Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 19 Tháng 1 2024 06:54

Mất trí

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    MẤT TRÍ

 

 

20.1Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm

2 Sm 1:1-4,11-12,19,23-27; Tv 80:2-3,5-7; Mc 3:20-21

MẤT TRÍ

Trong khi đi truyền giáo, dân chúng ái mộ và đến với Chúa rất đông để được nghe Chúa giảng và được Chúa chữa bệnh hoạn tật nguyền. Những người ngoài đến với Chúa là vậy, nhưng những bà con thân thuộc thì nguợc lại: họ không tin sứ mệnh của Chúa, họ không tán thành việc Chúa làm và không nghe lời Chúa giảng, vì thế họ có lời cản trở công việc của Chúa.

Sau khi đi rao giảng một thời gian, Đức Giêsu và các môn đệ trở về nhà và giảng dạy tại nhà bà mẹ vợ ông Phêrô ở Capharnaum, dân chúng lại đổ xô tới đông đúc, đến nỗi các ngài không có thời giờ ăn uống.

Thấy vậy, các thân nhân của Chúa đến bắt giữ Ngài, vì được tin người ta cho biết là Ngài đã mất trí. Thân nhân Ngài làm như vậy có ý cho các môn đệ của Ngài được rảnh rỗi nghỉ ngơi, đồng thời cũng để cho họ khỏi bị liên lụy về Ngài. Vì nếu dân chúng kéo theo Ngài đông đảo rùm beng như vậy thì sợ nhà chức trách sẽ làm khó dễ.

Tin mừng hôm nay rất vắn gọn, nhưng cũng hé mở cho chúng ta biết Chúa nhiệt thành phục vụ đến mức nào. Trong thời gian đầu của đời sống công khai, Đức Giêsu đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của đông đảo quần chúng. Ngài phục vụ cách vị tha và vô vị lợi, Ngài hoạt động ở nơi hội đường, ở ngoài trời và ở đây ngay tại nhà. Điều đó chứng tỏ Ngài hiến thân trọn vẹn cho tác vụ, miệt mài với công việc bổn phận, không còn thì giờ nghĩ đến mình đến nỗi không có cả thời giờ dùng bữa.

Thánh Marcô hôm nay kể rằng: có nhiều người kéo đến với Đức Giêsu, đông đến nỗi Người không có thời gian để dùng bữa, vì họ tin rằng Người là Đấng uy quyền và bởi Thiên Chúa mà đến. Họ nghe Người giảng và đi theo Người. Chính đức tin đã thúc đẩy họ hành động, thúc đẩy họ tìm đến và bước theo Đức Giêsu.

Ngài không phải là con người dễ hiểu, ngay các Tông đồ đã ở với Ngài gần ba năm trời, khi Chúa hỏi các ông cho Ngài là ai, thì các ông cũng chỉ biết lơ mơ như dân chúng hiểu thôi. Còn đối với quần chúng thì cũng có người, nhất là các biệt phái và luật sĩ còn cho Ngài là bị quỷ ám. Còn hôm nay thì người ta cho là Ngài bị mất trí.

Chúa Giêsu xuất hiện như một nhân vật đầy quyền năng và uy tín trước mặt dân chúng, cho nên họ đi theo Người đông lắm. Chắc chắn họ đã nhận ra nơi Người có một sức thu hút thật kỳ lạ, vì đã từng được lắng nghe những lời chân lý, được chứng kiến phép lạ và trên hết họ đã cảm nhận được một trái tim luôn thao thức cho hạnh phúc của con người. Khi dốc toàn bộ sức lực cho công cuộc rao giảng nước Trời, với Chúa Giêsu thì chuyện ăn ở hay những nhu cầu của bản thân đều kém quan trọng. Qua tất cả những điều đó, ta mới thấy được tình thương của Thiên Chúa dành cho con người mới thật là cao quý.

Cảm nhận được trái tim vĩ đại, cho nên nhiều người đã bị cuốn hút vào vị thầy có tên là Giêsu. Người ta đến với Chúa để như tìm kiếm nơi Người một sự bình an thật sự mà bất kỳ ai cũng không thể cho họ được.

Thế nhưng, ở đây ta thấy một điều thật lạ là trong khi những người không thuộc huyết tộc đang ở rất xa Chúa Giêsu lại muốn đến gần và muốn đi theo Người, còn những thân thuộc, thường xuyên ở bên cạnh Người trong khoảng thời gian khá dài, giờ đây lại muốn đẩy Người ra khỏi cuộc sống của họ, vì cho rằng “Người đã bị mất trí”. Chẳng thế mà ông bà ta mới có câu: “ gần chùa gọi bụt bằng anh ”.

Những người thân thuộc, họ hàng với Đức Giê-su lại nhận xét là Ngài bị mất trí, vì thế họ tìm cách bắt Ngài về nhà để “quản thúc”. Một nhà văn nói: “Con người ta thường được khen hay bị chê, nhưng ít ai được hiểu”.

Khi thấy Đức Giê-su vất vả, không lo cho bản thân mà suốt cả ngày chỉ lo lắng đi dạy dỗ, tìm kiếm và giao du với những hạng người tội lỗi, bệnh tật, bất hạnh, nghèo khổ để giúp đỡ họ thì những người thân của Ngài đã cho rằng Đức Giê-su không bình thường, Ngài đã mất trí. Những người đó đâu có biết rằng Đức Giê-su luôn canh cánh trong lòng về việc phải thi hành thánh ý Chúa Cha là đến cứu độ trần gian :“Tôi đến để cho chiên Tôi được sống và sống dồi dào”. Khi nhìn thấy những người đang sống trong tội lỗi, đau yếu bệnh tật thì Đức Giê-su đã đến với họ vì họ rất cần sự cứu giúp của Ngài. Chỉ vì yêu thương con người, nhất là những người tội lỗi, khổ đau, Đức Giê-su đã bất chấp tất cả.

Cũng chính bởi vì nhân loại tội lỗi mà Đức Gie-su đã phải đến trong thế gian, lang thang đây đó, không nhà không cửa: “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”. Đức Giê-su đã phải sống cơ cực nay đây mai đó để tìm kiếm và chữa lành những con chiên thất lạc và bệnh hoạn. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại thật là cao thẳm và mãnh liệt được bày tỏ nơi Đức Giê-su một cách cụ thể, sống động. Nhưng nhân loại đâu có cảm nhận được tình yêu đó và đáp trả lại ?

Qua trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được một thực tế trong đời sống đức tin: trong khi có biết bao con người đang đi tìm cho mình một sự bình an đích thực, khao khát nương tựa vào Đấng sẽ giải thoát họ khỏi những đau khổ của cuộc sống tạm bợ này, có biết bao người mong muốn có điều kiện để tôn thờ Thiên Chúa lại gặp rất nhiều khó khăn, thì chúng ta đang có thật nhiều những điều kiện, những phương tiện để đến với Chúa nhưng chúng ta dường như nại vào thật nhiều lý do để xa Chúa.

Thậm chí, có đôi khi nhiều người trong chúng ta cũng xem Chúa như một rào cản của lương tâm mỗi khi thực hiện những điều bất chính phục vụ cho sự hưởng thụ tội lỗi bản thân. Nếu không hoán cải, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể đến gần Chúa được.

Trang Tin mừng hôm nay tuy thật ngắn nhưng Chúa cho chúng ta nhận ra hình ảnh của Người và thái độ của con người đối với Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta có thể rút ra bài học cho đời sống đức tin.

 

 Huệ Minh

Read 164 times Last modified on Thứ bảy, 20 Tháng 1 2024 06:36