TMĐP- Ngước nhìn lên Đức Giêsu, Vua Tình Yêu trên Thánh Giá, chúng ta xin được cùng “viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” (Lc 23,47), là Vua vô cùng bao dung thương xót của các tội nhân đang cần được khoan hồng thứ tha ở giờ lâm tử.
Tin Mừng Gioan ghi rõ : “Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi : “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái. Trong dân Do Thái, nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này được viết bằng các tiếng: Hípri, Latinh và Hy Lạp. Các thượng tế của người Do Thái nói với ông Philatô: “Xin Ngài đừng viết: ‘Vua Dân Do Thái’, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do Thái”. Ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19,19-22).
Không nói thì chúng ta cũng biết: không đời nào các thượng tế và những người Do Thái chống lại giáo lý mới của Đức Giêsu lại đồng ý với tấm bảng Philatô vừa truyền viết và treo lên, vì họ không nhận Đức Giêsu là Vua của họ, nhưng với họ, Ngài là kẻ lạc giáo, chống lại lề Luật Môsê, là tên phạm thượng tự nhận mình là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai.
Ở đây, chúng ta thấy ông Philatô không còn nghe theo lời bàn của các thượng tế, cũng không tỏ ra sợ hãi trước áp lực của đám đông người Do Thái quá khích, cuồng tín như ông đã sợ và nhượng bộ để họ đem Đức Giêsu đi đóng đinh, mặc dù ông thấy Ngài vô tội và công khai tuyên bố: “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 19,4). Trái lại, ông lì lợm và lạnh lùng trả lời: Ta viết sao, cứ để vậy!”.
Vì thế, dù không muốn, các thượng tế và những người Do Thái thù ghét và tìm cách giết Đức Giêsu cũng phải ngậm đắng nuốt cay khi thấy mọi người đi qua đang ngước mắt đọc tấm bảng: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái”, tức Vua của họ.
Thực ra, họ không thể nhận Đức Giêsu là Vua của họ, vì họ trông đợi một vị vua hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc để giải phóng họ khỏi gông cùm của các đế quốc, trong khi Đức Giêsu không kêu gọi họ vùng lên, không lôi kéo họ đứng dậy chống đế quốc, hay thúc đẩy họ xuống đường đình công, gây rối loạn, nhưng kêu gọi “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44); họ không thể tôn Đức Giêsu làm Vua của họ, vì công dân Nước của Ngài là những con người nghèo khó, hiền lành, khiêm hạ, đau ốm, tật nguyền, bị khinh miệt, bỏ rơi, cơ nhỡ, bé nhỏ trong khi họ mơ một đất nước gồm toàn những người quyền thế, giàu sang, một dân tộc tuyệt hảo vượt trên các dân tộc khác; họ càng không thể thần phục Đức Giêsu như Vua của họ, vì hiến chương của Nước Ngài, đường lối của Vương Quốc Ngài hoàn toàn trái ngược với những gì họ đi tìm, bởi Ngài là Tình Yêu, và Nước Ngài là Nước của lòng Thương Xót, Bao Dung, Tha Thứ.
Suốt ba năm loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nói với họ về sứ vụ Cứu Thế của Ngài là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19), và làm chứng các điều Ngài nói, giáo lý Ngài dạy bằng các phép lạ chữa lành mọi bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, có uy quyền trên thiên nhiên, cho kẻ chết sống lại. Ngài cũng cho họ biết rõ Ngài đến để cứu những người tội lỗi, và ai tin vào Ngài “thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, vì Ngài được Chúa Cha sai xuống thế gian “không phải để lên án thế gian”, nhưng nhờ Ngài mà được cứu độ (x. Ga 3,16-17).
Nhưng đặc biệt hôm nay, khi bị treo trên Thánh Giá chính là lúc thế quyền mà Philatô là người đại diện đã công khai tuyên xưng Ngài là Vua dân Do Thái, mặc dù phần đông dân Do Thái không nhận Ngài là Vua của họ. Nhưng không vì thế mà Ngài không là Vua, không vì thế mà Ngài từ bỏ Vương Quyền yêu thương của mình, cũng không vì thế mà Ngài đóng cửa Vương Quốc Thiên Đàng dành cho những con người có quả tim biết chạnh lòng thương cảm, có tâm hồn tinh tế và bén nhạy trước nhu cầu của tha nhân (x. Mt 25, 31-46).
Trên Thánh Giá hôm ấy có tấm bảng ghi rõ Đức Giêsu, người làng Nadarét là Vua dân Do Thái, và từ trên Thánh Giá là ngai của Đức Vua giàu lòng thương xót ấy, mọi kẻ xúc phạm, chửi rủa, lên án, tra tấn, đóng đinh Ngài đã được Ngài rộng lượng thứ tha qua lời cầu nguyện chan chứa lòng thương xót: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), để cửa Thiên Đàng rộng mở đón hết những ai tín thác ở Ngài, như anh gian phi đã đặt hy vọng vào Ngài khi thưa với Ngài: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”, và Đức Vua Giêsu từ bi nhân hậu đã đáp lời anh: “Tôi bảo thật, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,42-43).
Quả thực, hạnh phúc lớn lao của người Kitô hữu là được làm dân trong Vương Quốc của Vua Giêsu hiền lành khiêm nhường, từ bi nhân hậu, giàu lòng thương xót, bao dung . Là Vua từ bi nhân hậu, “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3); là Vua hiền lành, khiêm hạ, Ngài ở với và chia sẻ cảnh khốn cùng của ta; là Vua giàu lòng thương xót, “Ngài cảm thương những nỗi yếu hèn của ta” và “cảm thông với những kẻ ngu muội, lầm lạc..” (Dt 4,15; 5,2); là Vua các vua, “Người chính là nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9).
Ngước nhìn lên Đức Giêsu, Vua Tình Yêu trên Thánh Giá, chúng ta xin được cùng “viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” (Lc 23,47), là Vua vô cùng bao dung thương xót của các tội nhân đang cần được khoan hồng thứ tha ở giờ lâm tử.
Jorathe Nắng Tím