Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 01 Tháng 10 2024 14:42

Những điều kiện để theo Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những điều kiện để theo Chúa

 

Thứ Tư tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,57-62)

 

Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau,
thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

 

Những điều kiện để theo Chúa (Lc 9,57-62)

  1. Lúc này danh tiếng Đức Giêsu đã lừng lẫy khắp nơi về những lời giảng và phép lạ Ngài làm, vì thế có nhiều người đến xin làm môn đệ Chúa. Trong tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về ba người muốn đi làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Đức Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.
  2. Chúng ta hãy nghe linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái cắt nghĩa cho chúng ta ba câu chuyện này:

Người thứ nhất muốn theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó, nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49).

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang nay đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. Chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và có thể bị giết chết nữa.

  1. Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels (người phải chết) chôn les morts (người đã chết)”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9), nhưng Ngài dạy rằng: trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

  1. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ đó là Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau”: còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy, điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị...), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (Lm Carôlô, Hạt giống nảy mầm, tuần 26, tr 213-214).

  1. Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: ”Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.

Chúa Giêsu cùng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế.

  1. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo. Là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân, để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ (Ngọc Biển).
  2. Truyện: Phải dứt khoát từ bỏ

Một nhà buôn ở Frankfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng. Có một người anh trưởng trong một gia đình gồm 7 người anh em 16 tuổi đến xin việc. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật đầu nói: “Cậu không có nhiều may mắn lắm đâu. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận”. Nhân viên này dẫn cậu vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với ứng viên, đặt nhiều câu hỏi với chàng trai.

- Mời cậu một điếu.

- Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.

- Thế nào ? Cậu không hút thuốc ư ? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!

- Không. Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.

Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh.

- Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.

Và ném điếu thuốc đi, ông nói thêm:

- Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.

Sau đó, chàng trai được biết rằng: người làm công trước đã bị sa thải vì anh ta hút thuốc quá nhiều và đã thâm hụt thụt quỹ để mua thuốc. Vâng! Điếu thuốc không phải là nguyên nhân, nhưng làm chủ được bản thân mới chính là điểm son của chàng trai. Ông chủ đã phải nể phục trước sự can đảm chống trả với cơn cám dỗ và thái độ dứt khoát của anh.

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 

Read 93 times Last modified on Thứ tư, 02 Tháng 10 2024 06:07