27.8 Chúa Nhật thứ 21 Nhất Mùa Quanh Năm
Is 22:19-23; Tv 138:1-2,2-3,6-8; Rm 11:33-36; Mt 16:13-20
Tuyên xưng niềm tin
Nhìn vào bối cảnh dân Israel thời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy toàn dân đang trông chờ một Đấng Mêsia. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện với những lời giảng dạy mới mẻ, đầy quyền năng, thì dân chúng lầm tưởng Người là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hoặc là một ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Chúa Giêsu không quan tâm đến việc dân chúng nghĩ gì về mình mà chỉ nhằm đến các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô liền tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời đúng như Chúa Giêsu muốn, nhưng Ngài cho biết, không phải tự ông biết điều đó, mà do Chúa Cha mạc khải.
Tin Mừng cho chúng ta xác tín sâu xa về Giáo Hội trần thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập, là con đường đưa tới Nước Trời. Bảo rằng mình có thể đi tới với Đức Kitô mà không cần đến Giáo Hội là liều lĩnh, đưa tới nguy cơ lần đường lạc lối. Làm như thế là xây dựng cho mình một Đức Kitô theo tầm mức của mình, là tưởng tượng ra một Đức Chúa cho vừa vặn với lòng dạ mình, là từ khước Đức Giêsu như Người đã tự mạc khải cho chúng ta.
Dư luận nói Thầy là ai ? Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? Chắc chắn không ai nghĩ là Thầy Giêsu có ý thăm dò đám đông để biết Thầy nổi tiếng tới đâu, hoặc có ý đong đo sự nhạy bén nơi các học trò. Đúng, Thầy muốn nói với muôn thế hệ về giá trị tình yêu, Thiên Chúa sẽ thông ban cho nhân loại qua các môn đệ của Ngài. Ở đời người ta cho rằng, thành công không hệ tại giầu sang địa vị, cũng không phải có con cháu xinh đẹp, tài giỏi, chung chung, họ vẫn quan niệm thành công là phải có bầu khí bình an, niềm vui, các thành viên gia đình đều chu toàn được bổn phận và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã cho các môn đệ, cho con cái loài người xác tín, chính Phêrô đã phản ứng nhanh nhất trong số các học trò, không phải vì Phêrô tài giỏi đức độ, mà do ông được yêu thương nhiều hơn.
Câu trả lời vô thưởng vô phạt: hình như, có thể, có lẽ, bao giờ cũng chỉ là câu đối đáp xã giao, vậy vậy thôi. Nói được những lời ngọt ngào yêu thương trên môi miệng, đã là thành công đối với con người mang tính giới hạn rồi. Chúa Giêsu ngay từ ban đầu, Ngài đã muốn các môn đệ theo Chúa phải chứng minh bằng sức mạnh của ý chí, của con tim, đặc biệt phải ý thức đó là tình yêu của Chúa Cha soi sáng. Đọc lại diễn tiến cuộc đối thoại giữa tình Thầy trò Giêsu, thiết tưởng các học trò bị bất ngờ với câu hỏi khó: “phần các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Xem ra, Thầy Giêsu phải ngạc nhiên vì một ngư phủ mang tên Phêrô đã phản ứng thật chính xác: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Ở đời, người ta chỉ vội vàng không để vụt mất cơ hội làm giầu, không bỏ lỡ cơ hội để được nổi tiếng: phúc bất trùng lai, dịp may, điều thuận lợi, đến rất ít, do đó phải biết tận dụng. Chúa Giêsu thì không trì hoãn niềm vui cho Phêrô, cho các học trò: “hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Sau khi công bố về ơn ban đặc biệt mà Phêrô đã nhận biết Đấng Kitô Con Thiên Chúa, Thầy Giêsu đã lập Hội Thánh trên nền đá Phêrô, trên sự bé nhỏ hèn mọn, khác với sự thông thái khôn ngoan như các luật sĩ biệt phái. Ngay tự ban đầu, chắc chắn Phêrô đã mập mờ, không hiểu được hết giá trị của tình yêu và trách nhiệm với sứ vụ vừa được trao ban. Phêrô đã lấy tư cách vị trí đứng đầu trong nhóm 12, trấn an, can ngăn Thầy, và Thầy Giêsu đã quở trách, nhắc ông: Phêrô, hãy đi đằng sau Thầy. Dao sắc không gọt được chuôi ; áo mặc sao qua khỏi đầu ?
