Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 12 Tháng 2 2025 17:00

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 Thường Niên Featured

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 Thường Niên, Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 6, 17. 20-26)

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả” 

Suy niệm

Con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại với thân phận là một con người, Ngài còn đi tới chỗ tột cùng của con người đó là nghèo khó, đói khổ và bệnh tật, Ngài muốn ở lại bện cạnh họ, muốn chia sẻ mọi khó khăn, khổ đau về tinh thần của con người. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 6 thường niên năm C, mời người tín hữu Kito suy niệm về những mối phúc, mối họa của con người khi họ xa rời Thiên Chúa, đi tìm sự khôn ngoan và giàu có của thế gian. Chỉ có sự khôn ngoan của Tin mừng, của Nước Trời mới đem lại sự bình an đích thực trong tâm hồn con người, và đó cũng là những liều thuốc chữa trị những vết thương lòng cho con người, khi họ bị loại trừ, bị khinh miệt và phải khổ đau.

Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân riêng cho Ngài, đó là dân Do thái, Ngài đã chăm sóc họ như người cha chăm sóc cho con cái, Ngài chỉ mong họ biết nhận ra chân lý đích thực, biết tin thờ một Thiên Chúa duy nhất, thế nhưng, không thiếu nhiều lần họ đã quay lưng với Ngài. Tiên tri Giê-rê-mi-a đã truyền đạt những lời răn dạy của Thiên Chúa khi ông chứng kiến thái độ sống thiếu chân thành: “Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”. Thiên Chúa không giống như các vị thần khác, Ngài luôn mong con cái Ngài được bình an, được hạnh phúc là được ở lại trong vòng tay của Ngài, chỉ có thái độ hững hờ, vô tâm của con người tạo ra những khoảng cách giữa họ với Ngài, nỗi đau lớn nhất của Thiên Chúa là bị phản bội.

Con người được cứu độ là nhờ vào niềm tin, thánh Phaolo đã nhắc lại cho con cái thành Co-rin-to lời tuyên tín đó, để họ luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, về sự cao cả của mỗi người vì được cứu nhờ bửu huyết của Con Thiên Chúa làm người: “Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em”. Đức Kito đã chết không vì thất bại trong kế hoạch của Chúa Cha, nhưng Ngài đã tự nguyện hy sinh để con người được cứu và được sống. Sự sống của Thiên Chúa chính là niềm hy vọng và là điểm đến của con người qua mọi thời đại. Nếu không có cái chết và sự phục sinh của Đức Kito, làm sao con người được gọi Thiên Chúa là Cha yêu.

Người nghèo được chúc phúc, còn người giàu thì không, có thể đó là suy nghĩ của con người khi nghe bài Tin mừng này. Nhưng đó không phải là mục đích của bài giáo huấn Đức Giesu dạy con người, Ngài hướng con người đến phẩm giá của con người vì sự chia rẽ của thế gian: “Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương”. Vì đang nô lệ vào tội lỗi, sự chết, nên con người mang trong mình đau khổ, bệnh tật và yếu đuối, Con Thiên Chúa làm người để chia sẻ kiếp khổ đau đó, hơn nữa, Ngài còn nghèo khó và khổ đau hơn con người hôm nay, vì thế, Ngài luôn đứng bên cạnh người nghèo, người bệnh và người khổ đau, để nâng đỡ họ mỗi ngày.

