Hãy Vui Lên! Hãy Vui Lên! SN_Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B
Posted by Hồng BínhBài Hát: Vui Lên Si On
Nhạc: Lm Thành Tâm
Thể Hiện: Đang Cập Nhật
Nghe Suy Niệm Audio
Thế giới hôm nay với bao nhiêu trò tiêu khiển được mời gọi, rao bán, và phổ biến rộng rãi trên báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, hoặc các màn điện toán. Những thứ được phép, công khai cũng như những thứ lén lút, dấu đút và bị ngăn cấm. Những trò giải trí, vui chơi cho người lớn cũng như những trò giải trí, vui chơi cho trẻ em. Các sòng bài mở cửa ngày đêm, quanh năm, suốt tháng. Những bãi biển khiêu gợi thu hút hàng triệu khách vãng lai. Nhiều hộp đêm, tiệm nhẩy, các nhà hàng hoạt động tấp nập. Người ta vẫn vui vẻ dựng vợ, gả chồng. Một lần, hai lần, có khi đến ba hoặc bốn lần. Lấy người này, bỏ người kia, lấy đi rồi lấy lại. Như vậy, con người không khỏi lấy làm buồn cười khi nghe thánh Phaolô nói với mình: “Hãy vui lên” (1 Thes 5:16).
Căn cứ vào cái ồn ào, hào nhoáng như chúng ta thấy hiện nay, ai dám bảo con người ngày nay vui. Đúng ra chỉ có những kẻ thiếu tiền, thiếu sức khỏe, thiếu thời giờ để “hưởng”, để “ăn chơi” thôi, chứ thiếu gì thú vui, thiếu gì chỗ giải trí mà cần phải đề cập đến chuyện vui, hoặc cần phải nghe Thánh Phaolô hô hào..
Nhưng coi chừng. Điều thánh Phaolô nói là điều có thật. Con người hôm nay thiếu niềm vui là chuyện có thật. Con người trong cái bóng ma của nền văn hóa sự chết rất cần phải nghe và hiểu lời Thánh Phaolô: “Hãy vui lên”. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tâm hồn. Một thứ bình an và vui vẻ mà các thiên thần trong đêm Chúa Cứu Thế giáng trần đã chúc mừng cho con người: “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14). Thứ bình an mà những hào nhoáng, những nhộn nhịp, ồn ào như chúng ta đang thấy không thay thế được. Vì thế, Thánh Phaolô đã thêm: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi sự hãy tạ ơn Thiên Chúa” (1 Thes 5:17-18).
Cầu nguyện không ngừng và tạ ơn Chúa trong mọi sự. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu thời Ngài. Và đó cũng là điều mà Giáo Hội dùng để nhắc nhở với chúng ta trong Chúa Nhật III Mùa Vọng, gần kề lễ Giáng Sinh, một biến cố mà muôn dân hằng mong đợi. Một biến cố mà qua đó, Thiên Chúa Ngôi Con đã hòa mình đến giữa nhân loại. Chia sẻ và đồng hành với nhân loại trên đường về trời. Nhất là đã đến để mang lại ơn cứu độ cho nhân lọai. Và đó là miền vui lớn, niềm vui mà Thánh Phaolô sợ chúng ta quên nên phải nhắc lại. Niềm vui mà Giáo Hội muốn chúng ta nhớ đến để chuẩn bị lòng trí đón mừng và giữ lấy. Chính Gioan Tiền Hô cũng đã xác nhận và cho biết về hạnh phúc, niềm vui, và sự bình an này. Qua vai trò và hành động của ông, người Do Thái đương thời đã tưởng nhầm ông là chính niềm vui phải đến ấy. Là ánh sáng cần thiết soi dẫn con người vượt qua bóng đêm tử thần ấy. Là Đức Kitô muôn dân mong đợi ấy. Nhưng ông đã cho họ biết ông không phải. Chính ông cũng là người đang mong đợi, đang trông chờ niềm vui và sự bình an này, và Đấng đang đến khiến ông không đáng cởi dây giầy của Ngài.