Mỗi ngày, từng người trong chúng ta vẫn đang tuyên xưng và xác tín niềm tin vào Thiên Chúa bằng việc tham dự Thánh lễ, chu toàn công việc hằng ngày trong tình bác ái, cùng yêu thương giúp đỡ mọi người. Nhưng đôi khi, chúng ta vẫn có những giây phút khước từ Thiên Chúa, vì chúng ta là con người thật và đầy yếu đuối trước mọi cám dỗ. Dầu vậy, mỗi ngày, Đức Giêsu vẫn yêu thương và mời gọi chúng ta hãy sống lời tuyên xưng của mình qua việc ăn năn sám hối mỗi khi lỡ lầm. Chính khi chúng ta nhận ra lỗi lầm của bản thân, biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và bắt đầu lại từ đầu, đó là sức mạnh cho chúng ta vững tin và nói được Thiên Chúa là ai đối với mình.
Thiên Chúa là ai mà tôi nên tin? Đó là nghi vấn người ta vẫn luôn đặt ra ở mọi thời đại. Người vô thần cho rằng người hữu thần (cụ thể là Kitô hữu) chỉ ảo tưởng và mơ hồ, nhẹ dạ, nên bị tôn giáo “ru ngủ” và mê hoặc. Người ta luôn muốn dùng các tiến bộ khoa học hoặc bất cứ thứ gì khác để chứng minh rằng “không có Thiên Chúa,” nhưng tất cả đều vô vọng. Đức Tin cần có lý trí, nhưng phải là lý trí trong suốt, dùng lý trí để cố ý chối bỏ và không tin thì hoàn toàn bất trị – ngôn ngữ @ gọi là bó tay chấm com. Người vô thần càng cố tìm cách chối bỏ Thiên Chúa thì chỉ gặp ngõ cụt, những người tin có kiếp luân hồi cũng bế tắc.
Thật vậy, một Saolê giỏi giang và bạo tàn đến thế mà rồi cũng đành phải “bó tay” trước Thiên Chúa để trở nên một con người hoàn toàn khác, một Phaolô thuần hóa và nhiệt thành rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh.
Khi ở trong chốn lao tù, ngôn sứ Gioan đã sai đệ tử đến gặp Chúa Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay còn phải đợi ai khác. Ngài không trả lời rõ ràng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Mt 11, 4-6) Dấu chỉ sự thật mãi mãi bất biến, nếu không nhận ra bởi vì người ta cố ý nhắm mắt, cố chấp.
Khi xét xử Chúa Giêsu, vị thượng tế cũng hỏi Ngài: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26, 63; Mc 14, 61) Chúa Giêsu cũng không xác định mà lại nói: “Chính ngài vừa nói.” (Mt 26, 64) Theo Thánh Luca, Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời.” (Lc 22, 67-68). Có thể chính chúng ta cũng đã hoặc đang có những lúc đặt vấn đề như vậy. Sự hoài nghi rất tinh vi nên không dễ nhận ra.
Đối với ta, Đức Kitô có đang sống hay không? Lặng nghe lời tuyên xưng của Tông đồ Phêrô, lòng ta vọng về câu hỏi ấy. Đức Kitô vẫn đang sống bên ta, ngay trong lòng ta, Người đã và đang dẫn ta bước đi trên hành trình cuộc đời. Có những lúc gặp sóng gió, thuyền đời ta lênh đênh mà chẳng thấy Người ở đâu, nhưng Người vẫn sống, bởi Người là Đấng Hằng Sống, Người là Thiên Chúa của tình yêu (1 Ga 4, 8).
Huệ Minh