Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 23 Tháng 6 2013 20:27

Gương thánh Gioan Baotixita cho Việt Nam hôm nay

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gương thánh Gioan Baotixita cho Việt Nam hôm nay





“Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

1. Từ lâu rồi, tôi tha thiết cầu xin Chúa soi sáng cho tôi biết, Chúa muốn các môn đệ Chúa cần bắt chước thánh Gioan Baotixita thế nào tại Việt Nam hôm nay.

Chúa soi sáng cho tôi dần dần. Có thể là tôi chưa đón nhận hết những gì Chúa đã dạy tôi. Hôm nay, tôi xin được phép chia sẻ phần nào. Vắn gọn thôi.

2.Thứ nhất, bắt chước thánh Gioan Baotixita, là đặt nặng vấn đề tu thân.

Tu thân nơi thánh Gioan Baotixita là ưa thích thinh lặng nội tâm, cầu nguyện, chiêm niệm, nghèo khó, khiêm nhường, yêu thương. Gặp thánh Gioan Baotixita dù trực tiếp, dù gián tiếp, bất cứ cách nào, người ta đều thấy ngay những nét tu thân nơi Ngài là rất ấn tượng. Những nét tu thân ấy toả ra một bầu khí thiêng liêng quý hiếm. Chúa dùng những nét tu thân như thế của thánh Gioan Baotixita để nói với các tâm hồn thời đó.

Thời nay, nhiều tâm hồn Việt Nam cũng đã nghe được tiếng Chúa qua những nét tu thân đậm đà của những ai tu thân theo gương thánh Gioan Baotixita.

Chính vì thế, mà lúc này nên xem xét kỹ những “ơn gọi” tự nhận là ơn gọi đi tu. Nhất là nên chấn chỉnh lại những nơi tự xưng là “nhà tu”.

Hiện nay, tại Việt Nam, “tu thân” vẫn còn được quý trọng, ngay tại gia đình. Hiện nay “tu thân” đang là một phục hưng quan trọng trong nhiều tôn giáo tại Việt Nam.

Còn Công giáo thì sao? Xem ra ở nhiều nơi tinh thần trần thế đang tục hoá đời tu, người tu và nhà tu. Tai hại sẽ khôn lường, nếu coi đó là một đổi mới được phép coi là bình thường.

3.Thứ hai, bắt chước thánh Gioan Baotixita là cảnh báo tình hình thực sự nguy hiểm.

Thánh Gioan Baotixita nói thực, nói rõ, nói mạnh về tình hình tội lỗi bấy giờ rất nguy hiểm. Ngài nói: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?... Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,7-10).

Cảnh báo tình hình là rất nguy hiểm về mặt thiếu đạo đức, đó là việc thánh Gioan Baotixita đã làm cho những người tin thờ Chúa, những người tự phụ có tổ phụ Abraham (x. Mt 3,9). Thời ấy, nhiều người có đạo đã được ơn trở lại, nhờ cảnh báo của thánh Gioan Baotixita.

4.Còn thời nay, tại Việt Nam, xem ra vẫn thiếu những lời cảnh báo mạnh dạn và thành thực như của thánh Gioan Baotixita. Thay vì cho thấy tình hình là nguy hiểm, thì lại quả quyết tình hình là tốt đẹp, không sao. Hoặc có cho thấy tình hình là nguy hiểm, nhưng lại đổ lỗi cho những nguyên nhân ngoài Công giáo, chứ Công giáo thì trong sạch, vô can. Chính sự không nhận ra mình tội lỗi mới thực là cực kỳ nguy hiểm.

5.Thứ ba, bắt chước thánh Gioan Baotixita là phải thực tình sám hối.

Sám hối theo thánh Gioan Baotixita là bỏ đàng tội, đền bù những gì tội lỗi mình đã gây ra, và hãy sinh ra hoa quả tốt. Ngài nhấn mạnh đến việc sinh hoa quả tốt. “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,8). Nghĩa là bỏ tội lỗi thì chưa đủ, mà còn phải làm việc lành. Việc lành mà thánh Gioan Baotixita chỉ rõ, đó là sửa lại những liên đới với mọi người (x. Lc 3,10-14).

