Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 26 Tháng 10 2013 06:59

Thật đáng thương ( suy niệm Chúa nhật 30 tnc)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những tâm hồn tan nát khiêm cung là những người biết nhìn nhận sự thật. Chẳng phải họ có công trạng gì hơn người khác nhưng hoàn cảnh bi đát đau thương là một điều kiện thuận lợi để họ sống trong sự thật











Thật đáng thương

Suy niệm Chúa Nhật XXX TN C

Thể hiện: Lê Anh

 

Giêsu Nagiaret quả là một tôn sư không chỉ to gan mà còn quá bạo phổi. Pharisiêu, một nhóm người được xem là đạo hạnh, đáng trọng kính theo cái nhìn của người đương thời, thế mà bị đem ra để đối trọng với thế bại trận trước phường thu thuế đáng khinh, đáng phỉ nhổ. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (một người thuộc nhóm Pharisiêu và người kia thì làm nghề thu thuế) mà Chúa Giêsu kể chắc hẳn khiến nhiều người lúc bấy giờ tức anh ách.

Người ta thường khuyên nhau rằng viết thì phải lách, dạy thì phải dỗ, nghĩa là nhẹ nhàng, từ tốn thì sẽ đạt hiệu quả, còn cứ nói, cứ viết trực diện theo kiểu thẳng tàu ruột ngựa thì khó mà đạt kết quả như ý mà nhiều khi còn chuốc lấy thất bại. Thế nhưng, tư tưởng của Thiên Chúa thì vượt quá tư tưởng nhân loại chúng ta, đường lối của Người cũng hoàn toàn khác xa đường lối của chúng ta. Bỏ trời cao, xuống thế gian này “để làm chứng cho sự thật”, Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày những chân lý thoặt nghe qua rất đỗi “chối tai”. Một chân lý được tỏ bày khi mà người nói đã sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả xấu xa hay tồi tệ xảy đến cho mình thì chân lý ấy quả là quan trọng và cần thiết biết bao cho người nghe. Và cái chân lý của câu chuyện dụ ngôn “hai người lên đền thờ cầu nguyện” đã được thánh sử Luca nói rõ: “Khi ấy, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê kẻ khác”(Lc 18,9). Và người số người này sẽ không được nên công chính (x.Lc 18,14).  Xin cùng xét xem đôi nét “đáng thương” của ngài biệt phái trong câu chuyện dụ ngôn.

Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng “công trạng” hay có thể nói là “đức độ” của vị biệt phái quả là đáng khâm phục, vì vượt xa đức độ cũng như công trạng của nhiều người. Giữ mình khỏi những hành vi xấu xa như trộm cắp, ngoại tình và những việc bất chính cũng đã là một nỗ lực rất đáng khen. Vị biệt phái này còn ăn chay mỗi tuần hai lần trong khi luật Do Thái chỉ buộc ăn chay một ngày trong năm đó là ngày Lễ chuộc tội. Vị này cũng đã dâng một phần mười tất cả các khoản thu nhập để tỏ lòng kính sợ Chúa, tạ ơn Chúa (x.Đnl 14,22-23), để nuôi hàng Tư tế, các thầy Lêvi, những người ngoại kiều, cô nhi quả phụ (x.Đnl 14,28-29; 26,10-11). Và việc thưa trình với Thiên Chúa những gì mình đã làm cũng là chính đáng và hợp luật (x.Đnl 26,12-15). Dù không quá đáng ghét, nhưng vị biệt phái “đạo đức” này vẫn là “kẻ đáng thương” như thánh sử Luca nói từ đầu câu chuyện dụ ngôn.

-“Kẻ đáng thương!”: Với thế dáng đứng thẳng của vị biệt phái mà câu chuyện dụ ngôn kể nói lên sự lầm tưởng của ông ta. Khi vị biệt phái tự hào cho mình là người công chính thì ông lầm tưởng rằng những gì ông đạt được là do bởi công sức và đức độ của mình. Phận bình sành, lọ đất mà dám lên mặt với người thợ gốm sao? Vị Pharisiêu này  đứng thẳng mà không nhìn lên Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ông ta từ cõi hư vô. Ông lại còn nhìn ngang nhìn ngữa, nhìn trước nhìn sau để chứng tỏ công trạng của mình. Ông đã dùng người anh em thu thuế đứng đằng sau làm tấm bình phong để tự tôn mình lên.

