Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 05 Tháng 4 2024 07:03

Những lần hiện ra

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những lần hiện ra

 

 

6.4 Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh

Cv 4:13-21; Tv 118:1,14-15,16-18,19-21; Mc 16:9-15

Những lần hiện ra

Nhìn lại bài đọc Tin Mừng hôm nay và các tường thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại sẽ cho chúng ta một điểm đáng lưu ý này là: sau khi sống lại, Ngài không tức khắc đi tìm nhóm môn đệ đang tụ họp và cầu nguyện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, rồi cho họ sứ mạng truyền đạt tin vui đến với nhóm mười một tông đồ.

Khi hiện ra với toàn thể các môn đệ, Ngài lại khiển trách họ: "Tại sao lại cứng lòng tin?" Chúng ta có thể xem điều trên đây như một mô tả niềm tin của mỗi người. Hơn nữa, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh đến với chúng ta tùy theo mỗi thời điểm và mỗi khung cảnh của cuộc sống. Ánh sáng của Ngài buộc chúng ta phải biết cố gắng tìm kiếm để được nhận lãnh.

Nói như thánh Augustinô: "Chúa dựng nên con, không cần có con cộng tác. Nhưng Chúa không thể cứu chuộc con, nếu không có con cộng tác". "Có con" không có nghĩa là con hiện diện ở đó như một tảng đá quanh năm tiếp thu ánh sáng, nhưng chẳng sử dụng ánh sáng để rồi chịu cảnh vỡ nát của thời gian. Sự hiện diện của con phải là sự hiện diện của một bông hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời là nguồn sức sống cho cây, đồng thời cũng là dịp cho hoa vươn mình khoe sắc.

Vì thế, ánh sáng vui mừng của Ðức Kitô Phục Sinh trước hết là một đáp ứng cho một tâm hồn tha thiết tìm kiếm Ngài. Maria Madalena và các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, họ đã được Ngài hiện ra trước hết, dù rằng họ chẳng chiếm giữ một vai trò quan trọng nào trong việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ðức Kitô Phục Sinh cũng vẫn luôn quan tâm đến tất cả. Ngài chẳng muốn cho một kẻ nào phải hư mất.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc.

Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.

Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau.

Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.

Sự phục sinh của Đức Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta: Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.

Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giêsu vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giờ lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh: “Nhưng họ vẫn không tin”, “và các ông vẫn không tin hai người này”, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Tin Đức Giêsu phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.

Tóm lại, đức tin vào Đức Giêsu phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ở đời này.

Niềm tin Phục sinh đã bén rễ sâu và được thực hiện nơi người tín hữu qua mọi thời đại bằng lời nói, bằng lòng can đảm, đôi khi bằng chính mạng sống mình. Cũng chính niềm tin đó mà thánh Stêphanô đã trở nên chứng nhân đầu tiên và trải qua nhiều thế kỷ mãi cho đến ngày nay các chứng nhân tử đạo vẫn nối tiếp làm chứng nhân cho niềm tin Phục sinh, bất chấp mọi thứ kể cả cái chết. Đó là niềm tin của Giáo hội: Đức Kitô Phục sinh và chúng ta cũng được phục sinh

Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra sự hiện diện của một Thiên Chúa mà phần đông chúng ta tưởng Ngài đã chết. Ngài vẫn luôn hiện diện với ta dù rằng nhiều lúc con người như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Ánh sáng của Ngài vẫn dọi chiếu, nhưng theo một góc độ nào đó buộc chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn.

Huệ Minh

Read 168 times Last modified on Thứ bảy, 06 Tháng 4 2024 07:22