Mẹ Giáo Hội hôm nay mời gọi chúng ta làm các bước của việc Sám Hối.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài không đòi chúng ta gì hơn ngoài việc kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17). Quả vậy, trong dòng chảy cuộc sống, con người bị cuốn hút vào trào lưu tục hóa, thành công qua trở nên kiêu gạo, thất bại tạo ra bi quan, sung túc sinh ra sa đọa, khó khăn vất vả phá hủy lòng tín thác. Vì thế con người cần có khởi điểm để nhìn lại mình, và mùa chay chính là cột mốc nghe được tiếng mời gọi của Cha trên trời và qua mẹ Giáo Hội nhắc nhở con cái mình Sám Hối. Hãy đặt mình vào tương quan kính Cha, hiếu Mẹ, thì tiếng kêu mời này không còn xa lạ, nhưng là cho chính tôi.
Mùa chay không phải mùa bới lá tìm sâu, vạch áo cho người xem lưng, nhưng là mùa thành tâm nhận định về mình với Cha Trên Trời và với Mẹ Giáo Hội. Bài đọc kể về thành Ninivê, thuộc Bada, Irap ngày nay, là một thành rộng lớn phải đi mất ba ngày mới hết từ đầu đến cuối, dân số đông đúc có tới 120 ngàn người, là một thành phố tráng lệ nhiều dinh thự nhưng lại là dân ngoại. Chúng ta không biết họ đã phạm những tội gì, nhưng chỉ biết lời Chúa phán qua tiên tri Giô-na: “Hãy đứng dậy đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô to cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã thấu tới trời”.(Gn 1,1) Nhờ lời tiên tri, họ đã nhận ra những điều mà xưa nay họ nghĩ là đúng, họ nghĩ là phải, hay những điều mà xưa nay do giầu có sung túc, họ nghĩ sống như vậy mới sành điệu, mới đẳng cấp, nay được cảnh báo đó là tội, là phi đạo đức, là vô luân. Nên từ người cho đến súc vật, từ vua cho đến thường dân đã quyết tâm sửa đổi.
Ninivê là một thành dân ngọai. Tuy không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Giô-na rao giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ;” cả thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi, và ăn năn xám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của Ngài trên thành. Trong khi đó một hình ảnh ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường những việc Chúa làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có thể tin vào Ngài.
Ngôn sứ Giô-na là nhân vật chính trong sách ngôn sứ Giô-na. Trong sách ấy, Chúa đã truyền lệnh cho ông đi đến thành phố Ni-ni-vê để cảnh cáo tình trạng tồi tệ của thành ấy. Thay vì đi đến và thực thi lệnh truyền của Chúa, ông đã bỏ trốn.
Ông không thể không thi lệnh truyền của Chúa vì trên đường bỏ trốn tới Tarshish bằng đường thủy, thuyền của ông bị một cơn bão khủng khiếp cản quét đến. Khi dân lái thuyền biết được do ông Giô-na là nguyên do của mọi sự, họ đã hiến tế ông lại cho Thiên Chúa. Ông bị quăng xuống biển và ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Ở trong bụng cá, ông cầu nguyện cùng Chúa và thề hứa với Chúa sẽ cảm tạ và thực thi lệnh truyền của Chúa. Chúa truyền lệnh cho con cá nhả ông ra.
Nhận lệnh truyền của Chúa một lần nữa, ông Giô-na đi ra đến thành phố Ni-ni-vê và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:5). Lập tức, tất cả mọi giới trong thành công bố lệnh ăn chay và mặc áo thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Từ vua cho đến dân đen, từ người cho đến gia súc quyết định không ăn, không uống, mặc vải thô và kêu cầu Thiên Chúa.
Cách riêng cho mỗi người, họ quyết định phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Họ vẫn còn biết kính sợ Chúa là điều căn bản nhất. Họ thiết nghĩ, “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết” (Gn 3:10).
Đọc lại câu chuyện và bối cảnh của ông Giôna và sự sám hối của thành Ni-ni-vê, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một Thiên Chúa nghiêm nghị và cương quyết đối với tội lỗi. Ngài muốn con người sống trong đường ngay nẻo chính chứ không phải đường gian ác và bất xứng. Nếu đọc câu chuyện này và lồng mình vào để xem xét ý định của Chúa muốn chúng ta điều gì thì chúng ta sẽ bắt gặp một sự mời gọi.
Lời Chúa mời gọi chúng ta cương quyết duyệt xét đời sống mình. Chúng ta không những được mời gọi để sống chính trực trước nhan Chúa, mà còn được mời gọi sống chứng tá cho Chúa như một Giô-na, sau khi được nhả ra từ bụng cá, đã bước đi sửa dạy anh chị em mình. Vai trò này không chỉ dành cho quý cha, quý thầy, quý sơ thôi đâu mà còn cho cả những phụ huynh, những giáo dân, những người làm anh, làm chị, làm thầy cô và bạn bè. Như vậy, sống tinh thần mùa Chay là sống đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân hậu xót thương. Dấu lạ của chúng ta là chứng tá sống thánh thiện trong đời sống thường ngày. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau.
Khi nhìn nhận tất cả những biến cố xảy ra trong thế giới này, những hiểm họa, dịch bệnh, những đe dọa đến sự sống, v.v. đều là dấu chỉ nhắc nhở chúng ta về chính lời Chúa Giêsu đã nói khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”.
Huệ Minh