Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 30 Tháng 6 2013 06:56

Không có Chỗ tựa đầu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Chúng ta cần phải từ bỏ, cần phải ra trống không để tình yêu Thiên Chúa được đổ đầy, và để có ngài trong cuộc đời mỗi chúng ta.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nghe bài suy niệm Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm C

 

“Cáo có hang, chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” (Luca 9:58). Nghe câu này, phần đông sẽ cho rằng Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời mặc xác phàm, giáng sinh làm người sao mà nghèo nàn và bần cùng đến thế. Chẳng lẽ lại thua cả loài chồn cáo, và chim trời về nơi ăn, chốn ở sao. Và như vậy, theo ngài thì được cái gì?! Không những thế, điều kiện lại hết sức khó khăn. Đây chính miệng ngài nói với những ai muốn theo mình: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mọi ngày mà theo” (Luca 9:23). Và ngài còn đòi hỏi gắt gao là không được đứng núi này trông núi khác. Không được theo ngài nửa vời: “Ai cầm cày mà còn quay trở lại thì không xứng đáng với nước Thiên Chúa” (Luca 9:62).

LÀ CHỦ TỂ TRỜI ĐẤT

“Con người không có chỗ dựa đầu”. Đúng vậy, nếu chúng ta coi ngài là Thiên Chúa, là chủ tể càn khôn, thì có nơi nào mà chứa nổi ngài. Và tìm đâu được chỗ cho ngài gối đầu, vì toàn thể vũ trụ bao la là của ngài.

Khi Chúa Giêsu trả lời người muốn hỏi nơi ngài đang ở, ngài chỉ nói một cách bóng bẩy là: “Cáo có hang, chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” (Luca 9:58 ). Điều này mới nghe qua khiến chúng ta có cảm tưởng là theo ngài sẽ không có bảo đảm, không có tương lai, và không thực tế. Bởi vì không thể đi theo một người mà ngay đến một nơi để dựa đầu cũng không có. Một người như vậy, theo một nghĩa nào đó, có thể gọi là “mát”. Lang thang đầu đường, xó chợ. Nay đây, mai đó. Lấy đâu làm điểm tựa, làm bảo đảm cho cuộc đời.

Nhưng câu nói của Chúa Giêsu, nếu hiểu theo cái nhìn mang tính cứu độ, chúng ta mới thấy rằng, “Chúa không có nơi dựa đầu” không phải là không có, mà là không đâu đáng để cho ngài dựa đầu. Cả vũ trụ càn khôn này là của ngài, và ngài chính là đấng đã tạo dựng nên nó. Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể, đã đến để nói với nhân loại rằng, Thiên Chúa mới là đấng làm chủ vũ trụ. Và vũ trụ, trong đó có con người là thuộc về ngài. Con người thật có phúc vì đã được ngài chỉ cho biết đấng mình cần phải tôn thờ, và phục vụ. Đi theo ngài, làm môn đệ ngài là một mối lợi và là một hồng phúc lớn lao. Con người sẽ không phải lo gì, sợ gì khi từ bỏ tất cả vì ngài.

TẤT CẢ CHO KẺ YÊU MẾN NGÀI

“Con người không có chỗ dựa đầu”. Chúa Giêsu sau khi đã gián tiếp nói về vai trò làm chủ vũ trụ của mình, ngài còn muốn cho chúng ta biết rằng, vũ trụ bao la này là thuộc về con người. Tất cả cho những ai yêu mến ngài.

Nhưng để được ngài, và để có chỗ cho ngài trong cuộc đời, chúng ta phải từ bỏ đi cái nhỏ bé, thấp hèn, và cái vật chất của kiếp sống con người của mình. Điều kiện ấy, Chúa Giêsu đã nói rất rõ: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mọi ngày mà theo” (Luca 9:23).

Muốn theo ngài, muốn làm môn đệ ngài, tuy nhiên, không hẳn là khó khăn quá sức mặc dù mới nghe qua điều kiện của ngài, ai cũng cho rằng đó lại cũng là điều vô lý và không ai có thể thực hiện được “từ bỏ mình”. Từ bỏ mình, một nghĩa nào đó cũng là chết.

Không những chỉ phải bỏ mình mà còn “vác thập giá mình mọi ngày”. Điều này cũng lại là điều xem như nghịch lý. Một người đã chết thì không bao giờ vác được thập giá hay bất cứ một vật gì.

Hơn nữa, sự từ bỏ mà ngài đòi hỏi còn mang tính quyết liệt, một khi đã chấp nhận bước vào thì không được phép và không có lý do để xét lại: “Ai cầm cày mà con quay trở lại thì không xứng đáng với nước Thiên Chúa” (Luca 9:62).

