Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 24 Tháng 1 2025 10:59

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm C Featured

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
   Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên, Năm C

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

 

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

 

Suy niệm

 

Để có thể tới gần Thiên Chúa từng ngày, con người cần phải tìm cho mình một con đường rất riêng cho mình, để có thể sống với lý tưởng cao đẹp của người tín hữu, mỗi người cần phải có ánh sáng soi lối chỉ đường, tất cả nhằm giúp con người không bị lầm lạc, không bị sai lối và không rơi vào sự bế tắc. Tuần lễ thứ ba thường niên với phụng vụ Lời Chúa là những câu chuyện, những bài học và những kinh nghiệm trong cuộc sống từ gia đình, từ cộng đoàn tất cả cộng góp lại, giúp con người luôn sống đúng với lý tưởng cao đẹp của người tín hữu Kito trong thế giới hôm nay và trong hoàn cảnh hiện tại của một xã hội đầy những cuộc đua về vật chất lẫn tinh thần.

Sau những ngày lang thang trên đất khách vì kiếp nô lệ, người Do thái phần nào hiểu được sự sai lầm của họ khi chạy theo các thần ngoại bang. Họ rước các thần lạ về trong đền thờ, một hình thức chọc giận Thiên Chúa, Ngài đã trừng phạt họ, cho các dân bắt đem đi lưu đày. Sau chuyến lưu đày dài ngày, họ được trở về trong niềm vui của người tự do, thế nhưng, khi được đứng trên đất tổ tiên, họ không biết phải làm thế nào, phải sống ra sao để khỏi làm mất lòng Thiên Chúa, các tổng trấn Nơ-khi-mê-a và Et-ra đã hướng dẫn họ bằng những lề luật của cha ông để lại: “Ngày ấy, thầy tư tế Es-dras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Es-dras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Es-dras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả”. Niềm vui vỡ òa khi có các tổng trấn được Thiên Chúa sai đến để hướng dẫn cho mọi người biết tạ lỗi với Thiên Chúa và đền tội cho mình. Thiên Chúa sẵn sàng quên mọi lầm lỗi của con người, Ngài chỉ mong con người cố gắng nghe lời chỉ dạy của Ngài, đi theo đường lối do Ngài hoạch định.

 

Bước sang thời Tân ước, Con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, Ngài tỏ lộ cho con người biết nhiều điều về Thiên Chúa và chính mình. Thánh Phaolo trong thư gởi giáo đoàn Co-rin-to, đã minh định về những ơn gọi mà Thánh Thần Thiên Chúa đã hướng dẫn cho con người thực hành, dẫu có nhiều công việc, nhưng chỉ có một Thánh Thần: “Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình”. Là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giesu Kito, người tín hữu phải tôn trọng chính mình và tha nhân, bởi họ cũng là chi thể trong thân thể mầu nhiệm đó. Thánh Thần sẽ liên kết đôi bên thành một, mọi dân tộc dưới trần là anh em với nhau. Sự cố gắng của con người luôn là một yếu tố quan trọng để chính mình được cứu độ.

 

Tâm tình tôn giáo là một yếu tố tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn con người ngay từ lúc nó hiện hữu trên cõi đời. Tâm tình đó thôi thúc con người đi tìm nguồn cội, tìm chỗ đứng cho mình, tìm ý nghĩa và giá trị của một tạo vật khi xuất hiện trên đời. Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giesu lớn lên trong một gia đình, chấp nhận sự chỉ dạy của Cha Mẹ, từng ngày lớn lên với những bài học về tôn giáo sâu đậm và ý nghĩa, vì thế, khi bước ra thế giới với sứ vụ mới, Ngài vẫn giữ thói quen tới các hội đường để cầu nguyện, đọc sách Thánh, bởi đó là nguồn năng lượng giúp chu toàn trách vụ của mình: “Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường”. Lời Chúa và đời sống cộng đoàn là hai yếu tố tạo nên sức mạnh thiêng liêng, giúp người tín hữu hoàn thiện ơn gọi của mình và sống với Thiên Chúa trong sự khiêm tốn và gần gũi hơn.

 

Đức Giesu dù là Thiên Chúa làm người, nhưng Ngài đã nêu gương cho con người trong việc đọc và hiểu Lời Chúa qua các tiên tri. Dù biết Thiên Chúa chỉ dạy con người với những bài học khác nhau, nhiều lúc nghịch lý với những suy nghĩ của con người, nhưng không bao giờ Thiên Chúa dẫn con người tới chỗ bế tắc hay đau khổ, nhưng luôn đưa dẫn con người tới chỗ khám phá ra chính mình, tôi là một tạo vật đầy khiếm khuyết nhưng được Thiên Chúa yêu thương, ôm vào lòng, tha thứ và cứu độ, vậy Thiên Chúa như một người Cha của tôi, và tôi chỉ là một đứa con hư hỏng được Ngài cứu sống và tha thứ. Mỗi ngày qua Mẹ Giáo hội, con người có nhiều cơ hội nghe Lời Chúa như tự mình tìm đọc hay tham dự Thánh lễ, đó là những cơ hội vàng để nghe Thiên Chúa chỉ dạy và hướng dẫn, có như thế, con người mới có thể kiểm soát được chính mình, kiểm soát con người hạ đẳng của mình để nâng cao giá trị của đời sống và niềm tin. Lời Chúa mãi là nguồn sống vô biên của con người.

 

Đọc và nghe Lời Chúa hôm nay là một việc làm bị coi là xa xỉ, đặc biệt với giới trẻ, bởi đó chỉ là những giáo điều, chỉ là những câu chuyện xa xưa và cũ kỹ, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, vì thế, nhiều người tín hữu Kito không còn tha thiết với việc đọc và nghe Lời Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, việc đọc Lời Chúa không còn được trân trọng, thiếu sự chuẩn bị, do đó, nhiều lúc trở thành sự bất kính đối với Lời Chúa, thứ đến, để nghe được Lời Chúa cần biết sự hướng dẫn của Giáo hội, nhưng được bao nhiêu người can đảm học hỏi và lắng nghe sự hướng dẫn của Giáo hội để nghe và hiểu Lời Chúa đúng với những gì Chúa Thánh Thần đang chỉ dạy cho Giáo hội.

 

Lạy Chúa, Lời Chúa luôn là kim chỉ nam giúp người tín hữu sống tốt hơn ơn gọi của mình, xin giúp chúng con biết khiêm tốn lắng nghe và nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng con hiểu được những bổn phận và trách vụ hiện tại của mình, tất cả để xây dựng Nước Chúa. Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra, xin giúp chúng con biết dựa vào những chỉ dẫn của Lời Chúa để xây dựng cộng đoàn, gia đình mỗi ngày nên hoàn thiện hơn như lòng Chúa mong muốn. Amen.

 

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 9 times Last modified on Thứ sáu, 24 Tháng 1 2025 11:02