Sự hiện diện của Đức Giesu giữa dân Do thái, một dân tộc nghèo nàn về vật chất nói chung, hơn nữa, sinh ra trong một gia đình bần nông, thiếu thốn trăm bề, Con Thiên Chúa đã chấp nhận sự tận cùng của kiếp nghèo, nhà cửa không có, sinh ra trong chuồng súc vật, sống lang thang không có nơi gối đầu, chết ngoài đường trong tấm thân trần trụi. Có thể nói Ngài nghèo khổ hơn những người nghèo của nhân loại, Ngài thiếu thốn hơn con người ngày xưa và hôm nay, vì sao Ngài lại trở nên nghèo như thế và muốn như thế, có phải để cổ vũ cho cái nghèo, chấp nhận cho người ta bóc lột sức lao động của mình, hay để cổ vũ cho một xã hội phân chia giàu nghèo rõ rệt hơn chăng, Ngài chúc phúc cho người nghèo để dìm những người giàu xuống bùn đen, Thiên Chúa không có những cách suy tưởng như thế gian, Ngài luôn mong con người được nhìn nhận, được trân trọng và được hưởng quyền làm người bình đẳng, vì thế, muốn xóa bỏ sự bất công trong xã hội, muốn loại trừ nghèo đói trong thế giới, con người phải tôn trọng lẫn nhau, nhìn nhận quyền làm người và quyền được sống của con người.

Cái nghèo, cái khổ của con người hôm nay luôn bị coi là nỗi đau lớn nhất của nhân loại, vai trò của con người trong thế giới là quản lý tài sản từ vũ trụ, thiên nhiên trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, thế nhưng, họ đã hành động ngược lại, muốn sở hữu tất cả, ngay cả Thiên Chúa, họ muốn ôm lấy tất cả trong bàn tay, vì thế, họ sẵn sàng bóc lột sức lao động của tha nhân, sẵn sàng phá đổ mọi trật tự của thiên nhiên, sẵn sàng điều khiển cả thế giới theo tham vọng của họ. Do đó, sự sống con người, sức lao động con người và phẩm giá của con người bị coi là những món hàng siêu lợi nhuận để trao đổi, mua bán. Đích điểm cuộc đời của họ là của cải, vật chất và địa vị, chẳng quan tâm đến sự sống mai sau, vậy con người có hơn con vật tí nào không khi chúng cũng sẵn sàng cắn xé lẫn nhau để tranh giành miếng mồi và chúng cũng đâu có suy nghĩ gì đến ngày mai.

Thiên Chúa làm người đã chấp nhận sự tột cùng của nghèo khó trong phận người, Ngài chúc phúc cho người nghèo vì họ không còn một chỗ dựa nào giữa thế giới này và Ngài đã đứng về phía họ, Ngài luôn bao bọc và che chở cho họ. Những ai dám chọn Thiên Chúa là lẽ sống dù có nhiều của cải vật chất, đó mới thực sự là những người giàu có về tình yêu chia sẻ và trao ban. Mỗi ngày, Thiên Chúa luôn mong nhân loại thay đổi suy nghĩ và nhận thức của mình, để không chỉ sống hiện tại, nhưng biết hướng về mai sau, về sự sống đời đời, đó mới là một suy nghĩ của con người đúng nghĩa, đừng biến mình trở thành con vật, chỉ biết cắn xé đồng loại vì cái ăn hôm nay, mà đánh mất những giá trị tinh thần của một tạo vật mang hình ảnh Thiên Chúa tình yêu.

Lạy Chúa, Chúa đã sinh ra trong chuồng súc vật vì gia đình Chúa quá nghèo, Chúa đã chết như một kẻ vô gia cư cũng vì quá nghèo, xin giúp chúng con hiểu khái niệm nghèo theo tinh thần của Tin mừng, để chúng con được Chúa chúc lành và cảm thông, được Chúa che chở và bảo vệ bởi vì Chúa cũng là một người nghèo. Sống trong một gia đình thiếu thốn trăm bề và mọi thứ cần cho cuộc sống, nên Chúa hiểu người nghèo hôm nay đang cần những gì cho chính họ, xin Chúa cho họ gặp được những con người có vòng tay nhân ái, có trái tim độ lượng và một tinh thần quảng đại, để giúp đỡ, chia sẻ và yêu thương những người thiếu thốn, nghèo khó cả về vật chất lẫn tinh thần. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 6 times