Thứ Sáu tuần 15 Thường niên năm I - Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (Mt 12,1-8)
“Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”. (Mt 12,7)
Tinh thần của Lề Luật (Mt 12,1-8)
- Người biệt phái trách môn đệ Chúa Giêsu không giữ ngày hưu lễ, vì bứt gié lúa để ăn lúc đói. Người biệt phải chỉ xét trên mặt chữ của bản luật, mà không nhìn thấy nhu cầu của anh em mình. Luật được Thiên Chúa ban hành không phải để gò ép, nhưng là để thăng tiến con người, giúp con người đi trên con đường ngay thẳng. Vì thế, phục vụ con người đúng lý, đúng cách là thi hành luật trọn hảo nhất. Do đó, Chúa Giêsu đã nói với người biệt phái: “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế”.
- Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ nhị luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong Thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố Lề Luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – luật sĩ – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ; còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ (Hiền Lâm).
- “Paparazzi” theo tiếng Ý là tên gọi những tay chuyên rình chụp hình lén những nhân vật nổi tiếng để gây xì-căng-đan. Nhưng người Biệt phái này hẳn cũng đóng vai paparazzi đeo bám theo Chúa Giêsu và các môn đệ bén gót mới có thể bắt gặp các ông này bứt lúa ăn trong ngày sabat, một việc họ bảo là không được phép làm trong ngày hưu lễ. Thế là có cớ để “kiếm chuyện” với Chúa Giêsu. Mang sẵn một định kiến đầy ác ý tìm cách bắt lỗi người khác như thế là tự bít kín mọi ngõ ngách để cảm thông, và đồng thời biến lề luật trở thành công cụ săn lùng và kết án người khác (5 phút Lời Chúa).
- Hôm nay, trước cảnh các môn đệ Chúa Giêsu đói bụng, bứt mấy bông lúa vò nát để ăn, nhân cơ hội này người biệt phái bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sabát, bởi vì:
- Người Biệt phái chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.- Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là ngầm ý đề cao mình và che giấu sự giả hình của mình.
- Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
- Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin mừng Nhất lãm, nhưng nơi Tin mừng Matthêu, tác giả lưu ý hai điểm:
- Thứ nhất , quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức.
- Thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức.
Trả lời cho thắc mắc của những người biệt phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xảy ra trong Cựu ước liên quan đến Đavít và những người tuỳ tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm; hoặc việc các tư tế trong Đền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: ”Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội”. Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em những việc bên ngoài (Mỗi ngày một tin vui).
- Lề luật tối thượng là lòng “nhân hậu”. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ. Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.
- Truyện: Tấu khúc nhạc yêu thương
Thi sĩ George Herbert, người Anh, ngoài tài làm thơ, ông còn có năng khiếu về hoà nhạc.
Một buổi tối nọ, lúc đang trên đường đi dự buổi hoà nhạc, thi sĩ gặp một chiếc xe ngựa bị sa lầy. Trên xe hàng hóa chất rất nặng. Bác đánh xe ngựa thì già yếu và con ngựa thì quá đỗi gầy còm.
Không chút ngần ngại, thi sĩ đã bỏ cây đàn bên vệ đường rồi giúp bác đánh xe ngựa bốc dỡ hàng hoá và đẩy chiếc xe ra khỏi vũng lầy. Sau đó, ông lại tiếp tục giúp xếp hàng lên xe. Rồi nhìn con ngựa gầy còm mà ái ngại cho nó, ông tặng bác đánh xe ngựa một số tiền để mua cỏ cho nó ăn.
Công việc xong xuôi thì trời đã về khuya. Bộ đồ dạ hội của thi sĩ cũng đã lem luốc những bùn. Tuy thế, ông vẫn đến nơi đã hẹn. Tới nơi thì buổi dạ hội đã xong rồi.
Một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hoà nhạc tuyệt vời”.
Thi sĩ George Herbert mỉm cười đáp lại: “Phải, đúng thế. Nhưng để đền bù lại, tôi đã tấu được một khúc nhạc tuyệt vời hơn rất nhiều. Đó chính là tấu khúc nhạc yêu thương”.
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)