Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 31 Tháng 5 2012 14:34

5 Phút Mỗi Ngày Cho Lời Chúa - Tháng 6.2012 (Từ 01 đến 15)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Lạy Chúa, nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chúng con mới thấy được phần nào lòng nhân lành của Chúa. Xin cho con luôn biết sống với Chúa như những người con thảo, và biết sống quảng đại nhẫn nại với tha nhân như Chúa đã đối xử với con. Amen.

01/06/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Th. Giúttinô, tử đạo

Mc 11,11-26

 

SINH HOA TRÁI CHO NƯỚC TRỜI


Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Chúa Giêsu đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” (Mc 11,12-14)


Suy niệm: Có người bảo Chúa Giêsu thật là “chướng,” không phải mùa vả mà đòi cây vả phải có trái! Đã thế còn nguyền rủa cho nó phải héo khô! Hẳn là Chúa cũng biết cây vả không thể đi ngược với qui luật tự nhiên Chúa đã thiết định mà muôn loài muôn vật đều tuân thủ. Thế nhưng, Chúa làm một việc có vẻ bất thường, nghịch lý để nhấn mạnh đến điều Ngài muốn dạy bảo. Nếu như các loài thảo mộc sinh trái đúng mùa theo luật tự nhiên, thì trái lại, việc sinh sản hoa trái thiêng liêng không chỉ diễn ra theo thời vụ mà phải là tình trạng thường xuyên của “người ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong người ấy” như dòng nước phát xuất từ đền thờ, chảy tới đâu thì sự sống sinh sôi nảy nở ở đó, cây mọc hai bên bờ, lá cây không tàn, kết trái quanh năm (x. Ed 47,9-12).


Mời Bạn: Lắm khi chúng ta sống đạo theo “mùa”: vào mùa Chay thì rồng rắn xếp hàng “xưng tội”, đến khi “ra chay” thì lại trở lại nếp sống cũ, chỉ cố “giữ đạo” ở mức tối thiểu theo luật buộc chứ không triển nở và trổ sinh hoa trái cho Nước Chúa bằng việc đem chất Tin Mừng thấm vào từng công việc, từng con người mà mình tiếp xúc hằng ngày.


Sống Lời Chúa: Để sinh hoa trái cho Nước Chúa, mời bạn vun đắp mối thân tình với Chúa Kitô bằng việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở lại trong con và con ở trong Chúa để con sinh nhiều hoa trái cho Nước Chúa.

 


 

 

02/06/12 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Th. Mácxenlinô và Phêrô, tử đạo
Mc 11,27-33

 

TINH THẦN ĐỐI THOẠI


Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mc 11,27-28)


Suy niệm: Thiên Chúa Cha muốn nói với con người qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, Con Thiên Chúa đã làm người, chia sẻ cuộc sống con người, để truyền đạt sứ điệp cứu độ cho con người. Những tâm hồn nhỏ bé đơn sơ tìm đến với Ngài với tâm hồn thành khẩn, họ được soi sáng và cứu độ. Nhưng cũng có những con người dửng dưng thậm chí khước từ. Cuộc gặp gỡ giữa những thượng tế, kinh sư, kỳ mục Do Thái và Chúa Giê-su có thể là cuộc trao đổi để tìm hiểu về nguồn gốc uy quyền của Chúa Giê-su như bao nhiêu cuộc mạn đàm về giáo lý ở tại đền thờ thánh thiện này. Nhưng họ đã đến với ý hướng tìm cách bắt bẻ, gài bẫy Chúa. Nghe họ tính toán hơn thiệt với nhau và nghe câu họ trả lời cho Chúa Giê-su: “Chúng tôi không biết”, ta thấy rõ chân tướng “đối chọi” hẹp hòi của họ.


Mời Bạn: Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 mời gọi các tín hữu đối thoại để loan báo Tin Mừng: “Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ” (39).


Chia sẻ: Chúng ta đã có thể nhận ra chân lý từ những người khác lập trường với mình chưa?


Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe và chia sẻ trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, để con có thể nói về Chúa cho anh em xin cho con biết lắng nghe, và thật lòng tôn trọng họ nhất là những ai khác biệt với con.

