Mẹ Thiên Chúa_ Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Mẹ Thiên Chúa Năm B
Posted by Hồng BínhBài Hát: Mẹ Thiên Chúa
Nhạc: Nguyễn Quang Huy
Thể Hiên: Đang Cập Nhật
Nghe Suy Niệm Audio
“Lậy Thánh Mẫu, chúng tôi kính chào Mẹ là Đấng đã sinh ra Đức Vua cai trị trời đất muôn đời” (Ca nhập lễ).
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Ngôi Hai Thiên Chúa. Tất cả đều là danh hiệu của một hài nhi đang nằm trong máng cỏ, trong một hang đá bò lừa ở đồng quê Belem. Và đó cũng là tất cả những gì thuộc về và là con trẻ ấy trong những tháng ngày thơ trẻ dưới mái nhà Nagiaréth, cũng như sau này trên con đường truyền đạo, và chết nhục nhã trên thập giá. Hài nhi ấy, thanh niên ấy, tử tội ấy là Giêsu.
MẸ CỦA GIÊSU:
Trước ngày Ngài giáng trần 500 năm, Isaia đã nói về Ngài: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta. Một người con đã sinh ra cho chúng ta. Người mang trên vai vương quyền. Thiên hạ sẽ gọi Ngài là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Anh Hùng, Người Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Thái Bình” (Isaia 9:5).
Nhưng như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ, vì “Mẹ là Đấng đã sinh ra Đức Vua cai trị trời đất muôn đời”, nên dù Giêsu ấy là gì đi nữa, là ai đi nữa thì Maria cũng vẫn là mẹ. Giêsu cũng vẫn là con. Mẹ và con – Con và mẹ. Thánh ký Luca đã ghi lại tương quan này bằng một cái nhìn rất nhân bản, nhưng cũng hàm chứa những giá trị thần học về vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ Thiên Chúa của Mẹ: “Khi ấy các mục tử ra đi vội vã đến thành Belem, và gặp Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ” (Luca 2:16). Một cách khác, Thánh ký có ý nói rằng, qua Maria chúng ta mới tìm gặp được Giêsu. Và Giêsu là sở hữu, là con của Mẹ.
Nếu Maria là mẹ của Giêsu, mà Giêsu là Thiên Chúa, có nghĩa là Maria cũng là mẹ của mỗi chúng ta: “Hỡi bà, này là con bà” ( Gioan 19:26). Đó là lời mà Giêsu trong vai trò một Đấng Cứu Thế đã nói với Maria về chúng ta. Do việc Maria nhận lấy chúng ta đã làm trọn ý nghĩa của hai tiếng “Xin Vâng” – Fiat, mà Mẹ đã thưa với Tổng Thần Gabriel trong ngày Truyền Tin. Ngày đó, Mẹ đã nhận lời làm mẹ của Giêsu, cũng có nghĩa là mẹ của mỗi chúng ta, vì Giêsu là Cứu Chúa, và là Thiên Chúa mặc xác phàm để ở với chúng ta, Ngài là Emmanuel.
Nhưng dù Maria là Mẹ của Thiên Chúa mà vẫn có những điều Mẹ đã không hiểu về Ngài. Thánh Luca ít nhất đã 3 lần đề cập đến điểm này:
MẸ CỦA NIỀM TIN:
“Maria ghi nhận tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Luca 9:19). Đó là lần mà Mẹ đón nhận các mục đồng đến thăm hang đá. Những người này nghe theo lời thiên sứ đến chiêm bái Hài Nhi Giêsu. Và điều này đã làm cho Mẹ cảm thấy cần phải suy nghĩ, cầu nguyện và kết hợp thêm với Thiên Chúa – có lẽ để Mẹ tin nhận thêm ở người con mà Mẹ đang ẵm trên tay, và cho bú ấy – phải chăng là một Thiên Chúa? Sao lại nghèo hèn, yếu đuối và khổ sở quá vậy?!
“Nhưng ông bà không hiểu những gì ngài đã nói với họ. Mẹ ngài ghi nhận mọi việc ấy trong lòng” (Luca 2:50-51). Những bàng hoàng và sửng sốt của biến cố giáng trần ở hang bò lừa tại đồng quê Belem và việc các thiên thần, mục đồng, ba vua đến chiêm bái Hài Nhi. Những lời nói của các tiên tri Simêon và Ana trong đền thờ khi tiến dâng con còn đang được Mẹ “ghi nhận và suy nghĩ trong lòng”, nay đã 12 năm sau đó, thời điểm trẻ Giêsu bước vào tuổi dậy thì. Trong lần về Giêrusalem dịp đó, một lần nữa Giêsu lại làm sống lại cái khó hiểu về chính Ngài và về vai trò Cứu Chuộc của Ngài. Bằng những lời lẽ và cử chỉ của mình: “Tại sao ông bà tìm tôi? Ông bà không hiểu rằng tôi phải ở lại trong nhà Cha tôi sao?” (Luca 2:49)..
Giuse và Mẹ khó hiểu vì tâm lý phát triển và những thay đổi về tính tình nơi Giêsu đang lúc bước vào tuổi dậy thì? Một người con từ trước tới nay vẫn hiền lành, dễ thương, kính trọng cha mẹ, nhưng nay lại có những lời nói và thái độ xem như “hỗn láo”, và thiếu kính trọng đối cha mẹ. Hay vì những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Con của các Ngài. Trước vực thẳm sâu khôn lường của Thiên Chúa, Mẹ Maria quả thật có nhiều điều không hiểu, vì dầu sao Mẹ cũng chỉ là một thụ tạo, dù là một thụ tạo siêu vời và được Thiên Chúa yêu mến, tuyển chọn.
