24.7 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm
Xh 14:5-18; Xh 15:1-2,3-4,5-6; Mt 12:38-42
Dấu lạ và Dấu chỉ
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Chúa Giêsu kể lại cho họ dấu lạ tiên tri Giona ở trong bụng cá ba ngày. Qua lời giảng của tiên tri Giona, dân thành Ninivê đã hối cải. Cũng vậy, Chúa Giêsu sẽ đi vào lòng đất, vào cái chết và Phục sinh vinh quang, để đem lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Người, cụ thể là cho những người biết ăn năn thống hối và sống theo Lời Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Còn họ thì Chúa cho biết đến ngày phán xét họ sẽ bị xét xử rất nặng.
Người Việt Nam chúng ta có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Câu nói ấy hàm ý rằng: những người ở gần và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thì cũng chẳng có gì phải quan tâm, và những lời họ nói cũng chẳng cần phải tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.
Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, và dân Do thái đã được thấy những phép lạ ấy. Những người biệt phái và luật sĩ cũng đã được chứng kiến những phép lạ ấy, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Đấng Messia Thiên Sai. Hôm nay họ còn muốn thách thức Chúa đòi Chúa làm một dấu lạ để chứng tỏ Ngài là Đấng Messia. Chúa không chấp thuận yêu cầu của họ, trái lại, Ngài phàn nàn về thái độ cố chấp của họ bằng hai câu chuyện: tiên tri Giona và nữ hoàng Saba.
Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng của tiên tri Giona. Vậy mà cả thành từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khấn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona, Đấng mà thánh Gioan Tẩy giả loan báo đã đến và rao giảng, vậy mà họ không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn.
Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm một phép lạ vĩ đại và tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mắt nhiều người, và nếu thấy những dấu lạ vĩ đại ấy thì mọi người sẽ tin thờ Chúa.
Thực ra, Chúa thừa sức làm những dấu lạ như thế. Nhưng nếu làm thế sẽ là một áp lực, một bó buộc, khiến người ta phải tin thờ Ngài. Và con người sẽ không còn tự do, Chúa không còn là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Quả thật, ngay trong cuộc sống đã có rất nhiều dấu chỉ, nhưng vấn đề là chúng ta có thể đọc ra ý nghĩa của những dấu chỉ xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hay không. Rất nhiều lần chúng ta sống chẳng khác gì những người mà Kinh thánh nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu”.
"Chúng tôi muồn thấy Thầy làm một dấu lạ”. Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.
Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.
Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh… tôi bị người ta phê phán… tôi vừa gặp thất bại… Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi?
Huệ Minh