( Suy niệm CN XV TN C – Lc 10,25-37 )
Cứ mỗi lần đọc bài Tin mừng theo thánh Luca đoạn kể câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, bản thân thấy nhột gáy làm sao. Vẫn biết đây là một câu chuyện kể, nhưng không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại dùng sự hững hờ của một thầy tư tế và một thầy trợ tế (Lêvi) để làm nổi rõ lòng nhân ái của một anh em lương dân hay là dân ngoại nói theo kiểu của người Do Thái thời bấy giờ. Dù rằng trong văn chương thường có những thủ pháp, chẳng hạn dùng thủ pháp tạo sự tương phản để nhấn mạnh chủ đề muốn nói. Thế nhưng nội dung câu chuyện vẫn khiến ta giật mình. Là Kitô hữu, chúng ta đều rõ trọng tâm của đời sống chúng ta là đức ái. Đề tài đức ái quả là bao la và đã có nhiều Đấng khai triển. Ở đây chỉ xin mạo muội mạn bàn đôi nét về câu nói của Chúa Cứu Thế với người luật sĩ lúc bấy giờ: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).
Không ai là không ham muốn được sống đời đời như vị luật sĩ bấy giờ. Thế mà để được sống đời đời thì Chúa Kitô lại truyền hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu. Đó là nhận biết ta là anh em của những ai, là nhận biết những ai đang cần đến lòng xót thương của Thiên Chúa qua chúng ta và thực thi bác ái với họ. Để làm được như người Samaritanô, thiết tưởng cần phải ra đi. Chúa Giêsu không chỉ truyền dạy “hãy làm như vậy” mà Người đã thêm hai từ “hãy đi”. Để có thể sống yêu thương, ta cần phải ra đi. Xin được chia sẻ bốn chiều kích ta cần phải đi ra để có thể biết ta là anh em của những ai, để có thể thực thi đức ái với người đang cần lòng thương xót.
1. Đi ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình: “Chim có tổ, chồn có hang, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58). Ba năm rong duổi trên các nẻo đường Palestina, Chúa Giêsu đã sống đức ái với nhiều người thuộc mọi hoàn cảnh. Nhờ ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình mà Chúa Giêsu đã đến được với người Do Thái lẫn anh chị em lương dân, với người Giuđêa, người Galilêa lẫn người Samaria và đặc biệt với đại đa số người bệnh tật, bé nhỏ, nghèo hèn… vốn là những người đang cần lòng thương xót của Người hơn hết.
Xin tạ ơn Chúa vì đã và đang có nhiều vị mục tử tốt lành không dừng lại ở những dịp kinh lý định kỳ mà còn tích cực ra khỏi vị trí yên ổn của mình để đến với nhiều đàn chiên vùng sâu, vùng xa, nghèo hèn để thể hiện đức ái. Quả thật, dù biết phải sống đức ái, dù muốn trở nên người thân cận, người anh em với những người cần đến lòng thương xót của Chúa mà nếu không can đảm và tích cực ra đi, ra đi khỏi vị trí yên ổn của mình thì cái muốn và điều biết kia sẽ khó thành hiện thực.
2. Đi ra khỏi định kiến của mình: “Người này cũng là con cái của Abrraham” (Lc, 19,9). Chúa Giêsu đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về những người thu thuế. Giakêu đã nhận được lòng xót thương của Chúa. Lêvi (Matthêu) đã trở nên môn đệ, trở thành bạn hữu của Chúa. Chúa Giêsu cũng đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ vê người lương dân, anh em ngoại giáo, người Samaria . Người đã đến nhà viên đại đội trưởng, đến gặp và xin nước với chị phụ nữ Samaria trên bờ giếng Giacop… Ra khỏi định kiến của mình là một trong những điều kiện cần có để ta có thể tiếp cận với tha nhân như là người anh em với chúng ta, như là người cần đến lòng thương xót của Chúa qua chúng ta.
Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, đặc biệt qua Công Đồng Vatican II không chỉ là mở cửa ra với thế giới mà còn đã biết đi ra khỏi cái nhìn phiếm diện với anh chị em lương dân, với bà con khác đạo và với cả người vô tín, để rồi tích cực sống đức ái trọn hảo. Không ra khỏi định kiến với một ai đó thì ta khó mà thực sự yêu thương họ như là người anh em.