Tuy nhiên, chúng ta cũng lại phải hiểu lời Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng, vì dưới ánh sáng này, mới khám phá ra rằng sự từ bỏ ở đây chính là cho phép Chúa Giêsu được đến, được đồng hành, và được tham dự vào cuộc sống của mỗi người chúng ta.Vì ngài là tất cả. Vì toàn vũ trụ còn chưa chứa nổi ngài, huống chi một con người, một tâm hồn nhỏ bé mà lại còn mang vướng, còn ôm đồm, còn chứa chấp những cái thuộc về thế giới hữu hạn này, thì làm gì còn chỗ cho ngài. Do đó, việc từ bỏ là một đòi hỏi hết sức cần thiết.

Chúng ta cần phải từ bỏ, cần phải ra trống không để tình yêu Thiên Chúa được đổ đầy, và để có ngài trong cuộc đời mỗi chúng ta. Như Thánh Tiến Sỹ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nhận xét, mức độ đón nhận và hiểu biết Chúa là tùy ở dung tích rộng hay hẹp, cao hay thấp, và to lớn hay nhỏ bé của tâm hồn. Và dung tích tâm hồn lại tùy ở chỗ con người biết từ bỏ. Từ bỏ nhiều có chỗ nhiều cho Chúa. Từ bỏ ít, có chỗ ít cho Chúa. Tóm lại, Chúa luôn sẵn sàng và trở thành tất cả cho mỗi chúng ta, miễn là chúng ta biết dành cho ngài một chỗ xứng đáng và trang trọng trong cuộc đời của mỗi người.

THIÊN CHÚA Ở TRONG LÒNG NGƯỜI

“Con người không có chỗ dựa đầu”. Nếu ngài không có chỗ dựa đầu một cách thể lý, hữu hình, thì trong phương diện tâm linh, tâm hồn mỗi người chúng ta chính là chỗ lý tưởng để ngài dựa đầu nghỉ ngơi trên hành trình truyền đạo. Và đó cũng là nhà của ngài. Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ở trong anh em sao?” (1Cor 3:16).

Như vậy tâm hồn chúng ta, và ngay cả thân xác chúng ta chính là nơi mà Thiên Chúa muốn nói đến khi ngài trả lời câu hỏi về nơi mà ngài ở. Nếu toàn thể vũ trụ không xứng đáng và không tìm đâu ra chỗ cho ngài gối đầu, thì mỗi người chúng ta và tâm hồn chúng ta chính là chỗ đó. Chính là nơi mà Thiên Chúa tìm được chỗ để nghỉ ngơi, để cư ngụ.

Đây là điểm mà ở vào thời đại chúng ta đang sống càng thấy ứng dụng. Bởi vì Chúa Giêsu đã về trời rồi, tìm đâu ra ngài được, nếu không tìm thấy nơi chính cuộc sống của mỗi Kitô hữu. Bởi vì nơi con người Kttô hữu, và trong cuộc sống người Kitô hữu, chúng ta và những người khác tìm được Chúa.

Ngoài ra, việc Thiên Chúa ở trong tâm hồn và cuộc đời mỗi chúng ta còn nói lên điều này, cuộc sống và sự hiện diện của mỗi người trên cõi đất này mang một ý nghĩa hết sức lớn lao và hết sức quý trọng. Chúng ta không được coi thường chính mình, coi thường mạng sống mình. Và chúng ta cũng không được coi thường một ai khác cũng như mạng sống của họ. Phá thai, cưỡng đoạt tự do, và hà hiếp bóc lột nhau dưới bất cứ hình thức nào là một trọng tội, vì nó xúc phạm đến Thiên Chúa là chủ vũ trụ, trong đó có vũ trụ riêng tư của mỗi con người. Và sự xúc phạm ấy trực tiếp xúc phạm đến đấng đang có mặt trong cuộc sống ấy, trong thân xác ấy.

Đây cũng là điều mà chúng ta cần phải học khi sống đạo và thực hành đạo. Phô trương, hình thức, và tất cả những hào nhoáng bên ngoài đều không có ý nghĩa. Bởi vì nó không nói lên được điều mà Chúa Giêsu muốn nói, là cần phải tìm gặp và đón nhận Chúa trong chính con người và cuộc sống mỗi người. Nghi lễ là cần thiết, những hình thức thờ phượng bên ngoài là cần thiết, nhưng cao trọng hơn, đầy đủ và ý nghĩa hơn vẫn là thờ phượng, tế lễ Chúa trong lòng và trong chính cuộc sống chứng nhân. Một cuộc sống dám từ bỏ tất cả để có chỗ cho Chúa trong cuộc đời. Và để mỗi lần nghe Chúa nói: “Cáo có hang, chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu”, chúng ta có thể thưa lại với ngài: “Chúa không biết con là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ở trong con sao”. Mời Chúa đến và nghỉ ngơi trong nhà của mình. Này con đây.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

Read 1659 times Last modified on Thứ ba, 02 Tháng 7 2013 05:51