 


 

 

03/06/12 CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – B
Lễ Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20

 

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU


“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19)


Suy niệm: Đã là mầu nhiệm thì con người, với trí năng tự nhiên, không thể nào đạt thấu. Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, điều đó lại càng đúng. Thánh Âutinh đã có cảm nghiệm về sự bất lực đó khi suy gẫm về mầu nhiệm cao cả thâm sâu này. Thế nhưng Chúa Giêsu đâu có muốn đè bẹp lý trí của chúng ta khi mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm này. Trái lại Ngài cho chúng ta biết Thiên Chúa là Ba Ngôi những vẫn là Một, bởi vì Chúa là Tình Yêu; Ngài cứu chuộc chúng ta cũng vì yêu thương, để đưa chúng ta vào trong Mầu Nhiệm Tình Yêu với Ngài. Chính vì thế những lời Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng và làm phép rửa nhân danh Mầu Nhiệm Tình Yêu này là những lời đầy tâm tình tha thiết: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”


Mời Bạn: Lời mạc khải ấy mời gọi các môn đệ mọi thời đón nhận chân lý cao cả này bằng lòng khiêm nhường và yêu mến tin tưởng; đàng khác đó còn là mệnh lệnh sai chúng ta tiếp tục loan báo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đến cho anh chị em mình.


Sống Lời Chúa: Làm dấu Thánh Giá một cách thật trang nghiêm sốt sắng để nói lên tình yêu và niềm tin tưởng tuyệt đối của bạn vào Chúa Ba Ngôi.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thật hạnh phúc được sống trong Tình Yêu của Chúa Ba Ngôi. Con nguyện sống theo lệnh truyền của Chúa để con được ở trong Chúa và Chúa ở trong con.

 


 

 

04/06/12 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Mc 12,1-12

 

MỘT VỊ CHÚA TỐT KHÔNG THỂ NGỜ


“Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ.” (Mc 12,5-6)


Suy niệm: Trong cuộc sống có những chuyện ta không tưởng tượng nổi là sẽ xảy ra, thế mà vẫn xảy ra; có những con người mà ta không thể hình dung có thể hiện hữu trên trần thế, nhưng thực tế vẫn có những con người như vậy. Tuy nhiên, dù có óc tưởng tượng phong phú đến đâu, ta không thể nào nghĩ rằng trên trần gian này lại có một người quá đặc biệt như ông chủ vườn nho trên đây. Ông quả thật là một người kiên nhẫn, nhân hậu đến độ gần như nhu nhược: Ông để cho các tá điền độc ác hành hạ các đầy tớ của mình và cuối cùng giết chết chính người con một yêu quý. Đó lại là chính hình ảnh mà Đức Giêsu đã dùng để phác họa cho ta thấy được chân dung của CHA Ngài, cũng là CHA của chúng ta.


Mời Bạn: Cảm tạ Chúa vì có được một người Cha kiên nhẫn khác thường, quảng đại khác thường, nhân hậu khác thường như vậy. Và bạn cũng nhớ rằng Chúa cũng đang đối xử với bạn y như Ngài đã đối xử với dân Israen ngày xưa.


Sống Lời Chúa: Quỳ xuống cám ơn Chúa vì đã tỏ ra quá nhân lành, quá kiên nhẫn với bạn. Bạn cũng hứa với Chúa sẽ giúp cho những người thân nhất của mình biết sống với Chúa như những người con hiếu thảo.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chúng con mới thấy được phần nào lòng nhân lành của Chúa. Xin cho con luôn biết sống với Chúa như những người con thảo, và biết sống quảng đại nhẫn nại với tha nhân như Chúa đã đối xử với con. Amen.

