TMĐP- Khi đón nhận hạt giống được gieo bởi Ngôi Lời, chúng ta được sống sự sống của Thiên Chúa, nghĩa là được ở trong Thiên Chúa, hiệp nhất với Thiên Chúa…
Ngôn sứ Isaia cho chúng ta một hình ảnh chính xác và sống động về Lời Thiên Chúa khi so sánh: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về với trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mang Ta trao phó” (Is 55, 10-11).
Đức Giêsu chứng thực điều này qua dụ ngôn người gieo giống: “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ, nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả…” (Mt 13, 4-8).
Và “Tôi là mảnh đất nào?” chính là câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là những người đang nghe lời Chúa ở đây và lúc này.
Tôi là mảnh đất sỏi đá, mảnh đất kín cỏ dại, đầy gai góc hay mảnh đất mầu mỡ, phì nhiêu?
Sự thực thì có lúc chúng ta là đất tốt, nhưng cũng có lúc chúng ta là đất sỏi đá, đầy gai góc, cỏ dại, bởi niềm tin trong chúng ta lên xuống, trồi sụt bất thường, do không ăn rễ sâu trong tình yêu Đức Giêsu, và nguồn ánh sáng, ân sủng của Chúa Thánh Thần, như người xây nhà trên cát, gặp sóng thì nhà ấy sụp đổ, mất dạng.
Kinh nghiệm bản thân trên đường đi theo Đức Giêsu làm chứng điều này, khi người môn đệ không phải lúc nào cũng là mảnh đất tốt, mầu mỡ, nhưng không ngừng kinh qua nhiều giai đoạn, khoảnh khắc rất khác nhau: khi thì sốt mến đón nhận lời Chúa, lúc lại thờ ơ, nhạt nhẽo, dửng dưng; có những thời điểm hăng hái sống Lời Chúa, nhưng cũng không thiếu những tháng năm ươn lười, tránh né, bỏ quên Lời Ngài.
Quả thực, ai sống gần và hiểu Đức Giêsu bằng tông đồ Phêrô, nhưng chính Phêrô đã có lúc rất nhiệt tình, và mạnh miệng nói với Đức Giêsu những điều anh em tông đồ khác không dám lên tiếng, như khi tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16 ), và bộc lộ lòng trung thành: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33), nhưng cũng có lúc Phêrô rơi vào nghi nan khi hỏi Đức Giêsu: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?” (Mt 10,28), hoặc phản bội khi chối không biết Đức Giêsu, Thầy mình là ai (x. Lc 22,54-61).
Trước những đổi thay của mảnh đất tâm hồn trước Lời Chúa, đôi khi chúng ta lo lắng, sợ hãi, vì không biết sẽ ra sao số phận đời đời của mình?
Trong những phút hoang mang, mất tinh thần, chúng ta cần xác tín: người gieo giống là Đức Giêsu không chỉ gieo hạt một lần trong đời, trên mảnh đất tâm hồn chúng ta, nhưng Ngài gieo mỗi ngày, gieo liên tục, với chứa chan ơn sủng để hạt giống được mọc lên, như lời Thánh Vịnh: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giầu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông… Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 64,10.12).
Việc tiếp theo phải làm, đó là kiên trì Lắng Nghe, Đọc, Suy Niệm Lời Chúa, dù có lúc cõi lòng lạnh như băng sơn, và trí khôn đặc quánh không còn muốn để hạt giống Lời hằng sống hồi sinh tâm hồn, trong niềm tin vào sức mạnh của Lời Chúa, vì Lời không bao giờ chết, vì Lời có sức chữa lành, cứu sống, đổi mới, thánh hóa mọi người, và làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp, ích lợi cho hạnh phúc đời đời của chúng ta và mọi người.
Cũng vì thế, khi loan báo Lời Chúa cho anh em, chúng ta tin rằng Lời sẽ tác động và làm cho mảnh đất tâm hồn, dù hôm nay còn cằn cỗi, nhưng một ngày kia sẽ trở nên mầu mỡ cho xum xuê những hoa thơm trái ngọt. Do đó, chúng ta cần phải kiên nhẫn chịu đựng thử thách, đau khổ, trong khi trông chờ hạt giống nẩy mầm, mọc lên, vì có ngày “vinh quang sẽ được Thiên Chúa mặc khải nơi chúng ta”, và chúng ta sẽ được cùng “với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,18.21).
Tóm lại, Đức Giêsu đã gieo Lời của Ngài trong tâm hồn những thụ tạo đã được tạo dựng bởi chính Ngài, là Ngôi Lời Thiên Chúa ( x. St 1), như thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống” (Ga 1,1.3).
Như thế, khi đón nhận hạt giống được gieo bởi Ngôi Lời, chúng ta được sống sự sống của Thiên Chúa, nghĩa là được ở trong Thiên Chúa, hiệp nhất với Thiên Chúa, nên đón nhận lời Ngài, chính là đón nhận Thiên Chúa; lắng nghe Ngôi Lời nói, là đi vào đời sống của Thiên Chúa, nên một với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ước gì đừng một ai trong chúng ta bị Đức Giêsu quở trách là những người lòng dạ chai đá, bịt tai nhắm mắt trước Lời Ngài (x. Mt 13,14-15), nhưng được đứng trong hàng ngũ những người được chúc phúc: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13,16).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/don-nhan-loi-thien-chua-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xv-thuong-nien-nam-a/