Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 14 Tháng 9 2024 07:00

Đấng Kitô nào?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐẤNG KITÔ NÀO? | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên, Năm B


TMĐP- Xin Chúa cho chúng con mỗi ngày được biết Chúa hơn.

Lúc này thì danh tiếng Đức Giêsu lừng lẫy khắp vùng qua lời giảng dạy và những phép lạ Ngài làm: người tật bệnh được chữa lành, người bị quỷ ám được giải thoát, và kẻ chết được sống lại.

Hôm ấy trên đường tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,27-28).

Các môn đệ báo cáo rất chính xác dư luận quần chúng về Thầy mình, vì quả thực, dưới mắt người Do Thái, Đức Giêsu là con người phi thường, đã đạt đến tầm cỡ của Gioan Tẩy Giả, của đại ngôn sứ Êlia, hay ít nhất cũng phải đồng hạng với các ngôn sứ, mà người Do Thái rất ngưỡng mộ, kính trọng.

Nhưng dư luận quần chúng không phải là điều Đức Giêsu muốn biết, bởi điều Ngài muốn ở các môn đệ, chính là với các ông, Ngài là ai, khi hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29).

Ông Phêrô, người môn đệ nhiệt thành, năng nổ bao giờ cũng lên tiếng trước anh em đã thưa với Ngài: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,30), tức Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu dân Người “khỏi mọi xiềng xích trói buộc, khỏi cạm bẫy tử thần bủa vây, khỏi âm ty chụp xuống trên mình, khỏi gian truân sầu khổ, diệt vong” (x. Tv 114), mà đến bây giờ người Do Thái vẫn khắc khoải ngóng trông.

Ngoài Phêrô đã được Đức Giêsu công khai khen ngợi: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”, sau khi ông tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” ( Mt 16, 16-17), còn lại các môn đệ khác, chưa chắc tất cả đã hiểu Đấng Cứu Thế là ai, và sứ mệnh của Ngài là gì?

Có thể các vị đợi chờ Đấng Cứu Thế đến như nhà giải phóng Ítraen khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, khỏi những áp lực quấy phá của các nước lân bang như môn đệ Giuđa Ítcariốt mong đợi, vì ông thuộc nhóm Zêlốt là tổ chức chính trị có mục đích giải phóng Ítraen; có thể các vị hình dung Đấng Cứu Thế sẽ đến như vua Kyrô, hoàng đế người ngoại đạo trong thời lưu đầy đã dành nhiều ưu ái cho Ítraen khi cho dân từ những miền đất lưu đày được trở về Giêrusalem; có thể các vị hy vọng Đấng Cứu Thế không chừng lại là một hoàng đế Rôma hay một quân vương như Hêrôđê Philípphê, mà thành phố nơi họ đang có mặt mang tên của cả hai người: Xêdarê – Philípphê.

Sở dĩ Đức Giêsu, sau câu trả lời của ông Phêrô, “đã cấm ngặt các môn đệ không được nói với ai về Người” (Mc 8,30), vì Ngài biết ngay lúc này, người Do Thái và cả các môn đệ, không có mấy người đã hiểu đúng sứ mệnh Cứu Thế của Ngài là gì, và biết rõ Ngài là ai, bởi chính ông Phêrô, người được Đức Giêsu lên tiếng khen ngợi vì đã nói đúng Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” cũng đã không hiểu sứ mệnh cứu thế của Ngài là “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”, nên đã can ngăn Ngài đừng lên Giêrusalem để khỏi phải gặp chuyện rắc rối, chết chóc bi thảm (x. Mt 16,21-23).

Như phần đông người Do Thái và hầu hết các môn đệ, chúng ta cũng lầm lẫn vì không biết rõ Đức Giêusu, Đấng Cứu Thế là ai, và sứ vụ cứu độ của Ngài là gì.

Vì không biết rõ Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ từ bi, nhân hậu, giàu lòng thương xót, chúng ta đã nhân danh, mượn tiếng Thiên Chúa, đội lốt môn đệ, dùng uy quyền, thế lực, ảnh hưởng của người được Đức Giêsu sai đến, “mà bó những gánh nặng chất lên vai người khác, nhưng chính mình thì không buồn động ngón tay vào”; vì không biết rõ Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế là Chiên Thiên Chúa hiền lành, khiêm nhường, “câm nín khi bị xén lông, chẳng mở miệng kêu ca khi bị đem đi làm thịt” (Is 53,7), Đấng đến để gánh tội trần gian, xoá tội mọi người (x. Ga 1,29), chúng ta đã để cho người ta sợ hãi tôn sùng, khúm núm phục dịch, hầu hạ mình, mà cố tình quên bẵng mình được sai đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) như Đấng Cứu Thế đã quỳ xuống rửa chân cho con người và chết cho con người trên Thánh Giá; vì không hiểu rõ sứ mệnh của Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để “gánh chịu những đau khổ của chúng ta.., bị đâm vì chúng ta phạm tội .., bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm .., phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.., và vì tội lỗi của dân, Người bị đánh phạt.., bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.. Nhờ nỗi thống khổ của mình, Người sẽ làm cho muôn người nên công chính” (Is 53, 4.5.8.11), chúng ta đã tự cho mình quyền xét xử, lên án, hành hạ người khác, lại gian tham, ăn chơi vô độ, nhất là gian dối “tỏ vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (x. Mt 23, 1-28).

Xin Chúa cho chúng con mỗi ngày được biết Chúa hơn. Biết Chúa là Đấng Cứu Độ từ bi nhân hậu, giàu lòng thương xót, Đấng”hằng gìn giữ những ai bé mọn, yếu đuối”, Đấng “cứu gỡ mạng con khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, và ngăn ngừa con khỏi hụt chân” (Tv 114,6.8), vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” với những ai kính sợ, yêu mến Người (x.Tv 117).

Jorathe Nắng Tím

Read 74 times Last modified on Chủ nhật, 15 Tháng 9 2024 07:05