 


 

 

05/06/12 THỨ BA TUẦN 9 TN
Th. Bôniphát, giám mục, tử đạo
Mc 12,13-17

 

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI


Chúa Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa.” (Mc 12,17)


Suy niệm: Vin vào câu nói của Chúa Giêsu: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” người ta cổ võ cho chủ trương tách biệt đạo đời. Theo trào lưu tục hoá, cuộc sống người kitô hữu bị phân mảnh làm đôi: “việc đạo” là việc “riêng tư” bị đóng khung trong khuôn viên nhà thờ; ngoài ra, cuộc sống đời thường và các sinh hoạt xã hội không được mang nội dung, dấu hiệu gì để diễn tả niềm tin; bất quá, nếu có, thì bị “khử thiêng” để chỉ còn là những hình thức văn hoá lễ hội. Nguy hại thay, chính các kitô hữu lắm khi lại “vô tư” chấp nhận cách thức phân loại này. Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta cách hiểu đúng về Lời Chúa trên đây: chẳng những phải tôn trọng tính cách riêng của các thực tại trần thế, mà còn phải đem những giá trị Tin Mừng thấm nhập vào đó nữa: “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người thân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của họ bị đe dọa” (GS 43).


Mời Bạn: Là người tín hữu đang sống giữa những thực tại trần thế, chúng ta có nghĩa vụ chu toàn sứ mạng của mình trong cả hai đời sống này. Bạn có ý thức đến việc xây dựng xã hội trần thế tốt đẹp theo tinh thần Phúc Âm chưa? Làm thế nào để đem Tin Mừng vào mọi ngõ ngách của cuộc sống của bạn?


Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, dâng lên Chúa một lời nguyện tắt xin Chúa thánh hoá việc bạn sắp làm.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, Xin ban cho chúng con luôn can đảm và sức mạnh để chúng con đủ sức chu toàn bổn phận hàng ngày của mình. Amen.

 


 

 

06/06/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Nobetô, giám mục
Mc 12,18-27

 

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI


Đức Giêsu nói: “Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn chuyện lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời... Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.” (Mc 12,25.27)


Suy niệm: Báo Newsweek năm 96 có kể trường hợp các thiếu niên cảm tử thuộc một tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông được hứa hẹn : nếu ôm bom xông vào đám đông thì sẽ được lên thẳng thiên đàng, nơi chảy sữa và mật, có 70 cô trinh nữ xinh đẹp hầu hạ và có 72 vé vào cửa thiên đàng để phân phối cho thân nhân. Rõ ràng một thiên đàng như vậy xa lạ với Kitô giáo chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói cho ta biết thế giới mai sau khác hẳn thế giới hiện tại; thật sai lầm khi dùng những hình ảnh của thế giới này để áp dụng cho thế giới mai sau. Đức Giêsu chỉ nói rằng: “Khi ấy người ta sẽ giống các thiên thần trên trời.”


Mời Bạn: Ghi nhớ đích điểm của đời bạn là hạnh phúc vĩnh cửu, là sự sống đời đời cùng với Thiên Chúa. Để đạt được đích điểm cuộc đời ấy, bạn phải theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống, Ngài vừa chỉ lối, vừa cầm tay dắt bạn đi đến đích.


Chia sẻ: Tôi đã sống theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu như thế nào để có thể đạt được hạnh phúc Nước Trời?


Sống Lời Chúa: Để sống theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu, mỗi ngày tôi cố gắng làm một cử chỉ yêu thương phục vụ người lân cận.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con có đời sống mai sau, và đời sống ấy khác hẳn với đời sống hiện tại. Xin giúp chúng con nhớ đến đích điểm cuộc đời chúng con, để chúng con luôn hăng hái và quyết tâm bước theo Chúa trên hành trình trần gian. Amen.

 


 

 

07/06/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Mc 12,28b-34

 

TÌNH YÊU VÀ CỦA LỄ


“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)


Suy niệm: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Sắm sửa một mâm cỗ để mời ai đó thì quá quí rồi. Ấy vậy mà nó bị đánh giá thấp hơn ‘tiếng chào’ là thứ chẳng tốn kém gì! Điều này cho thấy trong suy nghĩ của ông bà chúng ta, lễ vật, quà tặng tuy đáng quí nhưng những tâm tình quí mến đối với người mình tiếp xúc là điều còn đáng quí hơn nhiều. Nói đến việc giữ đạo, ta nghĩ ngay đến lễ bái, kinh kệ, dâng cúng của lễ. Đối với Chúa Giêsu, nhân tố cốt yếu phải có là tình yêu bên trong đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu này cao quí hơn mọi thứ của lễ. Khi nói yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực,” Chúa muốn nói đến một tình yêu chân thành và ngày càng được thanh luyện để trở nên sâu xa hơn, tinh tuyền hơn.


