3.8
Thứ Năm trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm
Xh 40:16-21,34-38; Tv 84:3,4,5-6,8,11; Mt 13:47-53
Thái Ðộ Bao Dung
Chúa dùng dụ ngôn “mẻ lưới bắt được mọi thứ cá” để dạy dân chúng. Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, Nước Trời được trao tặng, hay mở rộng ra cho hết mọi người. Cho cả “cá tốt” cũng như “cá xấu”. Nghĩa là không phân biệt người tốt kẻ xấu, cũng không kỳ thị chủng tộc, giai cấp sang hay hèn. Giống như mẻ lưới bắt được mọi thứ cá lớn cũng như bé, ai cũng có cơ hội được vào Nước Trời. Nhưng để được tuyển chọn vào trong Vương Quốc của Thiên Chúa thì phải là những loại cá tốt. Cá tốt chính là giá trị quý giá của Nước Trời. Ai là cá tốt sẽ được sống trong nước trời.
Như vậy, dụ ngôn mẻ lưới này gợi lên vấn đề là số phận của người lành và kẻ dữ. Chỉ người lành mới được vào Nước Trời hưởng phúc đời đời; ngược lại số phận người dữ sẽ bị quăng ra ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng. Vì thế, khi ví Nước Trời qua hình ảnh mẻ lưới, Chúa Giêsu muốn đặt con người trong những chọn lựa giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc đời của mình, nhất là cho một cuộc sống duy nhất hiện hữu trong hạnh phúc bất diệt, mà nếu chọn sai thì sẽ mất nó vĩnh viễn! Do đó, đối với Chúa , người tốt là người biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người; và khi đã đi theo Người, phải sống theo Thánh ý của Chúa. Ai làm như thế sẽ là cá tốt trong ngày cánh chung. Còn ai không đón nhận Nước Trời mà Ðức Giêsu mang lại, sẽ là cá xấu bị loại ra trong ngày sau hết.
Ví Nước Trời với hình ảnh lựa lọc cá tốt, cá xấu, Chúa Giêsu rõ ràng nhấn mạnh đến sự phân định và chọn lọc sẽ xảy ra vào thời cánh chung: người tốt được chọn, người xấu bị loại trừ. Việc làm của chúng ta là quyết định mình trở nên người tốt hay người xấu, nhưng không phải tốt hay xấu theo kiểu thế gian mà là theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Nói cách khác, sự phân định và chọn lựa của Thiên Chúa vào hồi chung cuộc kêu gọi chúng ta phải biết phân định và chọn lựa ngay trong hiện tại này.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn cảnh báo cho chúng ta về ngày tận thế, ngày ấy xảy ra khi chúng ta phải nhắm mắt lìa đời. Sinh ra chúng ta Thiên Chúa luôn ấp ủ gìn giữ bảo vệ chở che, Ngài đặt trong tâm hồn mỗi người tiếng nói của lương tâm để chỉ dẫn cho chúng ta làm lành lánh dữ. Tình yêu của Thiên Chúa bao phủ loài người có thể ví như chiếc lưới. Không một ai bị loại trừ và thoát ra khỏi tấm lưới yêu thương ấy.
Thế nhưng Thiên Chúa chỉ chọn những cá tốt, nói cách khác; Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Ngài biến đổi để trở nên tốt. Còn những ai chối bỏ Ngài thì trở nên cá xấu, bị quang ra ngoài, nơi đó sẽ là bất hạnh và than khóc muôn đời.
Xét lại mình, chúng ta đang là loại cá gì? Có xứng đáng được lựa chọn để nhận vào Nước Hằng Sống không?
Khi chúng ta sống và hành động theo tiếng chỉ bảo của lương tâm, nghĩa là sống theo ý Chúa, thì chúng ta sẽ có một cuộc sống thanh thản bình an ngay ở đời này, và chắc chắn sẽ được hạnh phúc đời sau. Còn ngược lại, nếu sống trong gian ác, tội lỗi thì ngay ở đời này sẽ là một chuỗi những tháng ngày sống trong bất an, bất hạnh và rồi sẽ đánh mất luôn cả sự sống đời sau!
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em.
Nếu thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
Huệ Minh