Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 26 Tháng 7 2024 06:30

Dụ ngôn cỏ lùng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Dụ ngôn cỏ lùng

Thứ Bảy tuần 16 Thường niên năm I - Kiên nhẫn và lạc quan (Mt 13,24-30)

Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”
Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.”

 

 

Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,24-30)

  1. Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói đến Giáo hội ở trần gian lúc nào cũng tồn tại hai hạng người lành – dữ và hai thế lực thiện – ác lẫn lộn. Thái độ của ông chủ trong bài Tin mừng khi biết trong ruộng lúa của mình có cỏ lùng là cứ để cho lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt. Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi những người còn yếu đuối, để cho họ được cứu độ.
  2. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi của người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha... chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năn thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt... Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người  hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi người chúng ta.

  1. Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng hề biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành cỏ lùng; nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn hảo. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.

Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.

  1. Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội thánh  đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ ăn năn sám hối để được tha thứ.

  1. Bài dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng dạy ta bài học sau đây: mùa gặt, ngày tận thế là thời gian chín mùi để có thể kết án ai là cỏ lùng và tuyên dương ai là lúa tốt thực sự. Sự vội vàng xét đoán người thiện kẻ ác có nguy cơ khiến lúa tốt lại bị coi là cả lùng, cỏ lùng bị nhầm là lúa tốt. Hơn nữa, chính Chúa mới là chủ để đưa ra lời phán quyết chung thẩm. Trước mùa gặt cánh chung ấy, Chúa dạy chúng ta sống nhân từ, nhẫn nại giữa tình trạng lúa tốt xen lẫn cỏ lùng, người tốt kẻ xấu ở chung với nhau, ngay cả trong lòng một hội được gọi là Hội thánh của Ngài. Trong lĩnh vực tự nhiên, lúa tốt vẫn là lúa tốt, cỏ lùng mãi là cỏ lùng; thế nhưng, nơi cánh đồng tâm hồn con người thì không như vậy: người xấu có thể hoán cải trở thành bậc thánh nhân, và coi chừng người đang là tốt đây có thể biến chất mà thành kẻ tội lỗi (5 phút Lời Chúa).
  2. Giáo hội là thân thể Đức Kitô. Giáo hội hiện diện trong trần thế như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung của Đức Kitô. Sự kiên nhẫn và bao dung ấy được thể hiện qua cuộc sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ của người Kitô hữu đối với mọi người, nhất là những người không cùng niềm tin và quan điểm với mình. Qua cuộc sống như thế, người Kitô hữu làm chứng rằng Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương là ơn gọi đích thực của con người.
  3. TruyệnCải tà quy chính

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà quy chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma tuý và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chicô ngủ đã, anh mới quỳ gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: “Tôi bày tỏ với Chúa những gì có trong tim tôi... Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng... Tôi cảm thấy dường như có thể khóc được... đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: “Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: “Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: “Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

 

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 

Read 95 times Last modified on Thứ bảy, 27 Tháng 7 2024 07:34