Mời Bạn: Mười điều răn cũng như luật Hội thánh buộc chúng ta tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần. Nhưng chúng ta giữ luật đó với tâm tình và thái độ nào? Có phải vì tình yêu Chúa hay không? Và sẽ rất thiếu sót nếu chỉ quan tâm đến nghi thức hoàng tráng mà hoàn toàn vô cảm trước những khổ đau của tha nhân, những người nghèo bị áp bức bất công trong xã hội.


Chia sẻ: Trong hoàn cảnh của cộng đoàn tôi đang sống, có hoàn cảnh nào mà theo lương tâm Kitô hữu, chúng tôi không thể làm ngơ được?


Sống Lời Chúa: Tôi tập sống quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi vật chất hay tinh thần của người sống bên tôi và làm việc cụ thể để chia sẻ với họ.


Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến cách chậm rãi, và suy gẫm: Lạy Chúa, con kính mến Chúa ...

 


 

 

08/06/12 THỨ SÁU TUẦN 9 TN
Mc 12,35-37

 

TIN ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI


“Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?” (Mc 12,37)


Suy niệm: Hình ảnh Đavít, vị vua lý tưởng, đã đi vào lòng dân tộc Do Thái cộng thêm với lời các ngôn sứ khiến cho họ vẫn mong đợi một Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng tộc Đavít. Hôm nay, Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ: Họ nói Chúa Giêsu là con vua Đavít. Thế tại sao Đavít, trong Thánh vịnh 110, mà ông được coi là tác giả, lại gọi Đấng Mêsia bằng “Chúa Thượng tôi”? Đây chính là chìa khoá để họ hiểu sự thật về Đức Giêsu – tiếc thay họ lại không sử dụng chìa khoá này: Họ chỉ nghĩ đến Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít, xét theo nhân tính; còn trong bản tính thần linh, Ngài chính Con Thiên Chúa và do đó Ngài là Chúa Thượng của Đavít.


Mời Bạn: Tiếp nối sứ mạng nhập thể của Chúa Kitô, Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN minh định Giáo hội là mầu nhiệm vì xuất phát từ Chúa Ba Ngôi, nhưng được sai đi vào trong thế giới nên cũng mang đặc tính nhân loại. Sống trong một thế giới tục hoá muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân cũng như xã hội, người kitô hữu có sứ mạng đem Ngài trở lại với thế giới bằng cách thực thi những giá trị của Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Phần bạn, bạn đã tiếp nối việc nhập thể của Chúa Giêsu trong đời sống của bạn thế nào?


Sống Lời Chúa: Dâng một lời nguyện tắt trước mỗi công việc để biến việc đó thành việc loan báo Tin Mừng.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con tôn vinh danh Chúa cách thực sự qua cuộc sống chứng tá của chúng con.

 


 

 

09/06/12 THỨ BẢY TUẦN 9 TN
Th. Éprem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 12,38-44

 

HIẾN DÂNG TẤT CẢ LÀ HIẾN DÂNG CHÍNH MÌNH


“Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền (vào thùng dâng cúng). Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.” (Mc 12,41-42)


Suy niệm: Hai đồng tiền kẽm (trị giá một phần tư đồng xu Rôma), thế mà Chúa Giêsu lại bảo: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết;”“mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có” (cc 43-44). Khi so sánh nhiều – ít, Chúa Giêsu không dựa trên số lượng, mà Ngài xét trên mức độ hy sinh. Khi dâng “tiền dư bạc thừa”, người ta vẫn dành lại cho mình một “khoảng cách an toàn”. Còn bà goá khi dâng hết hai đồng tiền kẽm là tất cả tài sản của mình, bà đã đánh liều cả sự sống còn của mình. Nhìn xem bà góa nghèo dâng cúng, Chúa Giêsu đã gặp sự đồng cảm nơi bà: Ngài đã tự nguyện trở nên nghèo để dám cho đi tất cả –kể cả mạng sống. Quả thật, chỉ khi hiến dâng chính mình, bạn mới hiến dâng tất cả.


