Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 05 Tháng 5 2023 06:52

Nếu các con biết Thầy

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NẾU CÁC CON BIẾT THẦY

6.5 Thứ Bảy trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh

Cv 13:44-52; Tv 98:1,2-3,3-4; Ga 14:7-14

Nếu các con biết Thầy

          Thường tình chúng ta không tiếc lời ca ngợi kẻ xa lạ vì đã làm được những việc đáng kể, nói ra nhiều câu chí lý, có một hành động đáng phục. Trong khi đó chúng ta lại rất hà tiện lời khen đối với người sống gần bên cạnh, trong chính tập thể chúng ta, dù người đó không những đã làm, đã nói, đã sống, mà còn hơn cả những người được ca ngợi, nhưng lại sống xa chúng ta.

          Ðây có thể phần nào là hoàn cảnh sống của các môn đệ, nhất là của Philipphê. Họ đã sống gần Chúa Giêsu, Thầy của mình, bao nhiêu năm qua, nhưng dường như họ vẫn chưa hiểu Chúa và mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính vì thế, mà trong câu nói của Chúa Giêsu cho các môn đệ có mang chút ít sự chua xót và trách móc: "Thầy đã ở với các con lâu rồi mà các con không biết Thầy sao? Hỡi Philipphê, ai xem thấy Thầy thì cũng xem thấy Cha. Hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít nhất, các con hãy tin điều đó vì thấy các việc Thầy đã làm".

          Thật thế, không thiếu những dấu chỉ cho chúng ta biết mối quan hệ thâm sâu và đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Ðặc biệt trong đoạn Phúc Âm vừa đọc trên, chúng ta có thể ghi nhận một dấu chỉ đặc biệt, đó là Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban xuống, sẽ ban cho các môn đệ làm những việc cả thể hơn nữa. Họ sẽ hành động nhân danh Chúa, sẽ khai sinh một cộng đoàn mới, một Giáo Hội của Chúa. Nhưng chắc chắn các môn đệ sẽ gặp khó khăn và phương thế để vượt qua những khó khăn là cầu nguyện, cầu nguyện nhân danh Chúa. Hai lần trong cùng một đoạn văn vừa đọc, Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy cầu nguyện, cầu nguyện hết lòng tin tưởng, cầu nguyện nhân danh Chúa. Chúng ta có xác tín về những gì Chúa Giêsu giãi bày cho chúng ta hay không?

          “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con biết Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con” (c.8). Có lẽ trong mỗi giây phút hăng say bồng bột của tuổi trẻ Philip đã xin với Chúa như vậy. Thật ra đấy cũng là ước mơ của nhiều người Do thái, vì xưa kia Maisen đã được đặc ân này trên núi Sinai (Xac 24,9-11), Elia đã được ở núi Horeb (1V 19,10-14), hoặc như Isai trong đền thờ (Is 6).

          Nhưng như Chúa đã xác nhận không ai thấy được Thiên Chúa Cha trừ ra Đức Kitô mà thôi (Ga 1,18. 6,46). Thiên Chúa không còn hiện ra trong sấm chớp hay bằng thị kiến như xưa nữa. Kể từ nay Thiên Chúa Cha tỏ ra trong con người đức Kitô, Đấng không bao lâu nữa sẽ được ánh vinh quang bao phủ. Thứ vinh quang mà Isai chiêm ngắm trong đền thờ xưa chỉ là hình bóng của đức Kitô (Is 6. Ga 12,41). Chúa Kitô đã từng quả quyết “Cha Ta và Ta là một” ( Ga 10,30). “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta” (c. 9). Vì thế từ đây không phải là đền thánh Gierusalem của người Do thái, hay đền thờ của người Samaria ở Garisim (Ga 4, 20) nữa, chỉ còn một nơi duy nhất, một chỗ gặp gỡ duy nhất là chính bản thân đức Kitô, Con Thiên Chúa (Ga 4, 21-24. 2, 13-22). Từ đây ai đón nhận Ngài là đón nhận Cha Ngài.

