Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 09 Tháng 2 2024 07:06

Chạnh lòng thương cảm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHẠNH LÒNG THƯƠNG CẢM | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên, Năm B


TMĐP- Khi chữa lành người phong hủi, Đức Giêsu có ý mặc khải cho chúng ta lòng thương xót của một Thiên Chúa hay chạnh lòng trước con người yếu đuối, nhơ bẩn, tội lỗi là chúng ta.

Theo luật Môsê: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên “Ô uế! Ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ của nó ở là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).

Sách Lêvi quy định rất rõ: người phong hủi không được ăn mặc như người bình thường, và phải luôn miệng kêu to “Ô uế !” khi có người, cốt để mọi người biết mà tránh xa kẻo bị ô uế vì chạm vào họ. Họ còn bị cô lập, cách ly, phong toả để không làm ô uế xã hội. Kinh nghiệm những ngày giãn cách vì đại dịch Covid 19 ít nhiều cũng giúp chúng ta hiểu thế nào là cảnh cơ cùng, tủi nhục của những người phong hủi thời Cựu Ước khi bị khinh bỉ và tập trung ở một nơi xa khỏi gia đình, bà con thân thuộc, vì bị xếp vào thành phần ô uế phải tránh xa.

Ấy thế mà có người phong hủi đã liều lĩnh “đến gặp” Đức Giêsu, và “quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40).

Hành động của anh thật liều lĩnh, vì trái với luật Môsê đã quy định: anh phải tự tránh xa mọi người, và hô lớn “Ô uế!” để không ai vô ý đến gần và chạm vào người anh.

Nhưng không phải một mình anh đã liều lĩnh, mà Đức Giêsu, Đấng tuyệt đối trong sạch cũng đã liều lĩnh với anh, khi Ngài không sợ bị lây bệnh phong hủi, và né tránh anh như mọi người; không buông lời khinh bỉ, nguyền rủa anh là đồ ô uế như bao người; càng không nghiêm nghị hạch hỏi lý lich hay tò mò tra hỏi nguyên nhân đưa anh đến bệnh phong hủi. Trái lại, Ngài “chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41).

Thái độ và lời nói của Đức Giêsu làm anh bỡ ngỡ, sửng sốt, và chưa kịp hoàn hồn, thì anh đã thấy da thịt mình hoàn toàn được sạch, vì “chứng phong hủi biến khỏi anh” (Mc 1,42).

Đứng trước người phong hủi ô uế, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương ai là “đau đớn với họ, sầu khổ với họ, tủi nhục với họ”. Trái tim Thiên Chúa đã se thắt trong niềm đau của con người, và cõi lòng Thiên Chúa đã quặn đau với nỗi thống khổ của phận người vất vả, truân chuyên, và Ngài đã không sợ con người ô uế, không tránh xa con người tội lỗi, không làm lơ, “tránh qua một bên mà đi” trước con người “nửa sống nửa chết” vì sự dữ và tội lỗi vùi dập, nhưng giơ tay đụng vào con người để biểu lộ lòng yêu thương, và đưa tay chạm vào phận người để chữa lành, cứu giúp.

Thực vậy, khi chữa lành người phong hủi, Đức Giêsu có ý mặc khải cho chúng ta lòng thương xót của một Thiên Chúa hay chạnh lòng trước con người yếu đuối, nhơ bẩn, tội lỗi là chúng ta.

Tuy không bị phong hủi làm cho thân xác nên ô uế, nhưng tội lỗi là chứng bệnh phong hủi nhiều lần nguy hiểm hơn đã làm linh hồn chúng ta trở nên ô uế. Nhưng dù ô uế đến đâu, nhơ bẩn thế nào, linh hồn chúng ta vẫn là đối tượng để yêu thương, chữa lành, cứu độ của trái tim hay chạnh lòng thương xót của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.

Vì thế, điều Thiên Chúa cần ở chúng ta, chính là bắt chước người phong hủi được Chúa chữa lành đã bất chấp lề luật, bất chấp đám đông, bất chất rào cản dư luận, bất chấp cả hình phạt của xã hội đang chờ sẵn, liều lĩnh chạy đến với Ngài, khiêm tốn quỳ dưới chân Ngài, và tín thác van xin Ngài chữa lành, làm cho nên trong sạch.

Nhưng để có thể liều lĩnh chạy đến với Đức Giêsu khi mình ô uế, tội lỗi và bị nhiều áp lực của thế gian, chúng ta phải trang bị cho mình một trái tim liều lĩnh yêu mến Đức Giêsu, dù những người chung quanh tẩy chay Ngài, dù lề luật của xã hội loài người ngăn cấm đến với Ngài, dù những người đã ở trong hàng ngũ môn đệ của Ngài phản bội Ngài, dù tình hình không thuận lợi cho những ai muốn đi theo Ngài, và nhất là dù quá khứ đen tối, dù hiện tại nhớp nhơ vì tội lỗi nặng nề chất chồng, dù tương lai mịt mờ do mặc cảm ô uế, bất xứng của ta.

Có được trái tim liều lĩnh yêu mến Đức Giêsu, chúng ta mới đủ liều chạy đến quỳ dưới chân Ngài mà van xin: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót con là kẻ có tội” , với niềm tin mãnh liệt: chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa hay chạnh lòng thương cảm mới liều lĩnh giang rộng vòng tay ôm lấy cuộc đới ô uế của ta mà yêu thương, cứu độ.

Và cũng chỉ một mình Ngài mới ban “hạnh phúc cho kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv 31,1), đứa con hoang đàng mà Chúa không tra khảo, hạch tội”

Jorathe Nắng Tím

Read 211 times