Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 08 Tháng 9 2023 17:35

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 18, 15-20)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

 

Suy niệm

 

Trong cuộc sống hàng ngày, không ai là một hòn đảo giữa đại dương, nhưng luôn được liên kết với nhau như một quần đảo, tạo nên sự nâng đỡ và nương tựa cho nhau, giúp nhau tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, trong xã hội tính, mỗi người đều có sự liên đới với nhau, kết nối với nhau, tạo nên một cộng đồng xã hội, nhờ xã hội tính này, con người có thể giúp nhau khai trí, khai tâm, để từng ngày giúp nhau thăng tiến mọi mặt của sự tồn tại một hữu thể. Trong những bài giáo huấn của Đức Giesu, Ngài cũng có những chủ đề hướng dẫn con người giúp nhau sống tình huynh đệ thiêng liêng, bên cạnh đó, Ngài cũng cảm thông cho phận người bất toàn, nên đã hướng dẫn con người giúp sửa lỗi cho nhau, giúp nhau hoàn thiện ơn gọi làm người và là một Kito hữu trưởng thành. Phụng vụ Lời Chúa tuần 23 thường niên, đặc biệt bài tin mừng, là một trong những chủ đề hướng đến đời sống cộng đoàn, hướng đến tình huynh đệ thiêng liêng qua thái độ trân trọng nhau trong việc sửa lỗi hàng ngày.

 

Với sứ mạng là người loan báo tương lai cho dân Chúa, các tiên tri đã làm tròn sứ mạng đó, đồng thời, các ông còn phải nhận lấy một trọng trách cao hơn, đó là hướng dẫn anh chị em trong cộng đoàn, đang gặp những khó khăn trong đời sống tinh thần, hãy cố gắng thay đổi, để khỏi mang lấy án phạt. Trách vụ đó đặt các tiên tri vào chỗ phải giúp anh chị em, nếu không, chính các ông phải đền nợ máu của những người tội lỗi kia: “Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: "Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết"; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi". Một trọng trách lớn lao, một bổn phận phải thực thi hàng ngày, đòi hỏi người tiên tri phải cố gắng, phải đồng hành và chia sẻ với những anh chị em đang có những vết thương lòng cần được cứu chữa. Thiên Chúa không muốn bất cứ ai phải chết, nhưng mọi người phải giúp đỡ nhau để được sống.

 

Để có một thân thể khỏe mạnh, mỗi chi thể cần liên kết với nhau, cần chia sẻ với nhau, thậm chí phải hy sinh chính mình để giúp nhau tồn tại và phát triển. Thánh Phaolo trong quá trình xây dựng cộng đoàn tại Roma, trở thành một cộng đoàn lớn, ngài đã khuyên bảo mọi người đừng lơ là trong việc tuân giữ lề luật, đừng coi thường anh chị em trong cộng đoàn, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về đời sống tinh thần: “ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham", và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình". Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật”. Thờ phượng một Thiên Chúa, yêu thương tha nhân như chính mình, là những giới răn quan trọng của Thiên Chúa, là kim chỉ nam cho đời sống cộng đoàn, vì thế, ai tuân giữ các lề luật đó, chính là những người biết thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong tinh thần và chân lý.

 

Không ai là một hòn đảo giữa đại dương, nhưng luôn có sự nối kết trong tinh thần và chân lý, để bản thân tồn tại, lớn lên và hoàn thiện ơn gọi làm người của mình. Để tạo nên sự nối kết chặt chẽ và ấm áp đó, mỗi người trước hết phải chân nhận mình là một con người, một tạo vật còn nhiều khiếm khuyết, còn thiếu sót nhiều, để rồi có thể mạnh dạn đón nhận sự giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành của anh chị em trong cộng đoàn: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế”. Sửa lỗi cho anh em không phải là một công việc đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi một sự can đảm của bản thân trước, đó là dám chấp nhận chính mình cũng là một tội nhân, một kẻ chẳng ra gì, để rồi có thể ngồi xuống bên cạnh người anh em, chia sẻ, giúp đỡ và cùng nhau gỡ ra những mối dây rối ren.

