Thứ Tư tuần 8 Thường niên (Mc 10,32-45) - Để phục vụ
Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ (Mc 10,45)
(Mc 10, 32-45)
1. Địa vị và quyền hành đã gây ra chia rẽ giữa các môn đệ. Điều đó cho thấy mục đích theo Đức Giêsu của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba.
Đức Giêsu thì cương quyết lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Đức Giêsu nói rõ, con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình, là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Đó là vinh quang đích thực của Đức Giêsu và của những môn đệ Ngài.
2. Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ: “Ngài sẽ bị nộp cho các thượng tế và luật sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Ngài... nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại” (Mc 10, 33). Đây là lần thứ ba Chúa nói cho các môn đệ biết về điều này. Nhưng thật đau lòng, khi nghe Chúa nói như vậy, các môn đệ không quan tâm gì, các ông lại tranh giành ngôi thứ với nhau. Nhân cơ hội này Chúa đã sửa bảo các ông một cách tế nhị, và dạy các ông bài học sâu xa về lòng khiêm nhường phục vụ và thắng vượt tính ghen tương.
3. Khởi đầu câu chuyện là hai ông Giacôbê và Gioan, hai anh em ruột, xin Chúa cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn xin được địa vị cao trong nước Chúa khi Ngài được làm vua dân Do thái. Đây cũng là điều bình thường, ai lại không muốn cho mình được chỗ tốt nhất, được vinh dự?
Đức Giêsu quá biết tâm lý tự nhiên của mỗi người, muốn được làm lớn, được vinh dự, được làm thủ lãnh sai khiến người khác. Bởi vì các môn đệ hãy còn suy nghĩ về nước Đức Giêsu ở trần gian này, nên các ông còn thích quyền hành danh vọng và muốn người ta phục vụ mình.
Nhưng Đức Giêsu lại suy nghĩ khác, nước Ngài không thuộc về thế gian, cho nên người có quyền hành không được dùng địa vị của mình để cai trị áp bức người khác, để lên mặt ta đây, và bắt người khác phục vụ mình, nhưng trái lại phải biết phục vụ, không phải chỉ dành quyền lợi cho cá nhân mình, nhưng để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.
4. Các môn đệ được coi như những con người còn rất “thô sơ”, còn đầy những nết xấu ví dụ như trường hợp hôm nay, các ông có tính ghen tị. Lòng kiêu ngạo muốn tranh đấu để làm đầu mọi người là điều không tốt, nhưng lòng ganh tị cũng không tốt đẹp gì. Khi thấy hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa được ngồi bên hữu bên tả Chúa, các môn đệ khác khó chịu, bực mình. Các ông ghen tị, không muốn cho hai anh em kia được phần hơn. Các môn đệ của Chúa cũng vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Điều này cũng chứng tỏ các ông còn suy nghĩ về nước Đức Giêsu ở trần gian. Vì thế, Chúa cũng sửa bảo các ông phải loại bỏ tính xấu này.
Kiêu ngạo và ghen tị là hai nết xấu đã cản trở sự phát triển đời sống chúng ta về mọi phương diện. Chúng ta phải loại bỏ hai tật xấu này để sống hòa hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng ai kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng ai phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.
5. Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn: “Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10, 45).
Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là “thừa tác” hay “trợ tá” theo đúng nghĩa của chữ Latinh “Minister” là tôi tớ; hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos” là đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.
Trong các vị lãnh đạo của Giáo hội cũng phải có phẩm trật như người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu” (tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “Cá đối bằng đầu” (tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là huỷ bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.
6. Truyện: Gương Đức Giáo hoàng Gioan 23
Một lần kia, phái đoàn tòa Giám mục ra đón Đức Hồng y Roncalli mới đi xa về, vừa từ trên xe xuống. Mọi người ngạc nhiên, vì trên áo Hồng y có vương mấy cọng rơm đồng quê.
Ai hỏi, ngài cũng cười, nhưng các người đi cùng thì hiểu. Vì xe của Ngài đang từ hướng bắc về miền nam, đi qua đồng ruộng. Giữa đường có chiếc xe bò chở rơm sa hố. Ngài liền cho xe của Ngài dừng lại, xắn tay áo, ngài hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh lên đường.
Những cọng rơm trên áo Hồng y, ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng sự thực tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này lên ngôi Giáo hoàng, với tước hiệu Gioan 23, Ngài vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ như thế.
Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động: “Đức Giáo hoàng mất tích”. Nhân viên an ninh đi tìm. Cuối cùng gặp ngài đang nói chuyện với tù nhân trong khám đường Rôma.
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)