11.6 Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Đnl 8:2-3,14-16; Tv 147:12-13,14-15,19-20; 1 Cr 10:16-17; Ga 6:51-58
Bí tích Tình Yêu
Trước khi về trời, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cũng để lại cho con người một kỷ vật tình yêu, đó là việc Chúa lập phép Thánh Thể để lưu lại cho loài người một bằng chứng tình yêu vĩ đại. Thật vậy, kỷ vật mà Thiên Chúa để lại cho chúng ta không giống như kỷ vật mà con người để lại cho nhau. Kỷ vật của Ngài không phải vàng bạc, cũng chẳng phải tiền của, nhưng kỷ vật mà Chúa Giêsu lưu lại cho loài người hết sức đặc biệt, mà từ xưa đến nay tôi chưa thấy ai làm, đó chính là bản thân Ngài, chính Mình Ngài, là một kỷ vật tình yêu huyền nhiệm.
Bí tích Thánh Thể cũng là biểu tượng tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không dùng những hình tượng bên ngoài nên dấu chỉ tình yêu mà Ngài dùng chính Thân Thể Ngài trở thành tình yêu tự hiến cho con người. Thật cụ thể. Thật gần gũi. Qua tấm bánh Chúa ở lại với con người và hiến dâng thân mình nên thần lương nuôi sống cho con người. Thánh Thể Ngài thực sự trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến đến tan biến cho người mình yêu.
Chúa Giêsu đã chọn bánh miến và rượu nho làm của ăn nuôi hồn. Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể: Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được ơn tha tội. Và truyền: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Khi Chúa nói: Đây là Mình Thầy và đây là Máu Thầy, thì bản thể của bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta hiểu Chúa Giêsu nói: Đây là Mình Thầy, chứ không phải là dấu chỉ của Mình Thầy.
Chúng ta có thể nhận biết hình dáng bên ngoài của bánh và rượu như mầu sắc, mùi vị, hình thù và kích cỡ. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Kitô với con mắt trần. Chúng ta chỉ có thể nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh rượu, bởi vì Chúa đã sống lại và không còn chết nữa (Rm 6, 9).
Với quyền năng vô biên, Chúa đã biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta học biết chính Chúa đã tạo dựng vũ trụ muôn loài từ hư vô. Chúa hóa bánh nuôi năm ngàn người. Chúa biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Chúa cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm rất nhiều phép lạ để chứng minh quyền năng vô biên. Bí tích Thánh Thể là sự lạ vượt trên tầm trí hiểu của con người. Đây là mầu nhiệm của đức tin.
Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể không? Chúng ta có tin bánh và rượu thực sự trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô sau khi linh mục đọc công thức truyền phép trong thánh lễ không? Trong cuộc thăm dò ý kiến mới đây về thái độ của một số người Công giáo về Bí tích Thánh Thể. Kết qủa làm cho nhiều người Công giáo bị lo lắng xôn sao về một trong những niềm tin căn bản nhất của Giáo Hội. Nói rằng chỉ có 30 phần trăm những người được hỏi ý kiến, tin là họ đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô dưới hình bánh và rượu trong khi rước lễ.
Trải qua truyền thống của hai ngàn năm, lời Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội luôn dậy rằng Bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu của Giêsu Kitô, không còn là bánh và rượu bình thường. Phúc âm thánh Gioan chương 6 đã nêu rõ: Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với họ: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi (Ga 6, 53). Chúa Giêsu nhấn mạnh về Thịt và Máu, chứ không phải chỉ là biểu tượng. Vì có một số môn đệ nghe lời Chúa nói về ăn thịt và uống máu Ngài, họ đã không thể chấp nhận và đã bỏ đi. Chúa Giêsu không kêu gọi các ông trở lại để giải thích rằng Ngài chỉ có ý nói một cách biểu trưng. Chúa Giêsu xác tín lời thật: Ai ăn thịt và uống Máu Ta, thì có sự sống đời đời và Ta, ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết (Ga 6, 54).
Vì yêu mà con người trao kỷ vật cho nhau, ngày ngày họ quý trọng và nâng niu kỷ vật như chính người yêu đang sống với họ vậy. Còn Bí Tích Thánh Thể, một kỷ vật tình yêu Thiên Chúa, đã ban cho loài người thì sao? Ngài cũng muốn chúng ta nâng niu quý trọng và sống mật thiết với Ngài, nghĩa là đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng lời nói và hành động. Để làm dược điều đó cần có đức tin và lòng khao khát, vì thiếu đức tin mà trong bài Tin Mừng hôm nay người Do Thái trở nên bỡ ngỡ không thể chấp nhận điều Đức Giêsu nói, có lẽ vì họ hiểu theo nghĩa qua vật chất, nên không còn thấy cái thiêng liêng nữa. Đúng là: “khi người ta tham lam những cái phù vân, người ta sẽ trở nên lạnh nhạt với những cái vĩnh cữu” hay “quá chăm chú về phần xác sẽ nhếch nhác về phần hồn”.
Phải chăng yêu thương cũng chính là động lực khiến Thiên Chúa hủy mình, trở nên tấm bánh đơn sơ để được ăn và nên một với con người. Tin Mừng trong Chúa nhật Mình Thánh Chúa tuần này không dài nhưng động từ “ăn” lại được lập đi lập lại đến 9 lần.
Thiên Chúa không ăn con người nhưng lại để con người ăn Thiên Chúa. Song khi ta ăn Chúa thì không thuần tuý là ta rước Chúa vào lòng, nhưng đúng hơn, Ngài rước ta vào cung lòng yêu thương bao la của Ngài.
Trong Bí tích Thánh Thể, bạn và tôi được mời gọi nên một với Thiên Chúa bằng tình yêu đón nhận, đồng thời nên một với tha nhân trong tinh thần chia sẻ trao ban, hầu tất cả cùng được sung túc trong tình Chúa và tình người.
Huệ Minh