 

Câu chuyện Cain và Abel, hai anh em trong một gia đình, chỉ vì ganh tị, chỉ vì ích kỷ, đã kết án nhau, đã hủy hoại cuộc đời nhau. Trước cái chết của người em, Thiên Chúa đã hỏi tội người anh. Từ trời cao, Thiên Chúa đã thấy những tội ác con người gây ra cho nhau, tính liên đới gia đình không thể chia tách bất cứ thành viên nào ra khỏi cộng đoàn yêu thương của gia đình. Vì thế, Thiên Chúa đã đòi nợ máu của Abel nơi người anh ruột thịt là Cain. Hình ảnh một gia đình có những câu chuyện đáng thương đó, gợi về cho con người hôm nay, khi gia đình nhân loại đang bị chia cắt bởi sự tham lam, bởi tính ích kỷ. Tham lam vì làm sao cho đất nước mình giàu có, dân tộc mình hiện đại, văn minh hơn các dân tộc khác, do đó, họ đã chiếm đoạt, đã cướp phá và hủy hoại các dân tộc khác. Tính ích kỷ của con người phần nào đang giết chết gia đình nhân loại. Vì không muốn ai hơn mình, không muốn ai giỏi giang và thánh thiện hơn mình, nên họ sẵn sàng loại trừ nhau bằng ngôn ngữ, loại trừ nhau bằng bom đạn, chiến tranh và loại trừ nhau bằng sự hủy diệt hàng loạt. Thế giới đâu thiếu những phương tiện, những khả năng để giúp nhau có một đời sống tinh thần bình đẳng, có một đời sống kinh tế ổn định và phát triển. Chỉ vì thiếu thốn tình người, chỉ vì thiếu đi một chút tình thương của Tin mừng, con người đã đưa nhau đến bến bờ của khổ đau và hủy diệt.

 

Tinh thần hiệp hành của Mẹ Giáo hội như là một định hướng mới cho con cái, khi họ đang sống trong một nền văn minh sự chết. Người giáo dân không thể thờ ơ trước vận mạng của đất nước, của dân tộc mình, càng phải tôn trọng người Mẹ thiên nhiên đang từng ngày ban tặng cho con cái những món quà từ cuộc sống, đó là ánh sáng, bầu khí quyển và tài nguyên thiên nhiên. Ai cũng cho rằng, Thiên Đàng chỉ dành riêng cho tôi, nên đời sống tôn giáo của họ cũng đóng khung trong một phạm vi nhất định, chưa dám dấn thân, chưa dám lan tỏa tinh thần Tin mừng theo sự mong muốn của Mẹ Giáo hội. Cùng với sự tồn tại của chủ nghĩa cá nhân, người tín hữu Kito hôm nay, đang xây dựng một khuôn mẫu sống đạo theo xu hướng của xã hội, chỉ biết cộng đoàn mình, giáo xứ mình, gia đình mình, thiếu đi một chút quảng đại của tình huynh đệ thiêng liêng, thiếu đi một chút của tinh thần hiệp hành, cùng nhau xây dựng nhiệm thể Chúa Kito, là gia đình Giáo hội. Những yếu tố đó đang bào mòn tình huynh đệ thiêng liêng của con người, dẫn đến chỗ không dám chấp nhận tính bất toàn của mình, chưa thể khiêm tốn cúi mình nhận lỗi trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Thế thì làm sao đủ điều kiện để sửa lỗi và giúp anh em thoát khỏi vòng kim cô của tội lỗi và sự chết.

 

Phương tiện truyền thông hôm nay đang phát triển chóng mặt, tác động rất nhiều đến việc xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn. Từ gia đình, các trang mạng xã hội đã gây ra không biết bao đau khổ cho tình yêu vợ chồng, gây ra không biết bao thương đau cho tình Cha Mẹ và con cái. Bước ra khỏi gia đình, bạn bè là một tương quan tích cực trong mọi tương quan, thế nhưng, con người đã nói xấu nhau, đã có những cách thế để dìm nhau xuống hố sâu đau khổ. Không phủ nhận những đóng góp lớn của truyền thông, nhưng mặt trái của nó đã và đang gây ra cho con người bao đau khổ, bao thách đố và đánh mất những giá trị truyền thống nơi gia đình, đánh mất những tình bạn cao đẹp trong cuộc sống và thậm chí đang ngầm phá hoại cả những giá trị tôn giáo, những giá trị thiêng liêng nhất của con người.

 

Lạy Chúa, để tình yêu Ba Ngôi của Ngài được hiển danh, Ngài mong con người hãy họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu đó trong cuộc đời của mình và tha nhân, từ đó, Ngài muốn con người giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau vượt qua những phút giây lầm lỗi, xin giúp chúng con can đảm nhìn nhận sự khiếm khuyết của mình, nhìn nhận tình huynh đệ thiêng liêng giữa mọi người với nhau trong gia đình, trong cộng đoàn, để chúng con mạnh dạn thực thi lời dạy của Chúa. Chúa mong con người hãy giúp nhau nên thánh trong từng ơn gọi và hoàn cảnh, xin hướng dẫn chúng con biết những việc phải làm, khi chúng con cùng nhau thực hiện, xin hướng dẫn mỗi người biết lắng nghe, tôn trọng và đón nhận trong tâm tình chân thành và yêu thương nhau. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 266 times Last modified on Chủ nhật, 10 Tháng 9 2023 06:27