Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 02 Tháng 8 2024 08:02

Cái chết của Gioan Tẩy giả

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Cái chết của Gioan Tẩy giả

 

Thứ Bảy tuần 17 Thường niên năm I (Mt 14,1-12)

 

“Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng.
Và vì đã trót thề trước khách dự tiệc,
nên sai người chặt đầu ông Gioan.”
(Mt 14,5.9-10)

 

Cái chết của Gioan Tẩy giả (Mt 14,1-12)

  1. Vua Hêrôđê nghe danh Chúa Giêsu thì tưởng là Gioan Tẩy giả đã chết mà nay đã sống lại. Chính Gioan là người trước kia đã cấm không cho vua cướp vợ của anh là Hêrôđia. Bà này bực tức nên xúi giục nhà vua tống Gioan vào ngục... Và ngày nọ nhân dịp nhà vua ăn tiệc mừng ngày sinh nhật, con gái bà ta nhảy múa làm cho nhà vua vui thích, nên vua hứa ban cho nó bất cứ điều gì nó muốn. Nghe tin đó, bà Hêrôđia muốn trả thù, nên xúi nó xin cái đầu của Gioan. Nhà vua nghe lời xin đó rất lấy làm buồn, vì ông kính nể Gioan, nhưng đã trót hứa nên phải sai người đi chém đầu ông mà giao cho con bé.
  2. Ông vua Hêrôđê này là người có tính thích của lạ và khoái nghe hùng biện. Vì thế, ông nghe đồn Gioan giảng dạy rất hay, nên ông cho mời Gioan đến thuyết trình trong triều, nhưng không phải để nghe diễn thuyết về chân lý mà là để thưởng thức tài hùng biện của Gioan. Thánh Gioan liền chộp lấy cơ hội này, để thức tỉnh lương tâm tội lỗi của Hêrôđê và Hêrôđia. Ngài kịch liệt khuyến cáo nhà vua không được phép cưới vợ của anh mình, Hêrôđê giật mình và phản công bằng cách ra lệnh tống giam Gioan vào ngục. Phần Hêrôđia vẫn chưa hài lòng, vì Gioan luôn là mối cản trở hành động sai trái của bà, nên bà tìm mọi cách để giết được Gioan mới thôi (Lm. Phạm Văn Phượng).
  3. Một ông vua Hêrôđê ham mê tửu sắc lại muốn giữ thể diện, vì đã lỡ thề với cô gái trước mặt bá quan văn võ, một bà Hêrôđia lăng loàn đem lòng oán hận đối với người đã lên tiếng tố giác mối quan hệ bất chính của bà, những người này ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy đen tối của Satan mà dấn bước không chút đắn đo vào hành vi tội lỗi. Còn Gioan thực thi sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, dọn đường cho Đấng Messia, dám một mình bênh vực lẽ phải, không khuất phục trước bạo quyền, ông mạnh mẽ lên án nhà vua: ngài không được phép lấy vợ của anh mình. Gioan đã sống và chết cho sứ mệnh. Ông làm tròn bổn phận Thiên Chúa giao phó (5 phút Lời Chúa).
  4. Phải biết nghe tiếng nói của lương tâm, vì lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa. Bao lâu lương tâm chưa được thanh thản, con người sẽ chưa có bình an thực sự.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan ở tù 10 năm (từ tháng 8/2003 đến tháng 11/2013). Vụ án đi vào ngõ cụt khi công an bức cung dùng nhục hình ép buộc ông Chấn nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp của. Thế rồi sau 10 năm, anh Lý Nguyên Chung đã ra đầu thú: chính anh mới là thủ phạm giết người. Lý Nguyên Chung sau khi trốn vào Gia Lai, đã thay tên đổi họ và không còn ai biết gì về anh nữa, nhưng rồi bỗng dưng anh lại về đầu thú, chỉ vì lý do 10 năm trời anh không khi nào ăn ngon ngủ yên vì tội lỗi của mình ám ảnh. Thật đúng như dân gian có câu:

Hổ giết người hổ lăn ra ngủ
Người giết người thức đủ năm canh.

Cũng thế, vua Hêrôđê vì một chút sĩ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy giả.

Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình.

  1. Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của các tiên tri, Giáo hội phải trở thành tiếng nói của Chúa Kitô. Như Gioan Tẩy giả đã dùng cái chết của mình để dọn đường cho Chúa, người Kitô hữu cũng có sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô. Trong những dòng cuối cùng của thông điệp Hoà bình dưới thế, Đức Gioan XXIII đã nói: “Mỗi Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là một tụ điểm của tình yêu, là một thứ men sống động giữa anh em mình, và người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò ấy khi càng sống kết hợp với Chúa”.
  2. Truyện: Gương can đảm tuyệt vời

Năm 1028, khi thấy mình gần đất xa trời, vua Constantin IX ở Rôma đã cho mời nhà quý tộc Romanus đến. Vua muốn cùng một lúc vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Theodora cho ông.

Nhưng Romanus tâu vua, mình hết lòng cảm ơn lòng thương của vua, song ông đã có vợ.

Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đằng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.

Sau một ngày, ông Romanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Romanus can đảm tâu vua:

- Dây hôn phối ràng buộc khanh với vợ do Thiên Chúa ràng buộc. Thế gian không ai có quyền tháo cởi.

Vua ra sức ép nhưng vô ích.

Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.

Đó là một con người đã hướng sự can đảm của mình vào những mục tiêu thật chính đáng.

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 

Read 126 times Last modified on Thứ bảy, 03 Tháng 8 2024 09:08