Biết bao lần chúng ta đã đặt mình vào tình trạng “kẻ đáng thương” hay “đồ đáng thương” vì lầm tưởng về các khả năng hay công trạng mình đang có. Vì cái lầm này khiến chúng ta quên đi chân lý nền tảng đó là ngay sự hiện hữu của chúng ta ở đời này là do lãnh nhận. Quả thật chẳng có một ai trong nhân loại đã bỏ ra chút công sức hay của tiền để được làm người, để được chào đời. Nếu ý thức và chân nhận sự sống, sự hiện hữu của mình là do lãnh nhận thì chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để tự cao, tự đại về những thành quả hay thành công đạt được cách này cách khác, mặt này, mặt kia. Thánh Phaolô khẳng định : “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? (1 Cr4,7). Nếu Chúa không nâng đỡ thì không ai có thể tồn tại và phát triển. Không có ơn Chúa thì chúng ta sẽ chẳng làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Sự lầm lẫn khiến người biệt phái đã xa rời sự thật nền tảng này.

-“Người được xót thương”: Dữ kiện người thu thuế không dám tiến gần chính điện, cũng không dám ngước mặt lên trời muốn khẳng định thái độ khiêm nhu nhìn nhận sự bất xứng, bất toàn của anh. Anh lại còn đấm ngực thú nhận thân phận tội lỗi của chính mình. Với thái độ khiêm nhu, người thu thuế đã sống trong sự thật. Và sự thật đã giải thoát anh (x.Ga 8,32). Anh ra về và được nên công chính, nghĩa là đã được Chúa xót thương.

Có phải Thiên Chúa không thương xót người biệt phái chăng? Có thể trả lời cách không sợ sai lầm rằng Thiên Chúa xót thương hết thảy mọi người. Vị biệt phái không nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ vì ông ta không thấy mình cần được xót thương. Nước mưa từ trời tuôn đổ xuống nhưng cái nắp chai không được mở ra thì chai vẫn mãi rỗng không. Khi khiêm hạ nhìn nhận sự thật của mình, người thu thuế đã mở rộng tấm lòng và ông đã đón nhận được tình xót thương của Thiên Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh khẳng định rằng Thiên Chúa nhậm lời kẻ nghèo hèn khẩn xin (x.Tv 33). Những tâm hồn tan nát khiêm cung là những người biết nhìn nhận sự thật. Chẳng phải họ có công trạng gì hơn người khác nhưng hoàn cảnh bi đát đau thương là một điều kiện thuận lợi để họ sống trong sự thật, đó là loài người tuy cao cả nhưng lại mong manh và bất toàn. Trái lại, một khi chúng ta thành công hoặc đạt được những kết quả mặt này mặt kia thì chúng ta dễ bị cám dỗ sinh tự mãn, tự kiêu. Người tự kiêu, tự mãn không chỉ lên mặt coi thường tha nhân mà vô tình hay hữu ý còn bất cần cả Thiên Chúa.

Giúp nhau nhìn nhận sự thật: “chúng ta là loài được dựng nên; sự sống, các khả năng của chúng ta là do lãnh nhận”, và giúp nhau can đảm sống trong sự thật: “chúng ta vốn mỏng manh và bất toàn”, chính là một phương thế tuyệt hảo đưa nhau ra khỏi tình cảnh “kẻ đáng thương” để trở thành “người được xót thương”. Nói như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đó là sống bác ái trong chân lý bằng việc nói lời sự thật trong tình thương. Thiết nghĩa rằng đây là một phương thế truyền giáo đẹp lòng Chúa Kitô, vì chúng ta dõi theo chân Người, Đấng đã từng khẳng định trước Philatô rằng mình bỏ trời xuống thế gian là để làm chứng cho sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát nhân loại chúng ta (x.Ga 18,37).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Read 1752 times Last modified on Chủ nhật, 27 Tháng 10 2013 16:03