Việc Mẹ khó hiểu và việc Mẹ ghi nhận để suy nghĩ đã trở thành một gương sống động cho mọi Kitô hữu khi đứng trước Thánh Ý và những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và việc Mẹ ghi nhận để mà suy nghĩ là một bài học thực hành cho nhân loại về sự kết hợp và đón nhận Thánh Ý ấy. Như tiếng xin vâng của ngày Truyền Tin, Mẹ luôn luôn xin vâng trong mọi cảnh ngộ, dù là những điều mình không biết, không hiểu. Tìm hiểu, cầu nguyện, và mật thiết kết hợp với Thiên Chúa chính là lời giải thích cho sự khó hiểu của Mẹ. Nó cho chúng ta biết rằng, không một phút giây nào, Mẹ không mật thiết với Thiên Chúa qua Giêsu, người Con của Mẹ.
MẸ CỦA NHÂN LOẠI:
Tiếp sau thái độ và phản ứng của Mẹ trước những mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã thực hiện trong cuộc đời Mẹ những hành động trao ban mà giờ đây, chúng ta đã không ngần ngại đến với Mẹ, vì biết rằng Mẹ vẫn thế, vẫn luôn luông kín múc thần lực và tình yêu nơi Thiên Chúa, rồi lại trao ban và chia sẻ với con cái loài người.
Việc làm đầu tiên Mẹ làm là hành động ra đi vội vã để đem Chúa Giêsu đến với bà chị họ Isave và con bà là Gioan lúc đó còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ đã không giữ lấy hạnh phúc và ân sủng làm Mẹ của Giêsu cho riêng mình, nhưng là đã chia sẻ và trao ban cho tất cả. Tất cả mọi người không phân biệt giầu nghèo, cao sang quyền quí hay đơn sơ, nghèo đói.
Sau khi Giêsu chào đời, Mẹ đã trao ban cho chúng ta qua các mục đồng trong đêm hôm đó tại đồng quê Belem. Rồi đến Ba Vua đến từ phương Đông, cho Simêon, cho Ana trong đền thờ Giêrusalem. Sự trao ban rộng rãi ấy đã khiến cho Giêsu gặp liên lụy, và Giuse đã phải đang đêm trường lạnh lẽo tìm đường lánh nạn cho Giêsu và Mẹ.
Nhưng rồi, khi có cơ hội, Mẹ lại cũng cứ trao ban, và sẵn sàng chia sẻ Giêsu với những người khác. Trường hợp xẩy ra tại tiệc cưới ở Cana, trong khi chưa ai ngỏ lời, thì Maria đã sốt sắng can thiệp: “Họ hết rượu rồi”, đến nỗi có thể nói khiến Chúa Giêsu khó chịu: “Việc đó có can chi đến bà và tôi. Giờ tôi chưa đến” (Gioan 2:3-4).
Sau cùng là sự trao ban tất cả, khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, cùng với Giêsu hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại, và để đón nhận nhân loại đã được cứu chuộc nhờ cái chết của Giêsu.
Maria làm mẹ Giêsu, làm Mẹ Thiên Chúa là cho nhân loại và vì nhân loại. Mẹ đã không giữ đặc ân ấy riêng cho mình, nhưng là trao ban cách rộng rãi cho hết thảy, nhờ đó, chúng ta được đón nhận Ngài, làm con Ngài và làm con của Mẹ.
Thật vậy, nếu Mẹ không vội vã ra đi đến thăm Isave, thì làm gì Isave có được cái hân hạnh “Mẹ Chúa và Chúa đến viếng thăm”. Gioan làm gì được cái sung sướng đến nhẩy mừng trong lòng thân mẫu.
Nếu Maria không trao ban thì làm gì các mục đồng, Ba Vua, ngay cả tiên tri Simêon và Ana được phúc bỗng ẵm Chúa Hài Nhi, khiến Simêon đã vui sướng thốt lên: “Xin hãy để tôi tớ Chúa ra đi bình an như lời Ngài đã hứa. Vì mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ ngài sắm sẵn cho muôn dân. Ánh sáng đã được chiếu soi cho các dân tộc, vinh quang cho Israel dân ngài” (Luca 2:29-32). Hoặc làm gì đôi tân hôn hôm đó tại tiệc cưới Cana khỏi bị xấu hổ, thẹn thùng vì hết rượu.
Nhưng Mẹ đã không trao ban những gì mình không biết, và không nắm vững. Và để có thể trao ban như vậy, Mẹ đã thường xuyên “giữ lấy và suy nghĩ trong lòng” mọi điều về Giêsu. Điều mà Mẹ không hiểu và không hay biết. Nói một cách khác, Mẹ Maria càng chìm sâu vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, thì trong hạn hẹp của một thụ tạo, Mẹ vẫn thấy mình cần phải tin nhận và cầu nguyện. Điều này khiến chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với Mẹ, và hiểu được rằng Mẹ thật sự thông cảm với những thiếu thốn tâm linh của mỗi người chúng ta. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta ở điểm này.
Trong dịp mừng kính Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, thật không gì đẹp lòng Mẹ hơn bằng cách cùng với Giáo Hội, chúng ta lập lại lời cầu: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Rồi cùng Mẹ, chúng ta cũng hãy đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa bằng kinh nguyện, kết hợp; nhất là kết hợp và hợp nhất trong Thánh Thể, Thánh Lễ. Và rồi khi đã có Chúa, thì cùng Mẹ, ra đi tìm gặp và giúp đỡ những ai đang mong tìm Chúa.
T.s. Trần Quang Huy Khanh