Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 15 Tháng 6 2023 20:54

Trái Tim của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TRÁI TIM CỦA THIÊN CHÚA TỪ BI, NHÂN HẬU | Suy Niệm Lễ Thánh Tâm – Mùa Thường Niên A

TMĐP- Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa có trái tim vô cùng từ bi, nhân hậu, nên tất nhiên trái tim mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng phải được biến đổi nên giống trái tim Đức Giêsu.

Tất nhiên trái tim của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu là trái tim hay chạnh lòng thương xót, trái tim bằng thịt của người mẹ lúc nào cũng rịn máu yêu thương con cái mình, bởi “có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?”, mà “cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt”” (Is 49,15-16). Đó là lời xác quyết của chính Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia về tình yêu vô bờ bến của Ngài với mỗi người chúng ta. Thế nên nghi ngờ lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, nghi ngại ẩn mình trong trái tim từ bi, nhân hậu của Thiên Chúa sẽ không chỉ làm chúng ta mất đi phần phúc khi tự ý lìa xa nguồn thương xót, mà còn xúc phạm đến tình yêu vô cùng của Thiên Chúa là Cha chúng ta trên trời.

Tất nhiên trái tim của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu chính là trái tim của Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành không bỏ đói đàn chiên non dại, không bỏ tù đám chiên ngỗ nghịch, nhiều thiếu sót, không nghiêm khắc trừng phạt, sửa dạy đến độ đánh mất bản chất của Mục Tử, để biến thành kẻ vô cảm, gian ác, đối thủ tàn bạo, dã man, khi đóng kín mọi đường sống, khép chặt mọi cửa ra vào chuồng của chiên. Trái lại, trái tim mục tử của Thiên Chúa quan tâm chăm nom, săn sóc đàn chiên: “Chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và măt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ đưa chúng đến những suối nước tuôn trào” (Is 49, 9-10). Suối nước tuôn trào ấy chính là trái tim tràn đầy lòng thương xót, bao dung của Mục Tử nhân lành, Đấng sẵn sàng hiến mạng sống mình “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Thế nên cai quản mà không có lòng thương xót, lãnh đạo mà thiếu nhân hậu, bao dung, được chọn đứng đầu mà thiếu tinh thần phục vụ, thì người ta rất khó có thể ở ngoài hàng ngũ kẻ trộm hoặc người chăn thuê (x. Ga 10, 10. 12-13).

Tất nhiên trái tim của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu là trái tim luôn vì hạnh phúc của người mình yêu, nên không ngại “mang lấy tất cả các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”, như Đức Giêsu, Dung Mạo đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã chữa lành mọi kẻ ốm đau, tật nguyền, bị quỷ ám (x. Mt 8,16-17). Thế nên, sẽ không có lý do để chúng ta sơ đến với Thiên Chúa, dù chúng ta bất xứng đầy mình và ngập đầu tội lỗi, bởi Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa “không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13), và niềm vui của cả Thiên Đàng chính là ơn trở về của một người tội lỗi, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng Luca: “Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

Tất nhiên trái tim của “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương, chẳng luôn luôn trách cứ, không mãi mãi oán hờn” (Tv 103,8-9) là trái tim chỉ biết yêu vô cùng và đến cùng, mà trí khôn loài người không thể hiểu thấu, lòng con người không thể cân, đo, đong đếm. Thế nên đừng lấy thước đo của trái tim ích kỷ, hẹp hòi của con người mà đo lường trái tim Thiên Chúa, để luận tội, lên án anh em ; cũng đừng lấy cái tôi nhiều giới hạn làm đơn vị đánh giá tình thương vô biên của Thiên Chúa để hằn học, cắn rứt chính mình, rồi tự mình rơi xuống hố sâu tuyệt vọng, khi đánh mất lòng trông cậy ở lòng thương xót Chúa. Nhưng hãy tin: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất bao nhiêu, thì tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao bấy nhiêu. Như đông đoài cách xa nhau vạn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn Người, vì Người biết chúng ta được dựng nên bằng gì. Người vẫn nhớ chúng ta chỉ là cát bụi ” (Tv 103, 11-14).

Tất nhiên trái tim của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu phải là trái tim rất hiền lành và khiêm nhường, bởi không hiền lành, trái tim ấy “sẽ cứ tội ta mà xét xử”; không khiêm nhường, trái tim ấy “sẽ trả báo ta xứng với lỗi lầm ta đã phạm” (x. Tv 103, 10), mà chẳng quên đi tội lỗi, chẳng xóa sạch mọi lỗi lầm, sai phạm.

Đức Giêsu đã không chỉ kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”, mà còn mời gọi chúng ta hãy học hiền hậu và khiêm nhuờng với Ngài, như Ngài: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 28-29), bởi hiền hậu và khiêm nhường không chỉ là dấu hiệu khả tín của người có lòng thương xót, là bảo chứng của tấm lòng quảng đại, bao dung, mà còn là điều kiện tất yếu của trái tim từ bi, nhân hậu. Thế nên không hiền hậu và khiêm nhường, cho dù ở bất cứ địa vị, hay nắm giữ bất cứ trọng trách, sứ vụ nào , sớm hay muôn người ta cũng sẽ đi ngược đường với Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, đi ngược Tin Mừng của Đấng đến để yêu thương, tha thứ, cứu độ, và tất nhiên họ không làm chứng Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, nhưng trở thành kẻ phản chứng làm thất vọng nhiều người vì Dung Mạo Thiên Chúa của lòng thương xót là Đức Giêsu đã bị họ làm méo mó, nhơ nhuốc, biến dạng.

Vì Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa có trái tim vô cùng từ bi, nhân hậu, nên tất nhiên trái tim mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng phải được biến đổi nên giống trái tim Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương vô cùng và đến cùng (x. Ga 13,1) bằng chết trên Thánh Giá để làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu, và “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Và tất nhiên, suốt đời làm môn đệ Đức Giêsu từ bi, nhân hậu, chúng ta sẽ chẳng dám xin Chúa điều gì, ngoài xin Chúa ban cho một quả tim mới, và đặt thần khí mới vào lòng chúng ta, khi bỏ đi trái tim bằng đá và ban tặng chúng ta một quả tim bằng thịt (x .Ed 36, 26).

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/trai-tim-cua-thien-chua-tu-bi-nhan-hau-suy-niem-le-thanh-tam-mua-thuong-nien-a/

Read 205 times Last modified on Thứ sáu, 16 Tháng 6 2023 17:48