21.8 Thánh Piô X, Giáo Hoàng
Tl 2:11-19; Tv 106:34-35,36-37,39-40,43,44; Mt 19:16-22
Ðường Ðến Sự Sống Ðời Ðời
Đức thánh giáo hoàng Piô X, qua đời tại Roma ngày 21 tháng tám năm 1914, phong thánh năm 1954, nhắc ta nhớ tới một giai đoạn rối rắm và đau thương trong lịch sử Giáo hội. Các lý thuyết duy lý, duy tân và Jansenis đe dọa đức tin nguyên truyền trong lúc lửa chiến tranh thế giới thứ nhất trên đà bộc phát.
Giuseppe Sarto sinh năm 1835 tại Riese, một làng nhỏ miền Vénétie, là con một gia đình nông dân tầm thường. Sau những năm học chủng viện ở Padoua, thầy Giuseppe Sarto thụ phong linh mục, rồi lần lượt làm phó xứ, cha sở, giám mục Manton, giáo chủ Venise và hồng y năm 1893. Tại hội nghị hồng y năm 1903, Ngài được bầu kế vị Đức Lêô XIII.
Triều giáo hoàng của Ngài nổi bật với những cải tổ phụng vụ liên quan đến sách nhật tụng, Phép Thánh thể, bình ca và việc rước lễ thường xuyên. Ngài cũng cho ấn hành một cuốn giáo lý mới mà đích thân Ngài giải thích nó mỗi ngày Chúa nhật. Ngài bắt đầu công việc sửa đổi bộ Giáo luật. Việc quản trị Giáo hội đặc biệt Giáo triều Roma, cũng được sửa đổi. Thế nhưng vị giáo hoàng hiền lành đạo đức này lại gặp nhiều khó khăn, trái ý; Ngài cũng bị vướng vào nhũng rối rắm chính trị và giáo lý của một thời đại nhiều xáo trộn. Hơn nữa, Ngài linh cảm sự đe dọa của chiến tranh thế giới thứ nhất sắp bùng nổ năm 1914.
Ngài qua đời hai mươi ngày sau chiến tranh bùng nổ. Ngài nói: “Các con yêu dấu, cha hiến dâng mạng sống của cha. Hằng triệu người chết … Cha muốn giúp tránh nó, nhưng lực bất tòng tâm”. Trong chúc thư để lại, Ngài viết: “Tôi sinh ra trong cảnh nghèo và tôi muốn chết nghèo”. Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn, được tôn kính nơi Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican
Chúa đã ban cho thánh Piô X được tràn đầy sự khôn ngoan thần linh và đức can đảm tông đồ (lời nguyện trong ngày). Ngài biểu lộ rõ rệt các đức tính đó trong suốt triều đại giáo hoàng của mình. Trước hết Ngài bãi bỏ luật Veto (phủ quyết) mà một số quốc gia vẫn còn giữ về vấn đề bầu chọn giáo hoàng, tiếp theo Ngài giải tán Opera dei Congressi, đồng thời các phong trào mà sau này, dưới đời Đức Piô XI sẽ lấy tên là công giáo tiến hành. Tại Pháp, Ngài lên án chính sách bài giáo sỹ của Combes và phản đối luật tách biệt Giáo hội khỏi Quốc gia. Cuối cùng là vụ kết án thuyết duy tân, ban đầu bằng sắc lệnh Lamentabili, sau là thông điệp Pascendi (1907).
Lời nguyện trên lễ vật thúc đẩy chúng ta học “theo các bài học của thánh Piô X hầu hết các mầu nhiệm thần linh với lòng kính cẩn, thông hiệp với chúng bằng đức tin”. Trong công cuộc của vị thánh giáo hoàng này, cải tổ phụng vụ là trọng tâm. Chính Ngài tuyên bố: “Từ nguồn suối duy nhất không thể thiếu đó tức là việc tham dự các mầu nhiệm thần linh, chúng ta có thể múc được tinh thần Kitô hữu đích thực” (Motu propio ngày 22-11-1903). Một cách nào đó, Ngài đã mở đường cho việc canh tân phụng vụ của Vatican II khi nhấn mạnh việc tham gia tích cực của giáo dân vào thánh lễ, việc canh tân âm nhạc thánh và cổ võ việc hát bình ca truyền thống. Ngài cũng thực hiện việc sửa đổi sách thần vụ bằng cách đặt ưu tiên cho việc đọc toàn bộ thánh vịnh (Hiến chế Divino Afflatu 1911) như trong phụng vụ bài đọc có nhắc lại. Trên lãnh vực thánh kinh, Đức Piô X đã có một số biện pháp như thành lập Ủy ban giáo hoàng nghiên cứu Thánh kinh (1907), lập viện kinh thánh (1909), rà soát lại bản phổ thông.
Lời nguyện tạ lễ khẩn cầu Chúa, nhân ngày lễ thánh Piô X, cho chúng ta “kiên vững trong đức tin”. Vào một giai đoạn nhiễu nhương khi các Kitô hữu cần được bảo vệ trong đức tin, thánh Piô X đã chứng tỏ sự vững chắc trong lãnh vực giáo lý công giáo, ý thức trách nhiệm chủ chăn tối cao của mình. Nhưng vị bảo vệ chính thống nồng nhiệt đó trước hết là một con người “nghèo khó, hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Phản ứng chống lại các luồng do phái Jansenius, quá khắc khổ và duy lý của thời đại, Ngài dần nổ lực để minh chứng Chúa là yêu thương. Chính vì thế Ngài đã cho tái lập việc thường xuyên đến với các bí tích, việc cử hành thánh lễ có sự tham gia tích cực của giáo dân và việc rước lễ thường xuyên. Đặc biệt, qua sắc lệnh Quam singulari (1910). Người cho phép trẻ đến tuổi có lý trí được rước lễ.
Đức Piô X khi chấp nhận làm giáo hoàng, đã thốt lên: “In crucem = đến với thánh giá”. Quả thế, các khó khăn đã chỉ gia tăng trên bước đường của Ngài, nhưng lại trở thành nguồn gốc cho tính khiêm nhu, thậm chí hiền lành trong công việc mục vụ của Ngài. Mộ chí Đức Piô X tóm tắt sâu sắc sự thánh thiện cao cả của vị thánh giáo hoàng này: “nghèo nhưng phong phú, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bảo vệ nhiệt thành chân lý công giáo, Người đã hiến trọn nổ lực để cải tạo lại tất cả trong Chúa Kitô”.
Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có. Người thanh niên đến gặp và xin Chúa Giêsu chỉ con đường dẫn đến sự sống đời đời, đó là một ý nghĩ khôn ngoan. Tuy nhiên, thái độ của anh đáp ứng Lời Chúa Giêsu chứng tỏ anh mới chỉ có ý nghĩ một chút về sự khôn ngoan. Anh thoáng thấy của cải không phải là hạnh phúc đích thực, vì thế, anh đến với Chúa để tìm sự khôn ngoan. Khốn nỗi, con đường khôn ngoan mới vạch ra đã bị của cải cản lối khiến anh không nhận ra được rằng sự sống đời đời mới là của cải quí giá nhất mà anh phải tìm kiếm.
Người thanh niên tìm đến với Chúa Giêsu, vì nhận thấy Ngài là một tôn sư có gì khôn ngoan hơn những bậc thầy trong dân Israel mà anh thường gặp. Anh chưa nhận ra Chúa Giêsu chẳng những là tôn sư dạy sự khôn ngoan, mà còn là chính sự khôn ngoan; Ngài không chỉ đưa ra một lời dạy khôn, mà còn là lời ban sự sống đời đời; ai đón nhận và thực hiện lời Ngài sẽ được sống đời đời. Chính vì thế, anh đã sầm nét mặt, buồn sầu bỏ đi khi Chúa Giêsu bảo anh: Hãy về bán hết của cải, rồi đến theo Ngài. Anh yêu của cải hơn sự sống và hạnh phúc đời đời. Anh tưởng Lời Chúa chỉ là một trong những lời chỉ giáo muôn mặt của các bậc thầy trong Israel, có theo hay không cũng chẳng sao, cứ nắm giữ lề luật cha ông truyền lại đã đủ chiếm được Nước Trời. Do đó, anh làm sao hiểu được lời này: "Anh chỉ còn thiếu một điều".
Anh đã thực hiện những gì ghi trong lề luật, nhưng anh còn thiếu một điều, mà thiếu điều đó, những gì anh đã nắm giữ mới chỉ là thứ công chính của Biệt phái không thể vào Nước Trời được. Ðiều anh còn thiếu chính là tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là liên kết với Ngài và thực hiện Lời Ngài. Vì Lời Ngài là lời thần linh làm cho việc tuân giữ giới răn trở thành sức sống trong tâm hồn con người.
Thật ra, tự nó, của cải không cản trở người ta vào Nước Trời, nhưng thái độ ham mê của cải cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa và Chúa Kitô. Cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không nhất thiết bắt người ta trở thành nghèo mạt, bởi vì từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng tương giao xã hội của họ, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chàng thanh niên đã đạt được hầu như mọi thứ trong cuộc sống như tiền bạc, danh vọng cùng với việc chu toàn lề luật. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy một sự trống vắng nơi sâu thẳm trong tâm hồn. Anh đã tìm đến Đức Giêsu mong nhận được một giải đáp cho nỗi khắc khoải đó. Người mở lối cho anh là hãy thoát khỏi và từ bỏ những của cải đang có mà hướng đến một giá trị bền vững, đó chính là Nước Trời.
Nguyện xin Chúa kiện toàn nơi chúng ta những gì Ngài đã khởi sự, và cho chúng ta đạt tới lý tưởng là sống theo Chúa, Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống đời đời.
Huệ Minh