22.6 Thứ Năm trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
2 Cr 11:1-11; Tv 111:1-2,3-4,7-8; Mt 6:7-15
Khuôn vàng thước ngọc
Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng Kinh Lạy Cha. Một ngày sống chúng ta có nhiều dịp để đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ cầu nguyện. Chúng ta đọc trong thánh lễ, trước mỗi bữa ăn, khi khấn nguyện cho bản thân hay cho những công việc chung. Thậm chí các bà mẹ còn dạy các em nhỏ khi bập bẹ biết nói lời kinh này. Nhiều em bé đọc lời kinh với thái độ hồn nhiên, thật đẹp.
Tuy nhiên từ lời đọc thuộc lòng đến thực hiện lời kinh ấy quả không dễ dàng. Khi các Tông đồ không biết phải cầu nguyện thế nào. Chúa Giêsu đã dựa vào kinh nghiệm của Ngài kết hợp với Thiên Chúa Cha mà Phúc âm vẫn thường ghi lại, sáng sớm tinh sương hay chiều tối. Chúa Giêsu thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Các nhà tu đức cho rằng “Bước vào đời sống cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu”. Có người cầu nguyện thật nhiều. Nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng như Chúa chẳng nghe lời, rồi chán nản, bỏ cầu nguyện, thậm chí bỏ nhà thờ, vẫn nghĩ rằng cầu nguyện như một dịch vụ “xin cho”. Được thì tin, không thì thôi.
Trước khi dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã mượn lời tác giả sách Huấn ca (Hc 7,14) để nhắc cho các ông những điều hết sức ý nghĩa: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin” (Mt 6, 7-8). Như vậy, Ngài nhắc cho các môn đệ và cũng nhắc cho mỗi người chúng ta nên nhớ rằng, mỗi người nên biết mình sẽ phải làm gì trong khi cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ được Chúa đoái nghe không hệ tại ở việc nói nhiều hay ít, lâu hay mau; mà quan trọng là chúng ta cầu nguyện cái gì và như thế nào (thánh Têrêxa Avila). Hiểu được thế, chúng ta sẽ nhận thấy Kinh Lạy Cha tuy súc tích nhưng thật ý nghĩa biết bao.
Trước hết, Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta hãy sống với Chúa bằng tình con thảo, nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài như tâm tình của một người con, chứ không phải khiếp sợ như một kẻ nô lệ và hãy thể hiện lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa bằng việc mau mắn thực thi ý Ngài. Để hiểu được điều này, chúng ta nên lần giở lại bối cảnh thời bấy giờ. Dân ngoại thời đó sống trong một thế giới đầy thần linh. Hơn nữa, giữa các thần luôn có sự ghen tương, thù oán. Người ta luôn phải tìm mọi cách để chiều lòng các vị thần của mình. Nhưng vì chẳng bao giờ biết mình có bỏ sót hoặc quên tôn vinh vị thần nào đó hay không, kết quả là họ luôn sống trong sự lo lắng và khiếp sợ. Còn ở đây, Chúa Giêsu giới thiệu một Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Điều này sẽ giúp giải quyết mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa, không giống như nơi dân ngoại. Đó không phải là loại bỏ sức mạnh, quyền năng và sự oai nghiêm của Chúa nhưng là khiến chúng ta được đến gần hơn với Chúa, gần hơn với các thuộc tính chỉ có nơi Người.
Kế đến, Kinh Lạy Cha nhắc nhớ chúng ta hãy sống phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa, là Cha chúng ta, đừng như dân ngoại lải nhải nhiều lời mà thiếu lòng tin. Biết bao lời dạy, đặc biệt, rất nhiều dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã dùng đều nhằm mời gọi chúng ta tin vào tình thương của Thiên Chúa. Chẳng hạn, dụ ngôn “Hoa huệ ngoài đồng”, chúng không canh cửi, cũng chẳng dệt khâu, vậy mà ngay cả vinh hoa của vua Salômôn cũng không thể sánh tày một bông hoa đó. Hay như dụ ngôn “Chim sẻ ngoài đồng”, chúng không gieo vãi, cũng chẳng gặt hái, vậy mà Cha trên trời vẫn nuôi sống chúng. Chúng ta còn đáng giá hơn muôn ngàn bông huệ và chim trời.
Như vậy, đức tin giúp chúng ta thêm xác tín vào một Thiên Chúa luôn quan phòng và hết mực yêu thương. Chúa Cha yêu thương chúng ta vô ngần, như lời thánh Phaolô đã nói: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người còn con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8, 32). Chẳng ai nhìn lên Thập giá mà còn có thể nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa là Cha của mình được nữa.
Cuối cùng, Kinh Lạy Cha nhắc nhớ rằng, nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta, thì tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Không thể thưa với Thiên Chúa “Lạy Cha chúng con”, mà lại không nhìn nhận mọi người là anh em hoặc đối xử với nhau như những người xa lạ. Chúng ta không thể đón nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa nếu không sẵn sàng tha thứ cho nhau. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” trở thành một trong những ý tưởng gần gũi nhất nhưng lại khó thực hiện nhất. Chúng ta mong Chúa tha thứ nhưng chính chúng ta lại chưa mở lòng đón nhận anh em, chưa hàn gắn những mối bất hòa, chưa giải quyết các cuộc xung đột, chưa dàn xếp ổn thỏa các cuộc tranh chấp… thì làm sao Chúa có thể chiều lòng chúng ta được.
Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói rõ : "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”, (Mt 6, 7-9).
Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu để lại là một mạc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình.
Tỏ lộ cho cho chúng ta một Thiên Chúa như người cha yêu thương, Chúa Giêsu cũng tỏ lộ chính chúng ta là ai. Phẩm giá của con người chính là được làm con Thiên Chúa, và bởi vì là con của cùng một cha, nên chúng ta là anh em với nhau. Tình Cha con (chiều dọc) và tình em (chiều ngang) được Chúa Giêsu mạc khải cách hài hòa qua kinh lạy Cha.
Đặc biệt trong mối tương quan chiều ngang đối với anh em. Chúa Giêsu đã đặc biệt nhấn mạnh trong lời kinh: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Mt 6, 12).
Khi chúng ta có lỗi với Chúa. Chúng ta thường đến với Bí tích Hòa Giải để xin ơn tha thứ. Thế nhưng, khi chúng ta có lỗi với anh em, hay anh em xúc phạm đến mình, chúng ta khó có thể tha thứ. Cũng chính vì thế mã xã hội hôm nay hận thù gia tăng, đưa đến tình trạng trả thù, giết người. Trong gia đình, vợ chồng không thể tha thứ cho nhau đưa đến tình trạng đổ vỡ, ly thân ly dị. Anh chị em ruột không thể tha thứ cho nhau, coi nhau như người dưng nước lã.
Do vậy, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Ngài không tha cho những ai không biết tha thứ : “Sao ngươi chẳng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?”. Bởi thế, tha thứ không còn là hành vi tự nguyện, mà là điều kiện bắt buộc. Đó cũng làm phẩm tính của Kitô hữu con một Cha trên trời.
Huệ Minh