Mời Bạn: Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy người ta dám cho đi, và cao điểm của tình yêu là dám cho chính mình. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn; và tình yêu luôn đòi đáp trả bằng tình yêu.


Chia sẻ: Có sự liên hệ nào giữa đời sống khó nghèo và tình yêu?


Sống Lời Chúa: Khi cầu nguyện với Chúa hay khi phục vụ tha nhân, bạn làm với tất cả sự tận tuỵ quảng đại như bà goá dâng tất cả những gì mình có.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ khi thấu hiểu chân lý “ai cố giữ thì sẽ mất”, bà góa nghèo đã sẵn sàng cho đi tất cả. Xin giúp con hiểu chân lý cao quí ấy, để con dám cho đi chính mình, ngõ hầu Chúa sẽ trao lại cho con tất cả.

 


 

 

10/06/12 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN - B
Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Mc 14,12-16.22-26

 

TIỆC MÌNH MÁU CHÚA KITÔ


“Anh em hãy cầm lấy, này là mình Thầy ... Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22.24)


Suy niệm: Để tỏ lòng hiếu khách, người ta thường đãi khách những món ăn ngon lạ và bổ dưỡng; những món ăn chọn lọc, do mình tự nuôi trồng và chế biến lấy thì lại càng quý. Dù bằng cách nào, các món ăn đó cũng chỉ là những thứ ngoài họ. Chúa Giêsu mời chúng ta đến dự một bữa tiệc có một không hai trên đời. Bất cứ bữa tiệc nào bằng mọi thứ sơn hào hải vị quí giá cũng không bằng bữa tiệc Người thết đãi chúng ta bằng chính Thân Mình Người: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy.” Không ai có thể đãi bạn bữa tiệc quý như thế, và Chúa Giêsu cũng không thể đãi ai bữa tiệc quý hơn bữa tiệc Mình và Máu Người. Đúng là Chúa đã yêu thì yêu đến kỳ cùng!


Mời Bạn: Được ăn Mình và uống Máu Chúa, chúng ta trở nên một với Chúa. Diễm phúc nên một này mời gọi chúng ta hãy nên một cả trong hành động. Chúa đã hiến mình làm của nuôi chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng cần hiến mình để trở nên của ăn cho người khác. Bằng cách hiến cho tha nhân thời gian, sức lực, của cải, tình yêu, sự quan tâm... Để qua chúng ta, việc hiến Mình và Máu của Chúa Giêsu được sống động. Cũng nhờ đó bí tích Thánh Thể được nhân thừa và đi vào cuộc sống.


Sống Lời Chúa: Để trở thành “tấm bánh bẻ ra và cho đi”, luôn sẵn sàng phục vụ quảng đại, với tất cả tấm lòng.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu con, Chúa không quản ngại cho đi chính thân mình Chúa làm sức sống cho linh hồn con. Xin cho con cũng biết chia sẻ cho tha nhân tình yêu con nhận được từ Chúa.

 


 

 

11/06/12 THỨ HAI TUẦN 10 TN
Th. Banaba, tông đồ
Mt 10,6-13

 

ĐƯỢC CHO KHÔNG, THÌ CŨNG CHO KHÔNG


“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)


Suy niệm: Chuyện kể rằng một em bé đòi mẹ trả tiền tất cả những gì mình làm giúp mẹ như: quét nhà, gấp quần áo, rửa ly… Người mẹ nhẹ nhàng đưa lại cho em một tờ giấy trên đó ghi: cưu mang con trong dạ chín tháng mười ngày, sinh con, nuôi con lớn, cho con đến trường, đi bác sĩ khi con đau ốm,… tất cả đều không đồng nào! Câu chuyện trên minh họa phần nào sự thật của cuộc đời mỗi người chúng ta, chúng ta đã nhận không tất cả từ nơi Thiên Chúa: sự sống, hơi thở, tài năng, trí tuệ, sức khỏe… Thiên Chua còn làm một việc quá sức tưởng tượng của chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,16). Và Chúa Giêsu cũng đã trao tặng chúng ta Thịt Máu Ngài (Ga 6,51). Tất cả đều không đồng! Chúa còn dạy các Tông đồ cũng hãy biết cho đi như vậy: “Anh em đã được cho không thì hãy cho không như vậy.”