Bài học Gioan Tiền Hô, và sự lầm lẫn của người Do Thái dẫn chúng ta đi sâu hơn vào ý nghĩa của lời Thánh Phaolô Tông Đồ là chúng ta phải vui lên, nhưng là niềm vui trong Chúa. Niềm vui này rất quí giá và khó kiếm tìm, nhiều lúc tưởng như mình đã thấy, đã chiếm hữu được nhưng thực ra đó chỉ là bóng dáng bình an, bóng dáng hạnh phúc., như người Do Thái đã tưởng họ thấy và có Đấng Thiên Sai ở bên mình là Gioan Tiền Hô. Nhưng thực tế, Gioan Tiền Hô chỉ là người không đáng cởi dây giầy cho Đấng Thiên Sai. Nhiều lần ta cũng tưởng như đã có Chúa, đã chiếm đoạt được Ngài, nhưng thực tế lại chỉ là những mơ ước hão huyền, những mơn trớn của giác quan và của lòng kiêu căng tự phụ. Ta vẫn chưa chiếm hữu, chưa hiểu và chưa thấy Chúa thật. Và đó là lý do tại sao Giáo Hội muốn chúng ta phải luôn sẵn sàng, luôn chuẩn bị, và đợi chờ Chúa đến.
Nhưng Chúa đến ở đâu và bao giờ? Ngày trước, Chúa đến qua hình hài một trẻ thơ. Sinh ra tại đồng quê Bêlêm, giữa một đêm đông lạnh giá. Nhưng hôm nay và trong ý nghĩa cứu độ, Thánh Phaolô lại cho chúng ta thấy Ngài đến với chúng ta mỗi ngày, trong mọi hoàn cảnh, và ở bên ta suốt trong cuộc sống.: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Và trong mọi sự anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa.” Ý nghĩa thần học này cần thiết để con người tìm được ý nghĩa thật của niềm vui. Nó nằm ở chỗ con người biết khám phá ra Chúa trong mọi sự, và biết hòa đồng với nhận thức này bằng lời cầu xin và cảm tạ. Nó cũng phản ảnh tư tưởng mà Isaia đã nói hơn 500 năm trước ngày Chúa xuống trần. Qua cái nhìn xuyên thấu không gian và thời gian, Isaia đã gọi Ngài là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Hãy vui lên. Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy cảm tạ Chúa trong mọi sự. Đó là cốt lõi hạnh phúc của đời người. Đó là ý nghĩa sống động của hành động con người khám phá và tìm gặp Thiên Chúa. Và đó cũng là ý định của Ngài khi xuống với con người từ nơi cao thẳm. Ngài thì hòa mình và ở cùng con người. Phần con người thì khám phá ra Ngài, và đón nhận Ngài trong chính cuộc sống của mình. Và một khi con người tìm gặp Thiên Chúa, và có Ngài ở trong đời, lúc đó con người sẽ có niềm vui và hạnh phúc.
Hãy vui lên. Hãy quên đi những thử thách, đắng đót và đau khổ cuộc đời. Hãy làm cho cuộc đời thêm giá trị và hạnh phúc bằng cách vui vẻ và tìm gặp Chúa trong cuộc sống. Bằng cách làm tròn ý định của Ngài nơi mỗi cuộc đời. Và bằng cách biết cảm tạ Ngài với tấm lòng biết ơn mọi ơn lành, mọi thử thách, và mọi đắng cay cuộc đời. Vì dù là vui hay buồn. Dù là thất bại hay thành công. Dù giầu hay nghèo. Dù bệnh tật hay khỏe mạnh. Và ngay cả dù khi ta đau yếu, tật bệnh về tâm linh. Tất cả hãy đem chúng hòa với tình yêu, lời cảm tạ, và biết ơn Thiên Chúa, vì tin rằng tất cả những thứ đó cần thiết để chúng ta sống bình an, sống tin tưởng với chính mình, với than nhân, và với chính Đấng đã đến để ở giữa chúng ta và vì chúng ta. Hãy vui lên. Hãy vui lên trong Chúa.
T.s. Trần Quang Huy Khanh