8.1 Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Sống phép rửa
Biến cố Chúa chịu phép rửa được cả ba sách Tin mừng nhất lãm kể lại. Sự kiện này đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Đức Giêsu. Trình thuật cũng tiên báo về bí tích rửa tội mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài.
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa Tội trong Nhà thờ.
Chúng ta được rửa bởi tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời:
Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn: đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì là gian trá và vô dụng.
Chúng ta được rửa bởi những khổ đau, buồn rầu: đó là những dòng nước u ám nhưng có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
Chúng ta được rửa bởi niềm vui: đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
Chúng ta được rửa bởi tình yêu: đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.
Phép rửa là một hạt giống, cần phải nẩy mầm trong suốt cả đời sống.
Thánh Luca xác định rằng Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa “như toàn dân”. Người không hề phạm tội nhưng đã muốn liên đới với tất cả những người đến thú nhận tội lỗi và chịu phép rửa. Đấng vô tội đã hòa mình vào dòng người tội lỗi để lãnh nhận phép rửa. Đấng là Suối nguồn sự sống của thành đô Thiên Chúa nay đến chịu thanh tẩy trong dòng nước Gio-đan nhỏ bé. Đấng đến để xóa tội trần gian lại bước xuống xin rửa tội từ con người. Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần đến xin chịu phép rửa bằng nước của Gioan.
Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải để được thánh hóa nhờ nước, nhưng chính Người thánh hóa dòng nước và để thanh tẩy những dòng nước mà Người chạm đến nhờ sự trong sạch tuyệt đối của Người.
Khi Đấng Cứu Độ chịu phép rửa chính là để thánh hóa cách trọn vẹn trước dòng nước cho phép rửa của Kitô hữu trong tương lai. Nhờ đó, ân sủng của phép rửa được ban tặng cho chúng ta cách tràn đầy và xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta.
Chúa Kitô đã đón nhận phép rửa trước để rồi tất cả Kitô hữu tiếp tục lãnh nhận với lòng tin. Qua phép rửa bằng nước, Chúa Kitô chuẩn bị cho dân Người đón nhận phép rửa trong Thánh Thần do chính Người ban, như lời Gioan làm chứng “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”( Lc 3,16b)
Phép Rửa trong Thánh Thần được Gioan chứng nghiệm: Tầng trời đã mở ra, sự thông truyền được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân của Người. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu để chứng thực bản tính Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu đón nhận Thánh Thần không phải cho chính Người nhưng là cho tất cả chúng ta đang ở trong Người.Vì nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa mọi sự, chúng ta đạt đến sự thánh thiện và mọi điều tốt lành.
Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Người giữ mối tương quan đặc biệt với Chúa Cha. Qua tiếng từ trời phán “Con là Con của Cha,ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,22b), Chúa Cha đã đón nhận tất cả chúng ta làm con của Người. Bởi vì tất cả nhân loại được ở trong Chúa Kitô với tư cách Người là con người. Trong ý nghĩa này, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha và chúng ta cũng là con yêu dấu của Người. Vậy tầng trời đã mở ra cho Con Một và tương lai cũng sẽ mở ra cho chúng ta. Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giê su, cũng sẽ ngự vào trong tâm hồn chúng ta và chắc chắn cả Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ ở cùng mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Quang cảnh trong biến cố Ngài chịu phép rửa mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng có lẽ làm chúng ta thấy mình hổ thẹn biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Ngài đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người.
Ngài đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giàu sang. Trái lại, Ngài chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.
Và hôm nay, khi bước xuống dòng sông để lãnh nhận phép rửa của Gioan, chúng ta mới thấy hết sự khiêm nhường của Thiên Chúa chúng ta. Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Ngài lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa như một người dân tầm thường và tội lỗi. Ngài khiêm hạ đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy Giả đang được mọi người ngưỡng mộ và kính phục để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên.
Phép Rửa nói với chúng ta rằng: Con cái do cha mẹ sinh ra nhưng không hoàn toàn thuộc về cha mẹ, bởi vì chúng ta còn là con cái của Thiên Chúa. Cha ông mình đã nói rất chí lý: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Không ai có thể tự nắm giữ vận mệnh của mình. Số phận của mỗi người đã được bàn tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa an bài. Chúng ta tin rằng, con người do Thiên Chúa tạo dựng, mỗi người được Thiên Chúa trao cho một số khả năng và một sứ mạng. Với ơn Chúa giúp con người có thể dùng khả năng của mình để chu toàn sứ mạng đã được giao phó cho mình.
Mỗi biến cố xảy tới là một lời mời gọi chúng ta nhớ đến thân phận của mình sau khi chịu phép Rửa, mời gọi chúng ta nhìn lại con người của mình và canh tân đời sống. Khi ý thức được mình là ai thì chúng ta mới biết sống sao cho phù hơp với ý muốn của Thiên Chúa.
Huệ Minh