          Có lẽ câu Philip “Xin tỏ cho chúng con thấy Thiên Chúa Cha” (c.8) phần nào minh chứng ông chưa hiểu mấy về chính Chúa Kitô. Chúa Cha và Chúa Con không thể tách lìa nhau. Con đâm rễ sâu trong Cha và Cha ẩn mình trong Con, Thiên Chúa Cha ở nơi Con và làm việc qua Con. Chúa Giêsu đã quả quyết “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (10, 38). Các lời nói việc làm của đức Kitô là của Thiên Chúa Cha (5, 17-26.30.36.7, 16-17. 8,26-29.10, 25). Vì thế Chúa Kitô nói nếu không tin vào lời Ngài thí ít ra là hãy tin vào việc làm của Ngài là các phép lạ (10,25.37.38).

          Qua bản văn trên chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là một người thực sự giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Nhưng một đàng Ngài lại khác chúng ta một trời một vực vì Ngài là Thiên Chúa đồng bản tính, đồng việc làm với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Cha qua chính bản thân, lời nói và việc làm của Ngài. Có lẽ lời Chúa trách cứ  “Philip à, Thầy đã ở giữa các con biết bao lâu rồi thế mà con chưa biết Thầy” (c.9). Lời nói này cũng bao hàm như câu của Gioan tiền hô “Trong thế gian có một người mà thế gian không biết” (Ga 1, 10).

          Nhưng lời ấy vẫn là lời tiên tri vang dội cho mỗi thời đại. Cũng như xưa kia Chúa Giêsu đã sống giữa dân Ngài 33 năm ròng. Ngài đã gặp gỡ, chuyện vãn, nhìn ngắm quê hương Ngài, Ngài đã dạy dỗ và làm phép lạ. Nhưng họ mỉa mai Ngài là con bác thợ mộc (Mc 6, 3), là bị mát, cần phải dẫn về quê, là thông đồng với Beelgiêbuth...

          Hình như giữa Ngài và chúng ta như có một bức tường lãnh đạm chống đối nào đó, mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình một thứ chống đối Thiên Chúa. Chúng ta như cố vùng vẫy thoát ly khỏi tay Ngài. Dù được Ngài mời gọi, nhưng chúng ta vẫn cứ viện những lý do riêng để từ chối Ngài như những người kia từ chối tiệc cưới con vua vậy (Mt 22, 1-14). Sau 20 thế kỷ ai trong chúng ta tránh được lời trách của Chúa “Thày đã ở giữa các con biết bao lâu... “. Đã từ lâu các con chưa nhận ra Ta đói khát, cô đơn, hất hủi, khinh miệt. Sau hai ngàn năm sự có mặt của Chúa như thể là sự có mặt trong bóng tối. Và có lẽ không sẽ có mặt như thế mãi đến tận thế. Thiên Chúa ở giữa sự im lặng.

          Thiên Chúa sinh ra trong cảnh im lìm của đêm thâu. Ngài sống 30 năm trầm lặng. Ngài phục sinh trong đêm khuya. Ngài sống lai, hiện ra rồi đấy nhưng Madalêna tưởng đâu là bác làm vườn  (Gio 20, 15), hai môn đệ Emmaus tưởng Ngài là khách bộ hành (Lc 24, 13), các môn đệ tưởng là ma (Lc 24, 36).

          Người của Chúa nhận ra tiếng Chúa “Chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14). Ai nhẫn nại làm quen với công việc của Chúa sẽ dễ nhận ra Ngài khắp nơi. Chúa ở gần chúng ta lắm ! sách Khải huyền nói “Đây Ta đứng ngoài cửa lòng và Ta gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào dùng bữa với nó, nó với Ta” (3, 20).

           Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha trở thành lý tưởng cần phải đạt đến đối với những môn đệ Chúa, những kẻ được Ngài sai đi tiếp tục sứ mệnh của Ngài.  Như  Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Người môn đệ được mời gọi thể hiện sự hiệp nhất với Chúa trong cuộc sống chứng tá, cũng như Ngài luôn thể hiện sự hiệp nhất với Cha Ngài khi chu toàn sứ mệnh đã lãnh nhận từ Cha. Chắc chắn người môn đệ sẽ gặp khó khăn, nhưng một khi sống hiệp nhất với Chúa, họ sẽ nhận được sức mạnh thần linh và trở thành hữu hiệu hơn trong lời cầu nguyện.  Bất cứ điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.

          Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh luôn gìn giữ chúng ta trong mối hiệp thông với Ngài, và đừng để chúng ta đi tìm một Thiên Chúa khác mà quên đi Đấng đang hiện diện giữa chúng ta. 

 Huệ Minh

Read 256 times Last modified on Thứ bảy, 06 Tháng 5 2023 06:46