TMĐP- Mình Máu thánh Chúa là chính Chúa, nguồn mạch của tình yêu hiệp nhất, ở đó, chúng ta được liên kết, hiệp thông, hiệp nhất để hiệp hành với nhau.
Sách Khải Huyền của thánh Gioan Tông Đồ ghi rõ: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9). Thánh Phaolô cũng nhắc lại nhiều lần “Bữa tiệc của Chúa” khi viết: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa chịu chết” (1 Cr 11,26), vì “Đức Kitô đã tự hiến như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chau hằng sống” (Dt 9, 14).
Tiệc Cưới Con Chiên xuất phát từ thời Cựu Ước, khi Môsê, sau khi nhận Giao Ước với Đức Chúa trên núi, đã xuống gặp con cái Ítraen để thuật lại những gì Đức Chúa nói với ông. Nghe xong, “toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3). Ông Môsê lập bàn thờ, “dâng những lễ toàn thiêu và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Môsê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em dựa trên lời này” (Xh 24,4. 5-8).
Trước khi đi Giêrusalem để hoàn thành sứ vụ cứu độ nhân loại qua cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã muốn các Tông đồ dọn cho Ngài ăn lễ Vượt Qua, lễ mà chính Môsê năm xưa đã truyền cho dân phải thực hiện để được Thiên Chúa cứu ra khỏi đất nô lệ Ai Cập: “Hãy đi bắt chiên cừu về cho gia đình anh em, sát tế làm lễ Vượt Qua. Anh em sẽ lấy một bó hương thảo; nhúng vào máu trong chậu và lấy máu từ trong chậu bôi lên khung cửa; và không ai trong anh em sẽ ra khỏi cửa cho đến sáng. Đức Chúa sẽ rảo khắp Ai Cập để đánh phạt, và khi thấy máu trên khung cửa, Đức Chúa sẽ vươt qua trước cửa và không để cho Thần Tru Diệt vào nhà anh em mà đánh phạt. Anh em phải giữ điều đó như điều luật vĩnh viễn cho mình và cho con cháu” (Xh 12,21-24).
Mừng lễ Vượt Qua lần này, trong bữa tiệc cuối cùng với Nhóm Mười Hai trước khi đi vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu thay vì lấy máu chiên cừu làm hy lễ, đã lấy chính Mình Máu mình làm Giao Ước mới, khi “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24).
Lập bí tích Thánh thể và chức Linh Mục để duy trì sự hiện diện sống động của mình cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20), Đức Giêsu thiết lập một Giao Ước Mới bằng chính Máu Thịt Ngài để muôn người được tha tội và được hưởng sự sống đời đời như những đứa con thừa kế gia nghiệp của Người Cha Thiên Chúa.
Vâng, Thánh Thể là sự sống và tình yêu cứu độ của Emmanuen – Thiên Chúa ở giữa chúng ta; là niềm vui thiên đàng của tội nhân được thương xót (x. Lc 15,20); là nguồn ủi an của “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” (x; Mt 11,28); là bảo đảm của lời hứa ở cùng Giáo Hội và gìn giữ Giáo Hội của Đyức Giêsu: “Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18); là hạnh phúc được ở với , và ở trong Đức Giêsu của những ai đi theo làm môn đệ Ngài (x.Gl 2,20; Mt 5,1-10).
Và sau cùng, Mình Máu thánh Chúa là chính Chúa, nguồn mạch của tình yêu hiệp nhất, ở đó, chúng ta được liên kết, hiệp thông, hiệp nhất để hiệp hành với nhau trên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).
Jorathe Nắng Tím