TMĐP- Đức Giêsu dạy chúng ta hãy tin vào Ngài, thì lo âu, sợ hãi sẽ dừng bước; hãy phó thác nơi Ngài, thì sự dữ sẽ không đè bẹp được chúng ta. Ngài dạy chúng ta đừng sợ, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa trước mọi đe dọa, mọi gian truân, thử thách…
Đọc Tin Mừng Máccô với trình thuật về “một trận cuồng phong dữ dội nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (Mc 4,37-38).
Trước nguy hiểm mà sự chết gần kề, các môn đệ không chỉ hốt hoảng đánh thức Đức Giêsu và thất thanh kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi”, mà còn tỏ thái độ vừa kinh ngạc vừa trách móc trước thái độ “tỉnh bơ”, coi sóng to gió lớn, thuyền sắp chìm là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm của Thầy mình khi lầm bầm hỏi: “Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Đức Giêsu biết các môn đệ của Ngài sợ lắm, vì chung quanh không có bất cứ con tàu cứu hộ nào. Sợ cho mạng sống của mình, và sợ cho cả mạng sống của Thầy, vì đồng hội đồng thuyền, thầy trò chết chung là điều không thể tránh.
Trách các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” sau khi lên tiếng ngăm đe gió và truyền cho biển “Im đi! Câm đi!” (Mc 4,39-40).
Trong cuộc sống văn minh, hiện đại hôm nay, đôi lúc chúng ta nghĩ mình không còn phải sợ như các môn đệ của Đức Giêsu đã sợ khi phong ba bão táp dữ dội nổi lên, đe dọa mạng sống. Nghĩ như vậy thiết tưởng không hoàn toàn đúng, vì tuy không sợ sóng biển nhờ tàu bè trên biển được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ tối tân, nhưng còn rất nhiều nguyên nhân khác làm chúng ta sợ, và không chỉ sợ thiên tai, mà còn sợ gấp nhiều lần “nhân tai” do lòng người ngày càng vô cảm, gian ác là nguyên nhân của không biết bao nhiêu nỗi sợ rất kinh hoàng .
Khi nói với các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta:
Sự dữ làm chúng ta sợ, và sự dữ sẽ mãi có mặt trong thế gian, vì sự dữ theo tội lỗi, ma quỷ đi vào thế gian.
Thiên Chúa không là tác giả của sự dữ, cũng không đồng tình, đồng lõa với sự dữ, bởi chính Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa cũng phải sợ hãi và đau khổ vì sự dữ đến từ lòng dạ ác độc của những người quyết tâm hãm hại, tiêu diệt Ngài. Trong vườn Cây Dầu, trước giờ bị bắt đi hành hình, “Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33) đến đổ mồ hôi máu; và trên Thánh Giá, Ngài đã đau đớn than thở: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mc 15,34).
Làm người như mọi người, Đức Giêsu đã chia sẻ đến tận cùng nỗi sợ của con người trong những hoàn cảnh hãi hùng, bi đát, tang thương nhất, để cảm thông và yêu thương tất cả chúng ta, những con người phải mang mãi trong mình nỗi lo âu, sợ hãi trên suốt hành trình làm người.
Khi trách nhẹ các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”, Đức Giêsu dạy chúng ta hãy tin vào Ngài, thì lo âu, sợ hãi sẽ dừng bước; hãy phó thác nơi Ngài, thì sự dữ sẽ không đè bẹp được chúng ta. Ngài dạy chúng ta đừng sợ, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa trước mọi đe dọa, mọi gian truân, thử thách, vì “Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, vì Chúa đưa tay kéo những ai kêu cầu Người ra khỏi cảnh gian truân” (Tv 106,1.6), bởi “Người lại biến sa mạc thành hồ ao, và hoang địa khô khan nên nguồn suối” (Tv 106,35).
Hình ảnh ông Gióp trong Cựu Ước nhắc chúng ta đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, dù rơi xuống vực thẳm thương đau, bởi sự dữ dù hoành hành khủng khiếp đến đâu cũng không vượt được uy quyền của Thiên Chuá, điều mà Thiên Chúa đã nói với ông: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại, khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không đươc tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!”(G 38,8-11).
Xin Đức Giêsu, Đấng đã làm người và chia sẻ với con người nỗi sợ đau khổ và sợ chết ban cho chúng con tình yêu Thánh Giá, ở đó Chúa đã chiến thắng hỏa ngục, tội lỗi, sự dữ, tử thần nhờ sự chết và phục sinh của Chúa, để với niềm tin: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5, 15), chúng con sẽ không còn hoảng hốt, sợ hãi trước bất cứ sự gì, dù là thiên tai hay nhân tai, vì chỉ còn lại trong chúng con duy nhất một “tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5,14).
Jorathe Nắng Tím