6.Sám hối, mà thánh Gioan Baotixita rao giảng xưa là thế. Nay, chúng ta có nhận thức đúng như vậy không? Nhất là nhận thức về sự phải sửa lại những liên đới với mọi người. Sửa lại mọi liên đới là sao cho có công bình, bác ái, khiêm nhường trong mọi đối xử.

Tôi rất buồn và cũng rất lo, khi thấy sự sám hối mà thánh Gioan Baotixita rao giảng xưa, xem ra không được đón nhận một cách trân trọng tại Việt Nam hôm nay. Thực sự, có nói tới sám hối và cũng có làm việc sám hối. Nhưng sám hối theo nghi thức nhiều hơn là sám hối thực sự, mà Chúa muốn.

7.Thứ bốn, bắt chước thánh Gioan Baotixita là tin nhận và đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Thánh Gioan Baotixita cảnh bảo tình hình là rất nguy hiểm, con cái Chúa cần phải sám hối, sau cùng phải tin nhận và đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

“Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian’” (Ga 1,29).

Ngài xin mọi người đừng nhìn vào Ngài nữa, nhưng hãy tập trung vào Đức Giêsu: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

8.Tập trung vào Chúa Giêsu là phải cất đi bất cứ cái gì là rào cản, là màn che. Nhất là phải khiêm tốn tự mình lu mờ đi, để người ta dễ nhìn thấy Chúa Giêsu, dễ gặp được Người, dễ đón nhận Người.

Nhận thức điều thánh Gioan Baotixita dạy trên đây, tôi thấy mình cần phải rất tỉnh thức và khiêm nhường, nhất là phải mở rộng lòng tôi ra, để ơn Chúa Thánh Thần thanh luyện lòng tôi cho khỏi các thứ rắc rối.

Rắc rối là một thứ bệnh, xem ra của mọi người. Rắc rối là thích làm cho những gì đơn sơ thành phức tạp để rồi tìm cách tránh né điều căn bản cần thiết. Nhất là thích phức tạp để núp đàng sau những bức tường đạo đức này nọ, khỏi nhìn thấy chính Chúa Giêsu, vì sợ Người đòi hỏi nhiều điều người ta tự nhiên không thích.

9.Thứ năm, bắt chước thánh Gioan Baotixita là vâng phục ơn gọi thực sự là do Chúa.

Thánh Gioan Baotixita được Chúa gọi thực sự. Ơn gọi của Ngài được chứng minh rõ rệt qua những gì đã xảy ra cho ông Dacaria và vợ là bà Êlisabét (x. Lc 1,5-25). Ngài không tự mình xin ơn gọi đó. Ngài càng không bao giờ vận động cho mình được làm ngôn sứ của Chúa.

Ngài được gọi và được sai đi hoàn toàn do Chúa chủ động. Còn Ngài thì xin vâng một cách khiêm nhường phó thác.

Khiêm nhường phó thác suốt cuộc đời, trong mọi nơi mọi lúc. Nhờ vậy, Ngài nhận ra vinh quang của ơn gọi Chúa ban cho Ngài chính là được chết khổ đau, loan báo trước chính cái chết của Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người.

10.Nói thiệt là điểm thứ năm vừa trình bày trên đây đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy mình nhỏ bé. Với tinh thần thơ ấu Phúc Âm, tôi xin Chúa thương dìu dắt tôi trên mọi chặng đường của cuộc đời tôi. Cho dù tôi chưa cảm được vinh quang của ơn gọi Chúa dành cho tôi sẽ là những thánh giá như thánh Gioan Baotixita, và như Chúa Giêsu, nhưng tôi vẫn tin với lòng phó thác ở tình yêu Chúa, Đấng đã gọi tôi và đã sai tôi đi.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Gioan Baotixita, xin thương xót con. Con tin ở Chúa. Con cảm tạ Chúa. Con thuộc về Chúa.

Long Xuyên, ngày 17 tháng 6 năm 2013

ĐGM. GB Bùi Tuần

Read 1463 times Last modified on Thứ ba, 25 Tháng 6 2013 06:30