TMĐP- Trái tim là biểu hiệu của tình yêu, nên lễ Thánh Tâm Chúa là lễ tạ ơn tình yêu của Đức Giêsu, Đấng đã tự nguyện hiến thân thực hiện thánh ý Chúa Cha, để cứu chuộc toàn thể nhân loại tội luỵ.
Đó là trái tim của một Thiên Chúa là Tình Yêu, mà đã là Tình Yêu, thì trái tim Thiên Chúa ấy chỉ có thể yêu và tha thứ, ngoài ra không thể làm được bất cứ sự gì trái ngược tha thứ và yêu.
Thánh Gioan, vị Tông Đồ của tình yêu, người đã được dựa đầu vào ngực Đức Giêsu, cũng là người có mặt dưới chân Thánh Giá để chứng kiến toàn cảnh thương xót vô bờ bến của một Thiên Chúa là Tình Yêu đã chịu đóng đinh, đồng thời có mặt cùng Tông Đồ trưởng Phêrô tại ngôi mộ trống buổi sáng Đức Giêsu sống lại, đã xác tín: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa… vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 7.8).
Thánh Tông Đồ của tình yêu còn nhấn mạnh: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19), và Tình yêu Thiên Chúa “cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10).
Trong lễ tạ ơn tình yêu cao vời khôn ví của Thiên Chúa trong ngày lễ Thánh Tâm, thiết tưởng điều cần làm với chúng ta chính là tìm xem thái độ nào phải có trước Tình Yêu vô cùng và đến cùng của Đấng chúng ta tôn thờ, phụng sự.
1.Mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa:
Mặc dù Thiên Chúa yêu con người vô điều kiện bằng một tình yêu không giới hạn, nhưng không phải cửa lòng nào cũng luôn mở rộng để đón nhận, bởi không ít lần, không ít người đã đóng chặt cửa lòng và từ chối tình yêu ấy.
Chúng ta thường từ chối khi dựa vào phán đoán công lý rất tương đối và hạn hẹp của con người, lấy tiêu chuẩn đánh giá công tội rất dễ sai lầm của xã hội làm thước đo, và đơn vị đánh giá tình yêu tuyệt đối và vô cùng của Thiên Chúa.
Vì lấy tương đối làm thước đo tuyệt đối, lấy hữu hạn đánh giá vô hạn, lấy cái “có cùng” để cân “vô cùng”, nên chúng ta nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa khi thấy tội mình chồng chất nặng nề, và sợ hãi, tránh mặt Thiên Chúa khi tự mình làm méo mó dung mạo của Thiên Chúa là người cha từ bi, nhân hậu luôn xót thương và cứu giúp con cái mình.
Chúng ta không đón nhận tình yêu Thiên Chúa khi đặt Thiên Chúa dưới lề luật và cơ chế, mà quên rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tất cả và tất cả đều phải quy phục Ngài. Ngay cả sức mạnh của thần dữ và hoả ngục cũng không thắng được lòng thương xót của Ngài, vì Ngài đã tiêu diệt tất cả bằng sự chết và phục sinh khải hoàn của Ngài. Bởi thế, cơn cám dỗ dữ dội và nguy hiểm nhất ở tội nhân, chính là không dám tin Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối, không dám đến gần Đấng là nguồn ơn cứu độ, không dám hy vọng ở trái tim bao dung, thương xót của Thiên Chúa, nên quay quắt trong nghi nan, rồi đau khổ, tuyệt vọng làm mồi cho thần dữ Xatan cướp mất linh hồn.
Chúng ta cũng có thể không đón nhận tình yêu Thiên Chúa vì không dám tha thứ cho chính mình, do không tin vào lòng qủang đại, bao dung vô bờ bến, và quyền năng tha thứ của Thiên Chúa, khi quên rằng: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị và làm cho con người phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 20-21).
2.Yêu tha nhân như Chúa yêu và bằng tình yêu đã đón nhận từ Thiên Chúa:
Chúng ta không thể hiểu được hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, nếu không yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương (x. Ga 13,34). Tuy thế, sẽ rất khó yêu tha nhân như Chúa đã yêu, nếu không yêu họ bằng chính tình yêu Thiên Chúa ban và làm tràn đầy trái tim mình, bởi có những người không dễ thương, không đáng yêu chút nào, nếu không muốn nói: khó mà thương được, vì họ là kẻ thù, là người đe dọa, ruồng rẩy, tảy chay, lừa bịp, hãm hại chúng ta và người thân của chúng ta. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta yêu mọi người, “yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em” (Mt 5, 44), mà chúng ta cần thực thi đức ái bằng chính tình yêu Thiên Chúa trong chúng ta, mà không bằng tình yêu của con người.
3.Luôn thâm tín: “Ai yêu thương, thì đã đuợc Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1 Ga 4, 7).
Thâm tín chân lý này không chỉ để sống đức tin của mình, mà còn để củng cố đức tin của anh em, và đốt lên ngọn lửa đức tin trong tâm hồn mọi người, bởi sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu là “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu, chính là làm cho tất cả mọi người được sinh lại trong Đức Giêsu, và biết Đức Giêsu là dung mạo đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
4.Xác tín mọi người, bất kể giới tính, chủng tộc, tuổi tác, thành phần, phẩm chất đều được Đức Giêsu mời gọi đến với Ngài và ở lại trong tình yêu của Ngài:
Đức Giêsu đã coi chân lý trên là một bí mật, mà Chúa Cha “đã giấu không cho bậc thông thái biết, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn” (Mt 11,25), vì đó là bí mật của trái tim Ngài, ở đó, không có phân biệt, loại trừ, kỳ thị, nhưng ai cũng đến kín múc được tình Ngài, dù không có tiền; ai cũng gặp được Ngài, dù không ô dù, thần thế, trái lại, càng bé mọn, yếu đuối, nhiều lỗi lầm, càng được Ngài ân cần chăm sóc, xót thương, như chính Ngài đã tuyên bố: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Gánh nặng nề ấy có thể là bệnh tật, thất bại, tai bay vạ gió; cũng có thể là yếu đuối, tội luỵ, nhưng dù là gánh gì đi nữa, và dù nặng nề đến đâu, Đức Giêsu với trái tim tràn đầy lòng thương xót cũng ghé vai gánh hết cho chúng ta, vì “ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30) như trái tim Ngài đang bồi hồi, thổn thức nói với mỗi người chúng ta lúc này và ở đây, như lời Ngài cầu xin với Chúa Cha trên Thánh Giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), và nói riêng với anh gian phi cùng chịu đóng đinh ở giờ hấp hối: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43)
Lạy Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, xin thương xót và uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa!
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/thanh-tam-chua-giesu-nam-a/