Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 2, 1-12)
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Suy niệm
Sau khi tội lỗi xuất hiện và đi vào lịch sử của con người, chúng đã làm cho lịch sử con người đi vào ngõ cụt với những khổ đau đến từ tội lỗi, với những bế tắc vì mất quyền tự do của con người. Chính tội lỗi đã đưa con người đến chỗ xa nhau ngay trong chính gia đình, trong cộng đoàn và trong gia đình nhân loại. Mầu nhiệm Giáng sinh hướng về ngày Con Thiên Chúa nhập thể. Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong lịch sử loài người, đã làm xoay chuyển tất cả, từ con người, đến thế giới, từ suy nghĩ cho đến mọi hành động của con người. Ánh sáng đã bừng lên cho nhân loại khi Con Thiên Chúa khai mở một trang sử mới, mở ra cho con người một con đường để đưa họ trở về với những giá trị thánh thiêng ban đầu họ đã có, hơn nữa, còn được tự do, được sống cho chính mình và cho anh chị em. Ngày lễ Hiển Linh quả thực là một ngày lễ Ánh Sáng cho nhân loại, cho muôn dân, đặc biệt là những anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa.
Những ngày tháng thăng trầm của dân Do thái bên đất Babylon quả thực là những ngày tháng tối tăm, đau khổ về mọi mặt, bị đánh đập, bị bóc lột sức lao động, bị chèn ép trong tất cả mọi quyền lợi, còn đau khổ nào cho bằng những đau khổ khi mất tự do. Vậy mà trong bối cảnh đó, tiên tri Isaia lại cất tiếng loan báo về một tương lai sáng lạn với những lời lẽ thật uy hùng: “Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông”. Dù có nhận chịu bao đau khổ về thể xác, nhưng được nghe những lời khích lệ, động viên trong tinh thần đầy hy vọng, bất cứ ai cũng muốn được đứng lên, mở lòng để đón nhận ngày hạnh phúc đó cho mình. Đó là sự mong muốn của Thiên Chúa, khi Ngài thấy họ đang lần mò trong đêm tối của những ngày nô lệ bên đất khách, như con người hôm nay đang lần mò trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa.
Trước ân huệ lớn lao Thiên Chúa đã trao tặng cho bản thân, thánh Phaolo luôn ý thức về ơn gọi của mình, là đem niềm vui và ơn cứu độ đến cho mọi người. Trong lá thư gởi giáo đoàn Êpheso, thánh nhân còn nhắc nhở cho họ hiểu rằng, ơn cứu độ không dành riêng cho ai, nhưng cho tất cả mọi người, mọi dân tộc: “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, nhờ tình thương vô bờ của Thiên Chúa, mọi dân tộc, mọi con người đều được gọi Người là Cha, đều được đón nhận ơn cứu độ của một Thiên Chúa tình yêu.
Nghe nói về một người có tên là Vua Do thái xuất hiện, Vua đó còn đem niềm vui đến cho con người, thế là các vị đạo sĩ đã lên đường tìm về. Mang theo khát vọng được gặp vị Vua đó, các ông thẳng tiến Giêrusalem, là kinh đô đất nước, là nơi các vua chúa sinh sống và cai trị đất nước: “Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Tìm tới Gierusalem, các ông mừng mừng tủi tủi vì như chạm được vào vị vua mới sinh ra, thế nhưng, từ vua quan cho đến con dân thành đó đều sửng sốt với câu hỏi của các ông. Cả thành xôn xao, vua quan mất ăn mất ngủ, sợ mất ghế, sợ mất quyền lực, sợ bị giết nay mai. Hành trình tìm Vua Do thái như bị bế tắc vì không giống như các ông và thế gian suy nghĩ: “Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình”. Vua Hoà bình không ở lại trong chốn hoàng cung, không màng đến chiếc ghế quyền lực, không quan tâm đến địa vị và danh vọng, Ngài xuất hiện trong cảnh thanh bần, nghèo hèn, để cảm thông, để chia sẻ và để đồng hành với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Con đường quan lộ của nhân loại khác con đường quan lộ của Thiên Chúa, Vua Tình yêu.
