tháng 12 năm 2023
1.12 Thứ 6, đầu tháng, Tuần 34, Thường Niên. Các bài đọc: Đn 7,2-14; Lc 21,29-33.
TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI
Tinh tế một chút, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu qủa là một nhà sư phạm nổi tiếng. Ngài luôn dùng những dụ ngôn rất chân thực và gần gũi với cuộc sống con người.
Trang tin mừng hôm nay, thánh sử Luca đã giúp chúng ta hiểu hơn về điều Chúa dạy qua dụ ngôn cây vả.
Sau khi giải thích cho các môn đệ về những điềm báo trước về việc Đền thờ và thành Giêrusalem bị sụp đổ, Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để chứng thực cho điều Ngài vừa dạy. Chúng ta biết mọi sự Chúa dựng nên đều tuân theo một quy luật tự nhiên của nó. Cũng vậy, cây vả đến mùa thì đâm bông nảy lộc, thì đồng thời cứ dấu hiệu đó, người ta biết mùa hè đã đến gần. Như vậy, khi thấy “những điều đó” (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.
Đức Giêsu báo trước trong ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sẽ có những điềm lạ xảy ra trên trời dưới đất làm mọi người kinh sợ. Dĩ nhiên các môn đệ muốn biết ngày nào việc ấy xảy ra, Nhưng Đức Giêsu không nói rõ mà chỉ đưa ra dụ ngôn về cây vả để báo trước ngày đó.
Một lần nữa, Đức Giêsu khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi” (Mc 13,32). Đúng vậy, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thì Ngài biết điều đó, nhưng với tư thế là con người nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết.
Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế ? Thánh Augustinô đã trả lời dứt khoát: “Việc này hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa”. Nơi khác, ngài còn nói: “Đức Giêsu không cho biết ngày của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người”.
Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới, nhưng chúng ta biết chắc chắn ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.
“Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (x. Youcat số 51).
Có khi nào chúng ta tự hỏi trong suốt ba mươi năm dương thế Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài đi tới những đâu? Các sách Tin mừng đều chỉ cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã phụ giúp Thánh Cả Giuse và mẹ Maria với nghề thợ mộc. Nhìn bên ngoài cuộc sống có vẻ bình thường, nhưng không tầm thường chút nào, vì đó là thời gian ẩn dật để Ngài cầu nguyện, thời gian để Ngài chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng. Chính thời gian đó giúp Ngài đủ can đảm và vâng phục thánh ý Chúa Cha trước biến cố Tử nạn và Phục sinh. Bình thường, khi mặt nước đã trong chúng ta mới nhìn thấy được những bụi bẩn, những cỏ rác trong hồ. Tâm hồn con người chỉ tìm thấy sự bình an, khi sống trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, sự tĩnh lặng của ơn thánh. Một sự tĩnh lặng, mà nhờ ánh sáng Thiên Chúa gạn đục đi những yếu hèn, những bất toàn...và khơi lên trong tâm hồn họ một trái tim yêu thương, một niềm hy vọng bừng sáng như hai môn đệ trên đường E-mau.
Cuộc sống chúng ta rất cần những phút tĩnh lặng như thế, để lắng nghe tiếng nói của trái tim, để quan sát những chuyển động của cuộc sống và để sắp xếp lại những hỗn độn của tâm hồn. Sự thinh lặng nội tâm giúp con người đọc lại cuộc đời của mình, nhờ đó mà con người nhận ra dù có nhiều khó khăn thử thách, thì Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng yêu thương với con cái của Người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức, để đọc được ý nghĩa của từng biến cố cuộc sống. Mỗi biến cố xảy đến là một dấu chỉ mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa: mỗi biến cố xảy đến đều ẩn chứa một tiếng gọi của Ngài. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận ơn Chúa trong cuộc sống. Nhạy bén với những dấu chỉ hiện tại. Hướng lòng về những chuyện tương lai. Hành động đón chờ phải là hành động của kẻ đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế tỉnh thức chờ đợi để đón nhận ơn Chúa.
Tất cả mọi thứ Chúa dựng nên đều tuân theo một quy luật tự nhiên. Những tín hiệu của tiết trời báo cho chúng ta những khoảng thời gian cụ thể trong một năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Cây vả tới mùa đâm bông nảy lộc đó là dấu hiệu, biết mùa hè đã đến gần.
Sự hiện diện của Ðức Giêsu là dấu chỉ triều đại nước Thiên Chúa đã xuất hiện. Ðó là niềm vui cho những tâm hồn ngay chính. Hãy ngẩng đầu lên để đón mừng ngày vinh quang đã tới. Chúa Giêsu mượn hình ảnh cây vả và các cây khác đâm chồi nảy lộc để gói ghém niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp đến: Thời kỳ đâm chồi nảy lộc để sinh hoa trái hầu được cứu độ trong ngày Chúa đến…
Thật thế, qua từng biến cố của cuộc đời, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa, để biết, nhận ra và thực thi ý Ngài. Nhờ đó chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời: Sinh hoa trái. Cuộc đời mang những tín hiệu loan báo Đức Giêsu đang hiện diện.
Chính khi chúng ta nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời, chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày: Như cây vả đâm chồi nảy lộc, chuẩn bị cho ngày Chúa quang lâm, ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên nước Trời.
Huệ Minh