Mời Bạn: Sống trong nền kinh tế thị trường, tình người ngày càng bị thương mại hóa: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Thường thì chúng ta thích nhận, nhưng cho thì dễ so đo, tính toán hơn thiệt... Tính cách cho không của Tin Mừng đã biến mất. Chúa mời gọi chúng ta sống quảng đại với người khác như Chúa vẫn quảng đại với chúng ta. Mỗi lần bạn cho đi cách quảng đại, bạn càng trở nên giống Thiên Chúa.


Sống Lời Chúa: Bạn quan tâm, giúp đỡ, phục vụ cho những người sống gần bạn mà không cần trả ơn hay biết đến.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không so đo tính toán. Xin cũng dạy con biết đón nhận tất cả từ nơi Chúa và tha nhân với lòng biết ơn yêu mến. Amen.

 


 

 

12/06/12 THỨ BA TUẦN 10 TN
Mt 5,13-16

 

MUỐI CHO ĐỜI, ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN


“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?… Cũng chẳng ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi sáng cho mọi người trong nhà.” (Mt 5,13.15)


Suy niệm: Bản chất của người kitô hữu là vừa đơn sơ như hạt muối trắng, vừa bé nhỏ như ngọn đèn dầu, nhưng lại cao cả trong sứ mệnh.


Mặn là bản chất của muối. Muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Cũng thế, người kitô hữu hoà nhập vào trần thế, để làm cho môi trường thế gian trở nên tốt đẹp hơn nhờ bản chất “Kitô” của chính mình.


Và hãnh diện thay “anh em là ánh sáng cho trần gian”. Người Kitô hữu là con cái sự sáng, bắt nguồn từ nguồn sáng Đức Kitô. Ánh sáng Tin Mừng của Chúa phải được minh chứng qua lối sống của người kitô hữu. Đáng tiếc thay, nhiều kitô hữu khi hoà mình vào trần thế, đã để cho thế trần làm biến chất “kitô hữu”; họ sợ hãi: sợ dấn thân, sợ nguy hiểm, sợ mất địa vị, chẳng khác nào đặt ngọn đèn mình dưới thùng.


Mời Bạn: Khi hoà mình vào giòng đời hôm nay với nền đạo đức xuống cấp, phẩm giá con người bị chà đạp, bạn có nghĩ rằng thực trạng đó một phần cũng do muối của bạn kém mặn, đèn của bạn kém sáng chăng?


Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để bạn được ướp mặn lại bằng muối của Ngài và đèn bạn được thắp sáng bằng ánh sáng của Ngài.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con là muối, là ánh sáng cho đời, xin cho chúng con biết sống bác ái, phục vụ để làm trọn sứ vụ này. Amen.

 


 

 

13/06/12 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Th. Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 5,17-19

 

MỖI NGƯỜI MỘT VIỆC


“Cả anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt 20,4)


Suy niệm: Theo qui luật, hễ nền kinh tế suy thoái, thì nạn thất nghiệp gia tăng vì các ông chủ thường tìm cớ sa thải công nhân. Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn lại không hành động theo qui luật kinh tế thị trường. Thợ được kêu vào làm vườn nho cho ông bất kể thời gian làm việc nhiều hay ít vẫn hưởng trọn số lương của một ngày lao động. “Lẽ công bằng” của ông là không ai phải thất nghiệp, trái lại “mỗi người một việc” ai cũng có một vai trò trong vườn nho của ông và vì thế đáng hưởng lương một đồng theo đúng lẽ công bằng.


Bạn thân mến, mỗi người chúng ta đầu là con cái Chúa và được Ngài yêu thương; mỗi người đều có một phẩm giá độc đáo trước mặt Ngài, đi kèm với những nghĩa vụ phải hoàn thành theo phận sự riêng, ơn gọi riêng của mình trong Đức Kitô. Mỗi người đều phải nhận biết ơn gọi của mình và dành tất cả tài năng, sức lực phục vụ Nước Chúa với tâm tình người con cái Chúa.


