28.11 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mươi-Tư Mùa Quanh Năm
Kh 18:1-2,21-23; Tv 100:2,3,4,5; Lc 21:20-28
Giờ Cứu Rỗi Gần Ðến
Ðoạn Tin Mừng hôm nay gợi lên trong chúng ta hai ý tưởng chính: lời loan báo thành Giêrusalem bị quân địch bao vây và tàn phá, yếu tố thứ hai là những dấu chỉ báo trước biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và đầy quyền năng. Ðây không phải là những dấu chỉ đáng làm cho chúng ta hoang mang lo sợ, mà ngược lại chúng làm cho chúng ta luôn thức tỉnh và hy vọng hướng đến tương lai huy hoàng được Thiên Chúa cứu rỗi.
Như là một biến cố lịch sử, thành Giêrusalem đã bị tàn phá hai lần, lần thứ nhất vào năm 70, do bởi đạo quân viễn chinh Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô, và lần thứ hai là vào năm 135, thời của hoàng đế Adriano. Ða số các nhà chú giải hiện nay cho rằng Phúc Âm theo thánh Luca phải được viết ra trong khoảng năm 80-90, vì thế khi viết những dòng Phúc Âm trên, tác giả Phúc Âm theo thánh Luca có biết những biến cố về thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70, và tác giả nhìn vào biến cố này không phải một cách thuần túy như là một biến cố chính trị mà thôi, nhưng còn như là một biến cố có ý nghĩa tôn giáo nữa.
Việc thành bị tàn phá là do hậu quả của tội lỗi mà thành đã phạm, bởi vì thành đã từ chối lãnh nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa mang đến cho. Và như thế, ứng nghiệm lời than trách và lời tiên tri của Chúa Giêsu về thành Giêrusalem được tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại trước đó nơi chương 13, câu 34-35 như sau: “Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà ngươi không chịu, thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi, mà Ta nói cho các ngươi hay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.
Lời Chúa trách Giêrusalem phản bội, chối từ ơn cứu rỗi không kết thúc trong tuyệt vọng nhưng được hướng đến một viễn tượng hy vọng lớn, Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi, và con người sẽ chấp nhận Ngài, sẽ hát lên bài ca “chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.
Nơi phần hai của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc được những loan báo hãi hùng của Chúa Giêsu về thế giới, đó là chiến tranh, tàn phá, những biến chuyển đầy lo âu, những tai ương thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu đây là những hình ảnh của một ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ khải huyền của truyền thống Kinh Thánh, để nhắc nhở cho người đồ đệ của Chúa biết rằng thế giới vũ trụ này không phải là một nơi cư ngụ vẹn toàn cho con người. Hơn nữa, những tội lỗi của con người làm cho thế giới vũ trụ không vẹn toàn này thay vì trở nên tốt hơn nhờ có sự cộng tác của con người với ơn Chúa ban, thì lại trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ đi đến lúc tan biến. Trong cái nhìn của lịch sử cứu rỗi thì đây không phải là một sự tan biến vào hư vô mà là một sự biến đổi trong Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà trở thành trời mới đất mới khi Con Người đầy quyền năng và vinh quang từ trong đám mây mà đến. Cuối cùng, Thiên Chúa ngự đến. Ngài là khởi đầu và là cùng đích của mọi loài, mọi sự.
Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói và xác tín rằng Thiên Chúa phạt lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi sự, mọi biến cố, Ngài luôn làm chủ và cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế mà không bao giờ người Kitô được phép để mình rơi vào trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta cần nhìn lịch sử theo cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của lịch sử cứu rỗi để niềm hy vọng Kitô không bao giờ bị tắt mất đi trong tâm hồn người đồ đệ của Chúa. Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta vui mừng lên mà hát bài ca “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.
Lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây… Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam: “Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành”. Ðành rằng, bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui, sự hãnh diện, tình yêu thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lý do gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những ràng buộc của thân xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.