6.2 Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
1 V 8:22-23,27-30; Tv 84:3-4,5,10,11; Mc 7:1-13
SỐNG THẬT – ĐỪNG MỒM MÉP
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ thánh Phaolô Miki một người Nhật bản và các bạn của Ngài.
Người ta đã lên án tử cho Ngài với lý do các ngài là những người từ Philippine tới. Họ sợ các ngài là những đồng lõa với đế quốc Tây Ban Nha xâm lăng Nhật Bản. Chính vì thế mà trước khi bị tử hình, thánh Phaolô Miki đã mạnh mẽ cải chính: "Tôi là người Nhật đích thực. Lý do duy nhất tôi bị án tử là vì tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Chắc chắn tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Tôi tạ ơn Chúa vì lý do đó mà tôi phải chết. Tôi tin tôi đang nói thật trước khi tôi chết. Tôi biết quý vị tin tôi, tôi muốn nói lại rằng hãy xin Đức Kitô giúp quý vị vượt qua và được hạnh phúc. Tôi vâng lời Đức Kitô. Noi gương Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không ghét họ. Tôi cầu xin Chúa thương xót họ, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên các bạn của tôi như mưa nguồn sinh hoa kết trái.”
Phaolô Miki và các bạn bị bắt vào năm 1597. Số người bị bắt trước tiên gồm có 26 vị: 6 tu sĩ dòng thánh Phanxicô, 3 tu sĩ dòng Tên và 17 giáo dân. Trong đó có 3 trẻ giúp lễ và Phaolô Miki, lúc đó ngài mới được 33 tuổi.
Nhà vua ra lệnh cắt tai, cắt mũi các ngài và đem đi đóng đinh vào thập giá tại Nagasaki. Nhìn các ngài bị gông cùm, máu chảy dầm dề trên mặt, mọi người đều thương khóc thảm thiết!...
Có một người đã chứng kiến thuật lại cuộc tử đạo của thánh Phaolô Miki và các bạn ngài như sau:
“Sau khi chịu đóng đinh vào thập giá, các ngài vẫn tỏ ra kiên trì đến lạ thường. Hai cha Paxiô và Rôtôrighết, mỗi người một bên, khuyến khích các ngài. Cha phụ trách giáo sở thì luôn yên lặng ngước mắt nhìn trời. Thầy Martinô thì hát thánh vịnh để tạ ơn Thiên Chúa từ nhân, rồi còn thêm câu: "Trong tay ngài, lạy Chúa"… Cha Phanxicô Bôlancô cũng to tiếng tạ ơn Thiên Chúa. Còn thầy Cunxancô thì đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Riêng thầy Phaolô Miki thấy mình ở trên một tòa chưa từng có, bắt đầu nói với những người đang chứng kiến quang cảnh này rằng: Thầy là người Nhật, thuộc dòng Chúa Giêsu; thầy bị án tử hình này vì đã rao giảng Tin Mừng. Và thầy cám ơn Thiên Chúa đã ban cho mình ơn trọng như vậy. Rồi thầy nói thêm:
Tôi đã đi đến hoàn cảnh này, chắc không sẽ không có ai nghi rằng tôi còn giấu diếm sự thật. Vậy tôi xin tuyên bố với mọi người rằng: Không có đường lối cứu độ nào khác ngoài đường lối các Kitô hữu đang theo. Và vì đường lối đó dạy tôi phải tha thứ cho các cừu địch và cho kẻ làm hại mình, nên tôi rộng lòng tha thứ cho hoàng đế và cho mọi người làm tôi phải chết. Tôi xin họ hãy lãnh nhận phép Rửa tội của người kitô hữu.
Rồi quay nhìn các đồng nghiệp, ngài an ủi họ trong cơn chiến đấu cuối cùng này. Niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt mọi người, đặc biệt trên gương mặt Luy, khi có người tín hữu nói với anh rằng: anh sắp được lên Thiên đàng; các ngón tay của anh và tất cả thân thể anh như muốn làm một cử động diễn tả một sự vui mừng sâu xa, khiến mọi người đứng xem đều quay mắt nhìn anh.
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong hiển thánh năm 1826.
Tin mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Đối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch, để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt, nhưng người biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Vì là tình yêu nên khi đến trần gian Chúa Giêsu cũng tìm mọi cách để xây dựng tinh thần đạo mới mà Chúa thiết lập, dựa trên nền tảng của tình yêu. Sống tình yêu theo tinh thần đạo mới của Chúa, chắc chắn sẽ làm cho mọi việc và cả cuộc đời của ta có giá trị trước Chúa. Vì có giá trị trước Thiên Chúa, nên những việc làm theo Tin mừng của ta luôn đứng trên những tập tục và lối sống giả hình của những luật sĩ và biệt phái như: phải rửa tay trước khi dùng bữa; hay những của gì mình có để giúp cho cha mẹ mà dâng cho Thiên Chúa, thì không cần phải giúp cho cha mẹ nữa. Xem ra việc sống giả hình như thế sẽ là nguy cơ giết chết lời Chúa dạy chúng ta như: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và nó còn có thể làm huỷ hoại đến đạo “Hiếu” của người Á Đông chúng ta.
Vì luật được ban ra là vì con người. Giữ luật để đem lại hạnh phúc cho con người. Nếu như truyền thống chữ Hiếu bị coi thường, giới răn của Chúa bị khinh chê: thì giữ luật kiểu đó sẽ làm hư hoại con người, cuối cùng sẽ mang trong mình sự buồn chán thất vọng. Vì giữ luật đúng nghĩa luôn luôn đem lại hạnh phúc thật sự cho con người, như lời Thánh vịnh đã nói: “tuân theo ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể”
Thực hành lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần thiết, nhưng chúng chỉ là những yếu tố bổ sung và phụ thuộc, mà cái cần thiết nhất là tấm lòng. Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta làm: nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu. Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13).
Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày này người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả trái cây giả, gạo giả... Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều thứ giả khác: bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả... Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa nến, nhang, đèn giả. Mức độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu chỉ mới nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”. “Giả hình” mà còn đáng trách thì giả nhân giả nghĩa còn đáng trách hơn chừng nào.
Chúa Giêsu khiển trách những người biệt phái và luật sĩ thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, còn tấm lòng lại xa cách Người. Họ chăm chăm tuân giữ các truyền thống xa xưa, còn điều răn yêu thương là cốt lõi của Lời Chúa dạy thì họ lại không tuân giữ. Chúa Giêsu cũng đả kích các nhà thông luật Do thái vì họ quá tôn trọng hình thức bề ngoài, qua đó, Người mời gọi chúng ta hãy sống thật với lương tâm của mình. Để sống đạo tốt, chúng ta cần chu toàn các lề luật của Giáo hội, nhưng đồng thời còn phải sống tình mến với Chúa và mọi người.
Sống tình yêu theo tinh thần đạo mới của Chúa, chắc chắn sẽ làm cho mọi việc và cả cuộc đời của ta có giá trị trước Chúa. Vì có giá trị trước Thiên Chúa, nên những việc làm theo Tin mừng của ta luôn đứng trên những tập tục và lối sống giả hình của những luật sĩ và biệt phái.
Huệ Minh