Đến được cổng thành Gierusalem, các đạo sĩ tưởng chừng như đạt được mọi ước mong, thế nhưng, mọi thứ vỡ toang, vua trong thành không biết, dân trong thành hoang mang, giờ làm sao. Con người thường có suy nghĩ rằng, khi có địa vị, có quyền bính, có vương quốc thì phải ở lại trong cung điện, đền đài, nơi thật xứng đáng, do đó, các đạo sĩ đã đi theo lộ trình với suy nghĩ rất thực dụng đó, vì thế, họ không thể nào tìm thấy Vua Do thái mới sinh. Con đường của thế gian đang theo đuổi đâu có bóng dáng của sự hy sinh, của tình yêu tự hiến, của tinh thần phục vụ vô vị lợi, chỉ ngập tràn những tham vọng, đầy những toan tính và sự ích kỷ, đầy những ganh tị và oán hờn. Vì thế, các Đạo sĩ đã thất vọng khi chưa gặp được Đấng mà họ nghe và tin là một vị Vua với tên gọi mới.
Sau khi nghe các quan mở Kinh thánh ra đọc và cho biết vị Vua Hoà bình sinh ra tại Belem, một vùng quê hẻo lánh, nghèo hèn, cả vua chúa cũng như các Đạo sĩ vô cùng ngạc nhiên, người thì ngạc nhiên vì trẻ nhỏ này là ai, sự xuất hiện của nó có ảnh hưởng gì đến chiếc ghế quyền lực của mình không, kẻ thì ngạc nhiên vì được gọi là Vua mà sao không ở trong cung điện, lại sinh ra trong vùng quê nghèo. Lầm lẫn của con người hôm nay cũng vậy, họ luôn cho Thiên Chúa sinh ra trong phố thị ồn ào, trong nhà cao tầng và khách sạn đắt tiền, trong bệnh viện hiện đại và sang trọng, vì thế, họ chưa gặp được Đấng mà họ gọi là Thiên Chúa Tình yêu. Bởi Ngài đã đến, đã sinh ra rồi, nhưng trong nhưng túp lều của khu ổ chuột, trong những ngôi nhà xập xệ của người nghèo và trong cả những dãy nhà của các trẻ mồ côi, người già cả vô gia đình. Con đường để tìm được Thiên Chúa, phải là một con đường do chính Ngài giới thiệu và hướng dẫn, là con đường của tinh thần phục vụ và hy sinh, là con đường mang tên Giesu. Đó là con đường các Đạo sĩ đã tìm thấy, khi nhận ra sự hiện diện của Vua Tình yêu trong máng cỏ ở Belem.
Lạy Chúa, Chúa đã đến và đang đến với mỗi người, mỗi nhà của chúng con, nhiều lúc chỉ vì suy nghĩ của chúng con không giống tinh thần của Tin mừng, nên chúng con chưa gặp được Chúa, xin mở lòng soi trí cho mỗi người, để chúng con cách suy nghĩ như Tin mừng, có thái độ sống như Tin mừng giới thiệu, từ đây, chúng con sẽ nhận ra sự hiện diện của Vua Hòa bình đang ngự trị giữa lòng thế giới. Các Đạo sĩ đã dâng cho Chúa nhiều lễ vật quý giá, tượng trưng cho niềm tin và lòng mến của các ngài, xin đón nhận của lễ chúng con dâng, đó là một trái tim tan nát, một cõi lòng ngỗn ngang, một tinh thần bất an và một cuộc đời nhiều lầm lỗi, xin Chúa biến đổi chúng con nên những đạo sĩ trong thời đại mới, để đem Chúa trở về với mình và gia đình của mình. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh