24.8 Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ
Tl 11:29-39; Tv 40:5,7-8,8-9,10; Mt 22:1-14
Người Israel lòng dạ ngay thẳng
Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Nathanaen, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu đã khen ông: "Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng" (Ga 1, 47b). Khi Natanien hỏi Chúa Giêsu làm sao Ngài biết ông, Chúa Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây vả" (Ga 1, 48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Nathanaen phải kêu lên, "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel" (Ga 1, 49b). Nhưng Chúa Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!" (Ga 1, 50)
Theo truyền thuyết truyền lại, thì thánh nhân là người có tầm vóc trung bình với mái tóc đen, nước da trắng trẻo, và đôi mắt tròn, lớn ẩn sâu trong hai con mắt hơi rộng, ngày ngày Ngài đọc kinh có tới trăm lần. Giọng nói của Ngài sang sảng và có sức thu hút lạ thường. Vẻ mặt Ngài luôn luôn vui tươi, Ngài cũng được ơn nói nhiều thứ tiếng và biết mọi sự tương lai. Với những ơn đặc biệt ấy, danh tiếng Ngài chả mấy chốc lừng lẫy như sóng cồn, khiến bao nhiêu con bệnh cũng như bao nhiêu người mắc cơn nguy biến đều tìm đến xin thánh nhân cứu chữa.
Bấy giờ vua Pôlêmon có một công chúa bị quỷ ám. Vua đã nhờ các quỷ khác trừ nhưng vô hiệu quả, nghe nói thánh nhân có uy quyền trừ được tà ma, đầu tiên nhà vua không tin, nhưng phần tin công chúa, phần muốn thử tài của Ngài nên vua cho mời thánh nhân tới. Sau khi cầu nguyện sốt sắng, thánh nhân đã trừ quỷ và chữa cho công Chúa khỏi.
Trước phép lạ nhãn tiền này, nhà vua cho người mang vàng bạc hậu tạ thánh nhân, nhưng Ngài một mực khước từ. Một đêm kia vua Polêmon chiêm bao thấy thánh nhân hiện đến và nói với nhà vua rằng: “Tôi đến đây không phải để gầy dựng gia nghiệp, thu tích vàng bạc nhưng để cứu rỗi các linh hồn, giải phóng người ta khỏi ách lầm than của ma quỷ.
Đồng thời vua cũng được thánh nhân giảng cho biết qua về Chúa Giêsu và hứa sẽ chỉ tên vạch mặt quỷ Atarôt, bằng cách bắt nó tuyên xưng Chúa Kitô rồi mới trục xuất nó ra một lần nữa. Sự việc xẩy ra y như vua đã chiêm bao: một ngày kia trước mặt vua và cả triều đình thánh nhân công khai bắt tên quỷ Atarôt thú nhận nó là tên lừa bịp dân chúng và là tên phản tặc đối với Thiên Chúa. Đồng thời nó tuyên xưng thánh nhân là tông đồ Thiên Chúa sai đến để truyền bá Phúc âm. Thánh nhân ra lệnh cho nó phải cút khỏi vùng này và cấm từ nay không được lai vãng đến hại dân. Tên quỷ vâng lệnh và “cúp đuôi” biến mất. Bấy giờ dân chúng hết lời ca tụng thánh nhân và đập phá tượng quỷ đang thờ. Chứng kiến phép lạ nhãn tiền này, cả triều vua xin học đạo và chịu phép rửa tội.
Ma quỷ căm giận vì thất bại nên tìm cách trả thù. Chúng xúi giục một số viên chức nổi lên chống đối lại thánh nhân và coi Ngài như kẻ thù phá hoại chùa miếu đền thờ, phá rối an ninh. Rồi tiếng đồn thổi vu cáo thánh nhân mỗi ngày một lan rộng.
Lần kia một số công chức âm mưu đến vu cáo với vua Atigiê em vua Polemê rằng: thánh nhân đã phá hủy đền chùa của họ. Tức giận, Atigiê truyền đưa thánh nhân tới. Trước sân rồng lộng lẫy, thánh nhân đàng hoàng tiến lên tâu trình mọi việc với nhà vua. Đang khi nhà vua sỉ nhục thánh nhân thì tất cả các tượng bụt trong đền vua tự nhiên đổ tan tành, nhà vua nổi nóng hạ lệnh lột da rồi thiêu sinh thánh nhân. Nhưng Chúa toàn năng đã tỏ uy quyền của Ngài để mở mắt cho những kẻ mù tối: qua hai cuộc hành hình thánh nhân vẫn còn sống. Sau cùng thánh nhân bị trảm quyết, ngày 24 tháng 8 năm 52.
