Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 08 Tháng 4 2012 10:18

Sứ Điệp Phục Sinh (2012)_ Bài Suy Niệm Của Lm Giu Se Nguyễn Văn Nghĩa

Posted by 
Rate this item
(1 Vote)
PhucSinh Có thể thấy rằng lý do mang tính quyết định dẫn đến cái chết thập giá của Chúa Kitô đó là vì Người đã tự khẳng định Người là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Chúa Cha, có trước cả Abraham. Chính dân chúng đã nhiều lần tìm cách ném đá Chúa Kitô. Họ nói rằng chúng tôi ném đá ông không phải vì những việc lành ông đã làm nhưng vì ông đã phạm thượng cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa. Và đây cũng là lý do cuối cùng mà Thượng Tế Caipha nại vào để lên án tử hình cho Chúa Kitô trước toà công nghị: “Hắn nói phạm thượng, chúng ta cần gì nhân chứng nữa…(Mt 26,65).

Kitô hữu khắp nơi họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, đỉnh cao của cử hành Phụng Vụ Kitô giáo. Thánh Phaolô muốn khẳng định điều gì khi nói rằng: Nếu Chúa Kitô không sống lại thì chúng ta là những người bất hạnh, khốn khổ nhất trong nhân loại? Chuyện chẳng quá khó để lý giải vì nếu tự nguyện bước đi, sống theo một con người, cho dẫu là một bậc vĩ nhân đi nữa để rồi mọi sự lại chấm dứt với cái chết thể lý, thì dường như không làm thoả cơn khát hạnh phúc vĩnh tồn của kiếp nhân sinh. Hơn nữa, con đường mà Chúa Kitô đã đi và vạch ra cho những ai muốn theo Người thì có vẻ đi ngược với cảm tính nhân loại, ngược với quan niệm thường tình của con người về hạnh phúc vì ai muốn theo Người là phải vác thập giá mình hằng ngày.
Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh chính là chìa khoá khai mở cho những nghịch lý trên đây. Nhưng trước hết xin thử hỏi với nhau rằng niềm xác tín của chúng ta vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh có độ chắc chắn và độ sâu đậm ở mức nào? Phải chăng niềm tin ấy mới dừng lại ở một vài công thức tuyên xưng đức tin hay một vài nghi lễ Phụng Vụ hoặc một vài lời ca, câu hát Halleluia Chúa đã sống lại?
Là tín hữu Kitô, niềm tin của chúng ta một cách nào đó đặt nền tảng trên kho tàng Mạc Khải mà Thánh Kinh là một thành phần chủ yếu của kho tàng ấy. Dùng lý trí luận suy, cùng với những kiểm nghiệm khoa học chúng ta có thể chân nhận lịch sử tính của các trang Thánh Kinh, đặc biệt là Tân Ước. Tính xác thực của những trang Tân Ước, cách riêng các trang Tin Mừng còn thể hiện nơi chính nội dung của chúng. Sự thường xưa lẫn nay, không một ai khi đang trong phận quyền cao chức trọng mà lại truyền giảng và cho phép ghi chép cũng như phổ biến những sự yếu kém, xấu xa của chính bản thân mình. Khi những trang Tân Ước, những trang Tin Mừng hình thành thì chúng ta đừng quên rằng các tông đồ đang có vị thế rất cao trong cộng đoàn, những người tin Chúa Kitô mà các ngài còn có rất nhiều quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động. Các ngài đã từng làm nhiều phép lạ lớn lao hơn cả Thầy chí thánh Giêsu, đúng như lời Thầy đã phán trước (x.Ga 14,12).
Sự thường khi đã ở đỉnh cao của quyền chức thì người ta tìm cách che giấu quá khứ yếu kém, xấu xa, những hạn chế và lầm lỗi của mình. Trái lại, người ta tìm cách phô bày những mặt tích cực, những điểm tốt đẹp của mình, thậm chí có người còn thiếu liêm sĩ khi tự viết sách để tô hồng, thần thánh hoá bản thân. Thế mà Tin Mừng đã ghi lại những sự thật quả không mấy đẹp về các tông đồ như chuyện các ngài dốt nát, thất học, lười ăn chay, không biết cầu nguyện, lòng đầy tham sân si thấp hèn mà lại rất nhát đảm…
Biến cố nào, sự thật nào đã làm đổi thay không chỉ một vài người mà cả một tập thể tông đồ, những người đã theo chân Chúa Kitô? Phải có một sự kiện trọng đại nào đó, một biến cố lớn lao nào đó mới có thể làm nên một sự chuyển đổi hoàn toàn nơi các tông đồ xét cả phẩm tính cũng như số lượng: từ nhát đảm trở thành cam đảm phi thường, từ ích kỷ tham lam đến quảng đại hiến dâng cả mạng sống? Xin thưa rằng đó là mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Giêsu Kitô, người mà Philatô và các vị Thượng tế đã đóng đinh trên thập giá, đã chết và được an táng trong mồ thì nay đã sống lại. Đấng đã chết thật vẫn đang sống và đồng hành với các mộn đệ của Người. Một Đấng có quyền trên cả sự chết, một cái chết do tự nguyện đón nhận như lời Người đã báo trước đó trên dưới ba lần thì chắc chắn quyền năng của Người phải thống trị mọi sự mọi loài.