3. Đi ra khỏi lề thói vị luật, vụ luật: Rất có thể vị Tư tế và vị trợ tế trong bài Tin Mừng ở trên vì câu nệ về qui định của luật tế lễ nên đã bỏ qua người anh em đang lâm nạn. Nhiều luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu đã không ra khỏi sự cứng nhắc vô tình vì vị luật và cả vụ luật. Chính vì thế mà con tim của họ đã hóa chai đá trước bao nỗi khổ của đồng loại. Chúa Giêsu đã nhiều lần cố tình vi phạm luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ để rồi đề cao luật đức ái: Luật đức ái là luật trên các luật.
Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, qua Bộ Giáo luật 1983 đã làm nỗi rõ ý tưởng này trong các nguyên tắc chính của bộ luật. “Đành rằng yêu thương là giới răn cao trọng nhất của Kitô giáo, đành rằng Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý, nhưng tính cách xã hội của Hội Thánh đòi hỏi một chiều hướng pháp lý tối thiểu…” (Nguyên Tắc thứ nhất). Dù rằng nguyên tắc này nhấn mạnh đến vai trò lề luật trong Hội Thánh xét như là một xã hội, thế nhưng vẫn nhìn nhận rằng yêu thương là giới răn cao trọng nhất. Tiếp đó qua Nguyên Tắc thứ hai và thứ năm, Hội Thánh trình bày một tinh thần vượt lên trên lề luật. “Giáo luật không thể mang lại ơn cứu rỗi được, bởi vì ơn cứu rỗi là kết quả của ơn thánh và sự hợp tác của lương tâm mỗi người. Giáo luật phải biết nhìn nhận và tôn trọng lương tâm ”(Nguyên tắc thứ hai); “Luật pháp không thể chỉ nhằm cổ võ trật tự công cộng, nhưng còn để ý đến việc thăng tiến con người xét như là nhân vị nữa” (Nguyên tắc thứ năm). Một người sống “vị luật”, câu nệ luật, lợi dụng luật thì khó có thể yêu thương tha nhân như là anh em.
4. Ra đi khỏi vị thế cao quý của mình: “ Vậy, nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu đã đi ra khỏi vị thế là Thầy, là Chúa của mình để làm tôi tớ cho các môn đồ và để hầu hạ mọi người. Người đã tự nguyện ra khỏi vị thể là Chủ Tể của mình để làm huynh đệ với các môn sinh. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa…Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định chân lý này bằng bài ca tự hủy trong thư gửi tín hữu Philipphê. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Phil 2,6-1).
Tạ ơn Chúa, các Vị chủ chăn Hội Thánh gần đây đã bỏ dần đi sự hào nhoáng mang dáng dấp của vua chúa thời phong kiến như chuyện Đức Phaolô VI bán đi cái mũ ba tầng để giúp người nghèo và nhất là Đức Phanxicô hiện nay. Các Ngài không chỉ tự xưng trong các văn kiện mà còn tích cực hành xử trong cụ thể như là “tôi tớ của các tôi tớ”. Quả thật khi ta chưa bỏ mình đi, chưa ra khỏi cung cách vị vọng trong thái độ sống thì ta khó mà cúi xuống để băng bó vết thương, để rửa chân cho người đang cần lòng xót thương của Chúa qua chúng ta.
Để biết ta là anh em của những ai, để tỏ lòng nhân ái với người cần lòng xót thương, không gì hơn hãy vâng nghe lệnh truyền của Đức Kitô: Hãy làm như người Samaritanô nhân hậu. Để làm được điều này, thiết tưởng không thể ở mãi trong vị trí yên ổn của mình, trong định kiến của ta về tha nhân, trong cách thế vị luật, trong vị thế cao quý của mình. Để được sống đời đời, không thể không sống đức ái. Để sống đức ái, không thể không ra đi. Kết thúc Thánh Lễ chúng ta được chúc ra đi bình an. Đây cũng là lời chúc ra đi để sống tình yêu thương.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.