Nghe tin thánh nhân bị trảm quyết, cả triều vua Pôlômon vội vã sang xin xác thánh Ngài và an táng rất trọng thế. Để thưởng công vua Pôlômon, sau 30 ngày các vị tông đồ đã truy phong nhà vua lên chức giám mục. Còn vua Atigiê và những kẻ đã nhúng tay hành quyết thánh nhân đều bị bệnh quỷ ám và chết một cách khốn nạn.
Sau khi an táng xác thánh nhân, dân chúng tấp nập đến kính viếng và được hưởng nhiều phép lạ. Nhiều người lương dân thấy vậy đâm ghen tương. Họ bí mật quật mộ và quẳng quan tài Ngài xuống biển. Nhưng Chúa quan phòng đã làm phép lạ khiến tấm quan tài bằng chì của thánh nhân nổi lềnh đềnh trên mặt biển và được sóng biển đưa tới hòn đảo Lipari gần Xixin (Cicile). Tín hữu miền này rước quan tài thánh nhân về miền Bênêven và xây cất đền thờ kính Ngài. Với những phép lạ thời danh Ngài làm, chẳng bao lâu nơi đây trở thành đất hành hương danh tiếng. Năm 983 dưới thời Đức giáo hoàng Grêgôriô V, xác thánh Ngài được di chuyển vể La-mã nằm bên cạnh các Tông đồ khác.
Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
Philipphê cùng quê quán với hai anh em Phêrô và Anrê, ở làng chài Bétsaiđa bên bờ biển Tibêriát. Ông là một trong những vị tông đồ đầu tiên được gọi theo Chúa như Tin Mừng Gioan ghi nhận ngay ở chương đầu (Ga 1, 43-44).
Philipphê gặp Nathanaen cũng thường gọi Batôlômêô, giới thiệu về thầy của mình – Chúa Giêsu: “Chúng tôi đã gặp thấy Con Người mà luật Môisê và các tiên tri đã nói đến: Đó chính là Giêsu, con trai ông Giuse làng Nadarét”. Cùng với Betsaiđa, Cana, Nadarét chỉ là những thị trấn nhỏ vùng quê. Trong Cựu ước không có một ngôn sứ nào nhắc đến Nadarét. Vì thế, Nathanaen, người Cana, nghi ngờ rằng thân thế của Thầy Giêsu: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được”. Philipphê không cần mất thời giờ để tranh luận, nhưng thuyết phục bạn mình đến gặp Đức Giêsu để chính Nathanen tự mình khám phá ra Ngài: “Hãy đến mà xem”. Chỉ kinh nghiệm gặp và sống với Chúa Giêsu mới có thể giúp Nathanaen vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. “Hãy đến mà xem”, là câu trả lời của Chúa Giêsu, khi hai ông Andrê và Gioan, những môn đệ của ông Gioan Tẩy giả hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” Chúa trả lời: “Hãy đến mà xem... đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người…” (Ga 1,35-42).
Vừa gặp Chúa Giêsu, Ngài đã nhận định về ông như một người Israel đích thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Ông đã kinh ngạc trước nhận xét của Đức Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ con người. Đức Giêsu biết rõ Nathanaen đang khao khát hiểu biết về Thiên Chúa, đang muốn gặp Thiên Chúa. Người đã đặt vào lòng Nathanaen lòng khao khát Đấng đã dựng nên con người vì tình yêu: “Trước khi Philipphê gặp anh, Thầy đã thấy anh dưới cây vả”. Nathanaen đã đến và nghe lời Chúa Cứu Thế, ông đã hết sức cảm phục” (x. Ga 1,43-51).
Ông Nathanaen, còn được gọi là Batôlômêô, có lẽ sẽ không yêu mến Chúa nếu như ông không “đến mà xem” như lời mời gọi. Nếu ông chỉ dừng lại với những hiểu biết đóng khung của mình thì Đức Giêsu sẽ chẳng là gì trong tâm trí của ông. Được kêu mời đến mà xem, ông đã nhận ra người mà ông đang mong chờ, biết được người mà ông đang mong chờ, biết được người mà ông muốn gắn kết cuộc đời, và yêu được người mà ông tôn thờ.
Sự hiểu biết không chỉ đến nhờ lý trí, nhưng còn được khai mở nhờ đức tin. Lý trí cho ta biết cách thức thông truyền tình yêu, còn đức tin giúp ta biết mức độ của tình yêu. Lý trí giúp ta hiểu lúc nào có tình yêu, còn đức tin giúp ta vững tin vào tình yêu luôn mãi.
Từ đời đời, Thiên Chúa đã biết ta trong mọi bí ẩn của tâm hồn. Chúa dò thấu tường tận. Không có gì kín nhiệm mà Chúa không thông suốt. Chúa biết rõ tất cả nơi chúng ta.
Qua cuộc gặp gỡ Chúa đã biến đổi Nathanaen, tình gắn bó với Thầy bền vững. Cũng thế, người đến gặp gỡ Thiên Chúa là thân thiết với Ngài, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là “kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin”
Huệ Minh