Chia sẻ: Cộng đoàn, giáo xứ không phải thiếu nhân lực, vật lực, nhưng công việc chung nhiều khi vẫn bị dở dang, trì trệ. Vì sao? Làm thế nào để mọi người đều tham gia trong công cuộc xây đắp Giáo Hội trong tinh thần hiệp thông?


Sống Lời Chúa: Sẵn sàng từ bỏ ý riêng của mình để tham gia công việc vì lợi ích chung của cộng đoàn.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã mời con vào làm vườn nho của Chúa với tư cách là người con, chứ không phải kẻ làm thuê. Xin cho con biết nỗ lực làm việc cho Nước Chúa không phải vì tìm kiếm phần thưởng hay lợi lộc nhưng vì tình yêu của người con thảo hiếu đối với Chúa là Cha của con.

 


 

 

14/06/12 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Mt 5,20-26

 

LỄ VẬT XỨNG ĐÁNG


“Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)


Suy niệm: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều kiện tiên quyết, để xứng đang dâng của lễ lên Thiên Chúa, đó là: sự hòa giải, và tâm hồn an bình. Chúa dạy chúng ta phải nắm thế chủ động trong việc làm hoà: - phải làm hoà không chỉ khi mình bất bình với anh em mà ngay khi anh em bất bình với mình; - không đợi anh em đến xin lỗi mình mà mình phải “đi bước trước” đến làm hoà với anh em. Tâm hồn hoà bình hoá ra còn quan trọng hơn của lễ vì nếu trong lòng ta còn “bất bình” thì việc dâng của lễ trở nên vô nghĩa thậm chí còn là “trò hề” phản chứng nữa.


Mời Bạn: Có bao giờ bạn đi dâng của lễ mà lòng còn nhiều “gay cấn” với anh chị em mình không? Và mỗi lần như thế bạn có cảm thấy sự bình an thật sự trong tâm hồn?


Chia sẻ: Trong gia đình, cộng đoàn, hay nơi bạn làm việc, có ai đang không đồng quan điểm hoặc bất hoà với bạn không? Bạn đã làm thế nào để nối lại mối quan hệ thân thiết với họ?


Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ thân ái với người đang có mối bất hòa với bạn, và nhất là cầu nguyện cho họ.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con biết dâng tiến lên Chúa của lễ của sự quả cảm, dám chấp nhận đi bước trước đến hòa giải với những anh chị em của con khi chúng con đang có mối bất hòa với nhau. Xin cho con sống tình yêu Chúa cách thật lòng, thật dạ với anh chị em của con. Vì chúng con là anh chị em trong đại gia đình của Chúa.

 


 

 

15/06/12 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Ga 19,31-37

 

CÓ TÂM NHƯ THÁNH TÂM


Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Nguời đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng có một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,33-34)


Suy niệm: Ngắm nhìn kỹ một tấm ảnh hay một pho tượng Thánh Tâm, bạn sẽ nhận ra một điều khác thường: Trái Tim Chúa Giêsu không nằm trong lồng ngực, nhưng bày ra bên ngoài. Trước khi gia nhập Kitô giáo, năm 1597 quan đại thần Tsukamoto đã phát hiện ra điều lý thú này. Ông đã ghi vào bức ảnh Thánh Tâm: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” và nói với ông bạn Osaki: “…Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu tâm”, còn đối với bản thân mình thì “Vô tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người (…). Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy”.


Mời Bạn suy gẫm lời nhận định trên đây của một người lương dân trước khi gia nhập Kitô giáo. Bạn có nhận thấy như Tsukamoto không?


Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi quan điểm sống trong cuộc đời: có tấm lòng, có cái tâm như Thánh Tâm Chúa Giê-su khi sống với đồng loại.


Cầu nguyện: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Xin biến đổi con để con yêu tha nhân bằng trái tim của Chúa. Amen.”

Nguồn: http://giaophanvinh.net

Read 2055 times Last modified on Thứ năm, 31 Tháng 5 2012 14:51