Tuy nhiên trước hết chúng ta cùng xét xem cái lý do chính yếu dẫn đến cái chết khổ giá của Chúa Kitô. Chúa Kitô bị nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ ganh tương đố kỵ. Điều này Tin Mừng có ghi lại nhưng chưa mang tính quyết định, vì họ vẫn còn e sợ dân chúng. Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra giữa Chúa Kitô với một số giới chức Do thái giáo về việc giữ luật ngày hưu lễ hay việc giữ luật sạch nhơ hay việc Chúa Kitô thẳng tay thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem cũng là những nguyên cớ để người ta tìm cách giết Người, tuy nhiên các nguyên cớ này vẫn chưa đủ trọng lượng.
Có thể thấy rằng lý do mang tính quyết định dẫn đến cái chết thập giá của Chúa Kitô đó là vì Người đã tự khẳng định Người là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Chúa Cha, có trước cả Abraham. Chính dân chúng đã nhiều lần tìm cách ném đá Chúa Kitô. Họ nói rằng chúng tôi ném đá ông không phải vì những việc lành ông đã làm nhưng vì ông đã phạm thượng cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa. Và đây cũng là lý do cuối cùng mà Thượng Tế Caipha nại vào để lên án tử hình cho Chúa Kitô trước toà công nghị: “Hắn nói phạm thượng, chúng ta cần gì nhân chứng nữa…(Mt 26,65).
Chúa Kitô có thể tránh được cái chết nhờ quyền năng của Người và Người thực sự đã tránh được nhiều lần như khi người dân Nagiarét tìm cách xô Người xuống vực thẳm hay khi người ta tìm cách ném đã Người (x.Lc 4,28-30; Ga 10,31-33). Chúa Kitô cũng có thể tránh được cái chết khi trình bày mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống hay khi giới thiệu mình là Con Thiên Chúa một cách khôn khéo không gây chối tai hay gây cớ vấp phạm cách thái quá. Thế nhưng Chúa Kitô đã tự nguyện đón lấy cái chết khổ hình thập giá, một cái chết mà Người có thể thoát khỏi nhờ vào quyền năng của chính Người. Như thế cái chết của Chúa Kitô có nguyên cớ sâu xa và chính yếu nhất, đó là vì Người không ngại ngần khẳng định căn tính Thiên Chúa của Người. Khi một người tuyên bố một sự thật mà người ấy sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả tồi tệ xấu xa nhất cho mình thì sự thật ấy quả là chân lý rất quan trọng và rất cần thiết cho người nghe, cho người đón nhận.
Chúa Kitô đã phục sinh. Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh có nhiều ý nghĩa cho những người tin vào Chúa Kitô. Tuy nhiên có thể nói cách không sợ sai lầm rằng ý nghĩa quan trọng và hàng đầu của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh đó là khẳng định căn tính Thiên Chúa của Đấng đã chịu tử nạn khổ giá. Không ai có thể cướp lấy mạng sống của Ta. Ta tự hiến dâng mạng sống của Ta và Ta sẽ lấy lại (x.Ga 10,18). Chổi dậy từ cõi chết, Chúa Phục Sinh minh chứng rằng Người chính là Thiên Chúa thật, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành, duy chỉ nhờ Người mà mọi loài, đặc biệt loài người mới được vào vinh quang bất diệt, được hưởng hạnh phúc vĩnh tồn.
“Các bà hãy về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16,7). Không phải tại Đền thờ Giêrusalem, cũng không phải trên núi này hay điểm hành hương nọ mà là tại Galilê, nơi các môn đệ sinh sống. Đấng Phục Sinh là Thiên Chúa thật, mãi đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường. Chúa Kitô đã sống lại, Người đang sống với chúng trong mọi cảnh huống đời thường của chúng ta. Tin nhận Chúa Phục Sinh là đón nhận Người vào chính cuộc sống chúng ta với bao lo toan của đời thường như chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện học hành, chuyện chính trị xã hội lẫn chuyện gia đình, chuyện cá nhân lẫn chuyện xóm giềng dòng tộc… Chính khi sống những chuyện đời ấy trong sự thật và tình thương thì một cách nào đó chúng ta đang tuyên xưng Chúa đã phục sinh một cách khả tín vì Đấng là Đường, Là Sự Thật và là Sự Sống mãi ở cùng với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Read 1339 times