Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 11 Tháng 7 2023 06:14

Sai đi rao giảng Tin Mừng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sai đi rao giảng Tin Mừng

 

 

12.7 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm

St 41:55-57; Tv 33:2-3,10-11,18-19; Mt 10:1-7

Sai đi rao giảng Tin Mừng

          Chúa Giêsu không chọn những người tài cao và học rộng, giàu sang và quí phái, chức vụ và uy quyền trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn người có tấm lòng và thiện chí. Chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo liệu.

          Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu ghi lại việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ và sai các ông đi loan báo Nước trời đã gần đến. Sứ mệnh này không phải chỉ dành riêng cho các Tông đồ hoặc những người có trách nhiệm mà cả chúng ta nữa, những người Kitô hữu, mỗi người một cách, phải loan báo về Chúa Giêsu và kêu mời mọi người vào trong Giáo hội, vào trong tình yêu của Chúa.

          Theo truyền thống, bất cứ một bậc thầy nào cũng cần có các môn sinh, môn đệ để tiếp tục lý tưởng và sự nghiệp của mình. Các bậc hiền nhân trong lịch sử và các tiên tri trong Cựu ước có các môn đệ, thánh Gioan Tiền hô cũng có nhiều môn đệ. Chúa Giêsu cũng vậy, trong ba năm giảng dạy, Chúa đã kêu gọi nhiều môn đệ, trong số đó Chúa chọn 12 người làm Tông đồ, để tiếp tục sự nghiệp cứu rỗi nhân loại mà Ngài đã khởi đầu.

          Chúa gọi và chọn chứ họ không tự mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị trí cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.

          Có lẽ chẳng ai trong chúng ta xa lạ với xuất xứ của các Tông đồ: đa số họ là những ngư phủ nghèo nàn, thất học. Họ được chọn từ đám đông giai cấp lao động, trong số họ cũng có hai khuôn mặt tiêu biểu cho sự tranh chấp của xã hội Do thái lúc đó: Mátthêu người thu thuế và Simon nhiệt thành. Nhóm Nhiệt thành cương quyết chống ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ lề luật, còn đám thu thuế thì lại chạy theo ngoại bang, hợp tác với những kẻ đang thống trị xứ sở để trục lợi.

          Có thể nói, những người mà Chúa Giêsu chọn lựa tiêu biểu cho sự thấp kém trong xã hội Do thái. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài vẫn tuyển chọn, vì đường lối Thiên Chúa khác với đường lối con người. Điều Ngài cần nơi họ không phải là cái đang là, mà là cái sẽ là. Họ tầm thường khiếm khuyết, nhưng với ơn Chúa, họ sẽ làm nên được những việc phi thường

          Chúng ta thấy: mười hai Tông đồ yếu kém về mọi mặt, thế mà đã thay đổi được cả một đế quốc Rôma và cả thế giới sau này nữa. Quả thật, khi Chúa còn sống bên cạnh, các ông còn quê mùa, hay sợ sệt, tham vọng tầm thường, và khi Chúa chết, các ông bỏ trốn vì sợ liên luỵ. Thế mà sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông can đảm, khôn ngoan, đấu lý với hết mọi bậc người, ra tù vào khám vì danh Chúa, và các ông đã xây dựng nước Chúa ngay tại nơi đế quốc đã từng tiêu diệt Thầy mình và cả các ông nữa.

          Tại sao họ yếu kém như thế mà dám đương đầu với những thế lực kình địch và biến đổi được cả thế giới như vậy? Thưa, họ đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn. Còn các Tông đồ thì có một đức tin vững mạnh, nếu các ông không tin vào quyền năng Thiên Chúa đã lựa chọn các ông, ở với các ông, hỗ trợ các ông, chắc chắn các ông không bao giờ dám nhận một công việc to lớn và nặng nề như thế.

          Chúa cũng sai chúng ta đi vào đời đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người như Chúa đã sai các Tông đồ ngày xưa, đấy là vinh dự và bổn phận của các Kitô hữu.

          Các tông đồ được chọn không phải vì các ngài có tấm lòng và thiện chí như tiêu chuẩn của Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương họ trước cả khi họ biết Chúa. Các tông đồ được Chúa chọn cũng không phải vì các ông có quả tim tinh tuyền như Chúa đòi hỏi, nhưng vì lòng nhân từ của Ngài mà Ngài hy vọng sẽ hướng dẫn, dạy dỗ họ, để họ đổi mới mà thành những chứng nhân tông đồ cho muôn dân.

          Với thánh sử Máccô và Luca chỉ nêu danh sách 12 tông đồ khi Chúa gọi các ngài; còn Matthêu thì nhắc đến nhóm 12, khi Chúa sai các ông đi rao giảng. Như vậy, Matthêu đã nhấn mạnh đến sứ mạng của nhóm 12 hơn là việc kêu gọi các ngài, và đề cao mối liên lạc mật thiết giữa tông đồ đoàn và sứ mạng truyền giáo. Họ là những chứng nhân tiêu biểu, đã được Chúa Giêsu huấn luyện, trao quyền hành và nhiệm vụ truyền giáo, như chính Người đã được Chúa Cha sai đi.

          Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức là chúng ta được trao ban quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng.

          Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ truyền giáo (x. AG, 2), nên mọi thành phần trong Giáo Hội đều phải có bổn phận truyền giáo. Việc làm này cần phải làm đúng theo lệnh truyền của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội. Vì vậy, chúng ta không nên làm theo ý riêng hoặc vì quyền lợi riêng của cá nhân hay nhóm riêng của mình. Như thế, lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” mới được trở thành hiện thực.

          Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta có được sự kiên nhẫn, hiền hòa và can đảm để chúng ta luôn nhiệt thành trong sứ mạng truyền giáo, bằng việc siêng năng cầu nguyện và làm gương sáng tại những nơi đang sinh sống và với những người mà mình gặp gỡ hằng ngày.

Huệ Minh

Read 228 times Last modified on Thứ tư, 12 Tháng 7 2023 17:19