TMĐP- Tin Mừng của Đức Giêsu dành cho những ai? Và thành phần nào, dân tộc nào được hưởng ơn cứu độ của Ngài?
Ngôn sứ Isaia trong Cựu Ước đã khẳng định: Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã gần tới, không chỉ cho Dân Ngài, mà còn cho tất cả “người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh , cùng trở nên tôi tớ của Người” (x ? Is 56,6), khi ngôn sứ được Đức Chúa truyền lên tiếng tuyên sấm: Tất cả chúng “đều được Ta dẫn lên núi thánh, và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7).
Thánh Vịnh 66 nói lên niềm ao ước cho các dân tộc được biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài: “Xin toả anh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài. Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực” (Tv 66, 2-3.5).
Thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại thì quả quyết ơn cứu độ của Đức Giêsu tuôn tràn đến các dân tộc ngoài Ítraen, và điều này đã làm cho một số không ít người Ítraen phải ganh tị, nhưng thánh nhân nhìn dưới lăng kính đức tin khi lý giải: “Nếu vì người Do Thái sa ngã mà thế giới được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy!” (Rm 11, 12)
Đức Giêsu trong Tin Mừng đã chứng thực chân lý ơn cứu độ của Thiên Chúa tuôn đổ tràn trề trên mọi người, mọi dân tộc, vì không ai là người xa lạ trong gia đình Thiên Chúa qua phép lạ Ngài chữa con gái người đàn bà Canaan, là người ngoại quốc, ngoại đạo đối với Ítraen, khi bà đến nài xin Ngài: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22). Và lòng thương của Thiên Chúa đã vượt qua tất cả mọi thứ rào cản của chủng tộc, chính kiến, tôn giáo, lề luật, thành phần, ý thức hệ mà các môn đệ đã biểu lộ phần nào qua thái độ khó chịu và hành động ngăn cản, cấm vận, làm khó dễ khi các ông đến gần xin với Đức Giêsu: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi!”, và khi nghe Đức Giêsu nói với bà: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Ítraen” (Mt 15,23.24) thì các ông như mở cờ trong bụng, vì thấy Đức Giêsu cũng đồng tình với các ông. Nhưng các ông không nghĩ đến đức tin của người đàn bà ngoại quốc, ngoại đạo này, đức tin mà Đức Giêsu đã phải thốt lên khen ngợi: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”, khi bà thưa lại với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn nh’ưng mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27).
Thực vậy, trong đời sống đạo, không ít lần chúng ta đã cư xử với những người anh em ở ngoài Kitô giáo như những người xa lạ, và đôi khi như những đối thủ, địch thù, qua thái độ dửng dưng, coi thường, vì nghĩ mình là dân riêng, dân được Thiên Chúa tuyển chọn, còn họ là những người ở ngoài, ở xa, không thuộc dân Chúa, không được Chúa thương, và mình cũng chẳng cần phải quan tâm, liên đới. Não trạng hẹp hòi, co cụm, khép kín ấy nhốt chặt chúng ta trong pháo đài kiêu căng, tự mãn làm chúng ta quên ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành cho riêng ai, cho một thành phần, chủng tộc, quốc gia nào, nhưng cho hết mọi người, mọi nơi, mọi thời, vì Đức Giêsu, Chúa của chúng ta đã “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), và chén máu Ngài là “máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
Xin Chúa ban cho chúng ta trái tim biết hướng đến hết mọi người, như trái tim Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đêm ngày thao thức, khắc khoải hướng đến các chiên chưa thuộc ràn này, như lòng Ngài mong ước : “Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10, 16).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/on-cuu-do-cho-moi-nguoi-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xx-thuong-nien-nam-a/